'Dáng đứng Việt Nam' và mối tình son sắt

Nghệ sỹ ưu tú Ca Lê Hồng và tấm ảnh chụp cùng nhà thơ Lê Anh Xuân.
Nghệ sỹ ưu tú Ca Lê Hồng và tấm ảnh chụp cùng nhà thơ Lê Anh Xuân.
TP - Có một Lê Anh Xuân tài hoa trong thơ, anh hùng trong đời, hết mực yêu thương gia đình và son sắt thủy chung trong tình yêu, luôn canh cánh bởi sự chia xa cùng nỗi nhớ thương người yêu đau đáu, khôn nguôi…

Hơn bốn mươi năm sau ngày Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến) hy sinh, chuyện tình cảm động của nhà thơ được người chị gái thân thiết kể lại.

Mối tình thời niên thiếu

Chiều cuối năm, trong một con hẻm yên tĩnh, dưới cơn mưa nặng hạt, nhà giáo nghệ sỹ ưu tú Ca Lê Hồng, nguyên hiệu trưởng trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Ðại học sân khấu điện ảnh TPHCM) bồi hồi lật từng tấm hình đen trắng đã ố màu thời gian. Trên bàn thờ, tác giả bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” vẫn trẻ trung giữa khói hương nghi ngút. Cơn mưa Sài Gòn bất chợt thoáng qua gợi nhớ những ngày mưa phùn giá buốt ở Ðà Lạt, nơi chị em bà sống côi cút trong cảnh không cha, không mẹ.  

Ðó là vào năm 1946 của thế kỷ trước. GS Ca Văn Thỉnh (nhà nghiên cứu văn học sử Nam bộ) và vợ là nhà giáo Lê Thị Tài để lại 5 đứa con thơ ở quê nhà Bến Tre, cùng bà Nguyễn Thị Ðịnh (sau này là Phó Chủ tịch nước) vượt biển ra miền Bắc xin Trung ương chi viện vũ khí đánh Pháp. Dọc đường, bà Tài bị bệnh phải ở lại và bị Pháp bắt giam, quản thúc làm con tin để chiêu dụ Quyền Bộ trưởng Giáo dục Ca Văn Thỉnh. Bà Tài nhờ tổ chức đưa hai đứa con nhỏ nhất là Ca Lê Hiến và Ca Lê Hồng lên ở cùng.

Bà Hồng nhớ lại: “Nơi má tôi ở là vùng đất sơn lam chướng khí và không có trường học. Hai chị em được đưa về Ðà Lạt nương nhờ một người bà con để đi học. Tôi lớn hơn Hiến một tuổi, những lúc thấy em buồn, tủi thân lại an ủi, động viên. Hiến gầy yếu, hay bệnh, rất tội nghiệp. Năm 1950, sau khi má tôi được giải cứu và ba tôi trở về miền Nam công tác, hai chị em được đưa vào căn cứ ở với ba má và học trường kháng chiến”.

'Dáng đứng Việt Nam' và mối tình son sắt ảnh 1

Nhà thơ Lê Anh Xuân và người yêu.

Tại căn cứ trong vùng kháng chiến, Lê Anh Xuân đã gặp cô bé Bùi Xuân Lan, em gái nhà văn Bùi Ðức Ái (Anh Ðức), tác giả của tiểu thuyết Hòn Ðất. Khi ấy, cả hai mới 9, 10 tuổi. Bà Hồng kể: “Hai chị em Xuân Lan học chung trường với tôi và Hiến. Tụi tui là bạn học thuở nhỏ, rất thân thiết. Cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt, trường học bị giải tán, mỗi người một ngả. Sau này tập kết ra Bắc, tôi theo Văn công, Hiến theo học trường học sinh miền Nam. Hiến gặp lại Xuân Lan và đưa người yêu về chính thức giới thiệu với gia đình. Biết chuyện hai đứa yêu nhau, tôi rất ủng hộ”.

Lúc ấy, Lê Anh Xuân đang học năm cuối trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Anh tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường làm trợ giảng và được giới thiệu đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Bùi Xuân Lan cũng sang Trung Quốc học tập nghiên cứu chuyên ngành kinh tế tài chính. Những ngày về nước ngắn ngủi, đôi bạn trẻ đã hứa hôn. Một tương lai xán lạn, hạnh phúc mở ra trước mắt. 

Nghĩ về em trai, bà Hồng xót xa: “Bây giờ nhiều người sống thực dụng, có mấy ai như Hiến, từ chối cơ hội tiến thân, một gia đình hạnh phúc để theo tiếng gọi non sông lao vào hòn tên mũi đạn. Em tôi từ bé được giáo dục trong môi trường cách mạng, sống có lý tưởng, trung thực, chân thành, sẵn sàng cống hiến và hy sinh khi Tổ quốc cần”.

Lê Anh Xuân từ chối việc được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và làm đơn đề đạt nguyện vọng xin được vào Nam, chấp nhận xa rời cha mẹ, anh chị em, bạn bè và người yêu. Trong lý lịch cán bộ, phần khai về gia đình, Lê Anh Xuân ghi rõ: “Tôi có vợ chưa cưới tên là Bùi Xuân Lan hiện đang học năm thứ ba Học viện kinh tài Thượng Hải (Trung Quốc)”.

'Dáng đứng Việt Nam' và mối tình son sắt ảnh 2

Lá thư của nhà thơ Lê Anh Xuân gửi cha mẹ trước ngày đi B.

Son sắt, thủy chung

Bà Hồng nhớ lại: “Năm 1964, Hiến vào Nam công tác và chiến đấu với tên mới là Lê Lan Xuân, ghép từ chữ Lê - Lê Hiến và Lan Xuân, tức Xuân Lan. Chuyến đi ấy cũng có một số trí thức, trong đó có anh Từ Sơn, con trai nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Bút danh Lê Anh Xuân của Hiến cũng được ghép từ chữ lót của ba người: Ca Lê Hiến, Anh Ðức (Bùi Ðức Ái) và Bùi Xuân Lan để mãi lưu dấu trong tim hình bóng người yêu. Ðáng tiếc là ngày Hiến đi B, Xuân Lan ở Trung Quốc không về được khiến nỗi nhớ người yêu càng thêm da diết, khắc khoải”.

GS Ca Văn Thỉnh, trong một lá thư gửi nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Lý đã xót xa thổ lộ: “Tôi chỉ ghi để cho anh rõ cơ thể và tâm trạng của Hiến lúc khó khăn trèo Trường Sơn. Cháu bị bệnh tê thấp, lòng bàn chân nứt nẻ, đi bộ đường bằng còn đau huống chi trèo núi…”.      

Ðối mặt với bom đạn, biệt kích và cả những cơn sốt rét rừng, Lê Anh Xuân vẫn không thôi lo lắng cho người yêu. “Hiến viết thơ xin ba má, chị Năm (tức bà Ca Lê Hồng) thương yêu, chăm sóc cho Xuân Lan, đừng để cô ấy cảm thấy cô đơn. Hiến nhờ tôi giữ giùm một số đồ đạc, vật dụng và dặn dò nhận giúp tiền nhuận bút tập thơ Tiếng gà gáy chia cho mấy đứa cháu”, bà Hồng kể.

Bà Ca Lê Hồng công tác trong Ðoàn Văn công miền Nam, nhiều lần vinh dự được gặp, biểu diễn phục vụ mỗi lần Bác Hồ tiếp khách nước ngoài. “Tôi đang học đạo diễn bên Liên Xô thì nhận được tin Hiến hy sinh.  Trong số những kỷ vật được nhà thơ Bảo Ðịnh Giang bảo quản và trao tận tay gia đình có cuốn nhật ký được cất cẩn thận trong chiếc ba lô mà Hiến mang theo trong lần thâm nhập thực tế chiến trường ven đô Sài Gòn”, bà Hồng xót xa.

Cuốn nhật ký được nhà văn Lê Văn Thảo tìm thấy và đem về giao lại cho bộ phận văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục cất giữ. Nhà văn Lê Văn Thảo cũng là người đã trực tiếp chôn cất Lê Anh Xuân và sau ngày miền Nam giải phóng đã đưa gia đình nhà thơ đến nơi để cải táng di cốt nhà thơ về nghĩa trang liệt sỹ.

Bà Hồng nói Lê Anh Xuân cao ráo, đẹp trai, học giỏi lại tài hoa nên được rất nhiều cô gái thầm thương trộm nhớ. Có cô công khai chuyện yêu đơn phương nhà thơ. Có người còn bạo dạn lấy họ, tên nhà thơ làm chữ lót nhưng Lê Anh Xuân chỉ yêu mỗi chị Xuân Lan. Trong nhật ký, ngoài công việc, anh luôn hướng về cha mẹ, anh chị em và dành rất nhiều tình cảm, niềm thương, nỗi nhớ người yêu.

“Có gần 40 đoạn Hiến viết về người yêu, tình yêu của mình và luôn nghĩ sẽ được đi đến tận cùng tình yêu đó. Cuốn nhật ký và các bản ghi chép của Hiến đã được UBND tỉnh Bến Tre xin đem về trưng bày ở bảo tàng của tỉnh nhằm ghi nhận sự đóng góp của một người con với quê hương. Sau giải phóng, hàng năm cứ đến ngày giỗ, tết, tôi và Lan vẫn đến viếng mộ Hiến ở nghĩa trang liệt sỹ TPHCM. Mấy năm trước, Lan còn trồng một cây thông bên cạnh mộ phần để lưu dấu kỷ niệm những ngày ở Ðà Lạt”, bà Hồng kể. 

Nhà thơ Lê Anh Xuân, tác giả các tập thơ Tiếng gà gáy, Hoa dừa, trường ca Nguyễn Văn Trỗi… hy sinh ngày 24/5/1968 tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân khi vừa tròn 28 tuổi. Năm 2001, nhà thơ Lê Anh Xuân được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và vào năm 2011, được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

MỚI - NÓNG