Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012

Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012
TPO - Năm 2012, Việt Nam tiếp tục tiếp nhận những trang thiết bị vũ khí, khí tài mới trang bị cho các lực lượng quân đội, góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Báo Tiền Phong điểm lại một số vũ khí, khí tài mới mà Việt Nam nhận được trong năm 2012.

1. Tiếp nhận chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2V

Trong đầu tháng 5-2012, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và Công ty Sukhoi của Nga đã bàn giao cho Việt Nam 3 máy bay chiến đấu đa năng Su -30MK2V.

Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012 ảnh 1

Su-30MK2V có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển bằng vũ khí chính xác cao. Máy bay trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực, thiết bị điện tử cực kỳ hiện đại, buồng lái tiện nghi với màn hình màu tinh thể lỏng.

Su-30MK2V thiết kế với 12 giá treo mang 8 tấn vũ khí tiên tiến: tên lửa đối không R-73, R-27, R-77; tên lửa không đối đất Kh-29, bom có điều khiển KAB-500KR và đặc biệt là tên lửa không đối hạm Kh-31P.

Với tầm bay không cần tiếp nhiên liệu trên không là 3.000km cùng lượng vũ khí lớn, Su-30MK2V đáp ứng tốt yêu cầu vững chắc bảo vệ biển đảo Việt Nam, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa.

2. Tiếp nhận máy bay tuần thám biển CASA C-212 400

Ngày 16-8, Cục Cảnh sát biển Việt Nam chính thức tiếp nhận máy bay tuần tra hiện đại đầu tiên CASA C-212-400 từ hãng Airbus Military tại sân bay Gia Lâm. Đây là chiếc đầu tiên trong hợp đồng mua 3 chiếc mà Việt Nam ký với Airbus Military.

Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012 ảnh 2

C-212-400 là dòng máy bay vận tải đa dụng thế hệ 4 được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần tra trinh sát hải quân với nhiều trang bị hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của nó là khả năng bay tốc độ thấp, thao diễn ở tầm bay thấp rất phù hợp với hoạt động tuần thám ven biển.

Máy bay có thể hoạt động cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết, cất hạ cánh ở sân bay dã chiến, ngắn hẹp…

C-212-400 được trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam phục vụ nhiệm vụ tuần thám biển, quan sát phát hiện mục tiêu, nhận dạng tàu thuyền hoạt động trên biển và phát hiện sự cố tràn dầu, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

3. Hạ thủy tàu cảnh sát biển lớn nhất DN-2000

Nhằm đáp ứng yêu cầu tuần tra bảo vệ biển đảo, thực thi pháp luật trên biển và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Năm 2012, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục nhận thêm nhiều trang thiết bị mới.

Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012 ảnh 3

Ngày 23-10, Cục Cảnh sát biển Việt Nam, nhà máy Z189 và hãng Damen (Hà Lan) đã thực hiện lễ hạ thủy tàu tuần tra DN 2000 mang phiên hiệu CSB 8001.

DN 2000 là dạng tàu có thiết kế tiên tiến, hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Theo giới quan sát quốc tế, DN 2000 đạt tiêu chuẩn châu Âu với nhiều trang thiết bị hàng hải chưa từng có trên các tàu quân sự Việt Nam từ trước tới nay.

DN 2000 cũng là tàu cảnh sát biển đầu tiên của Việt Nam có sân đáp ở đuôi tàu đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của một trực thăng hạng trung.

Tàu có thể hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam với phạm vi không hạn chế trong điều kiện gió cấp 12 và liên tục trên biển 40 ngày đêm.

Ngoài vai trò tuần tra bảo vệ biển đảo, khi cần DN 2000 có thể tham gia cứu kéo các tàu bị nạn, chuyển quân, chi viện hậu cần cho các lực lượng trên đảo.

4. Tiếp nhận 2 tàu pháo TT400 TP

Sáng ngày, 26-10, tại Quân cảng K20, Bộ tư lệnh Vùng 1, Quân chủng Hải quân tổ chức lễ tiếp nhận hai tàu tuần tiễu HQ-266 và HQ-267, đưa vào sử dụng.

Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012 ảnh 4

Tàu HQ-266 và HQ-267 là hai trong những loại tàu pháo mặt nước hiện đại, được đóng trong dự án TT400 TP cho Hải quân Việt Nam.

Việc trang bị hai tàu hiện đại này cho Vùng 1 Hải quân thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với Quân chủng Hải quân Việt Nam, trong lộ trình hiện đại hóa trang bị của lực lượng hải quân, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

5. Tiếp nhận 4 tàu pháo Svetlyak

Ngày 1-3, Bộ tư lệnh Hải quân vùng 5 đã tổ chức lễ tiếp nhận hai pháo hạm hiện đại lớp Svetlyak (project 10412) HQ-264 và HQ-265 do Nga thiết kế và đóng mới.

Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012 ảnh 5

Ngày 26-10, tại quân cảng K20, Bộ tư lệnh Vùng 1 Quân chủng Hải quân cũng tổ chức lễ tiếp nhận hai tàu Svetlyak HQ-266 và HQ-267.

Tàu Svetlyak là một trong những loại tàu pháo hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tàu có lượng giãn nước 345 tấn, dài 49,5m. Tàu trang bị hỏa lực mạnh: pháo hạm 76,2mm, pháo phòng không Ak-630 và tên lửa phòng không tầm thấp Igla.

Trước đó, năm 2002, phía Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tuần tra cao tốc Svetlyak đầu tiên hợp đồng đã ký trước đó.

Như vậy, với việc nhận thêm và đưa vào trang bị 4 tàu Svetlyak sẽ tăng cường đáng kể khả năng tuần tra bảo vệ bờ biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong bối cảnh xảy ra tranh chấp hết sức phức tạp tại Biển Đông gần đây.

6. Trang bị súng trường tiên tiến TAR-21 cho Hải quân đánh bộ

Hải quân đánh bộ Việt Nam là một trong các binh chủng của Quân chủng Hải quân Việt Nam có vai trò tham gia các cuộc tấn công đổ bộ đánh chiếm bờ biển, bảo vệ biển đảo.

Điểm mặt những vũ khí mới của Việt Nam năm 2012 ảnh 6

Trước đây, các chiến sĩ hải quân đánh bộ thường vận bộ quân phục chiến đấu “đơn giản”, đội mũ sắt kiểu cũ, đi giày vải hoặc ủng cùng súng AK.

Nhưng trong buổi lễ ra quân huấn luyện đầu năm 2012 của Quân chủng Hải quân, người lính hải quân đánh bộ đã xuất hiện với “gương mặt” hoàn toàn mới.

Các chiến sĩ được trang bị bộ quân phục dã chiến mang dáng dấp hiện đại và sử dụng súng trường tiến công thế hệ mới được nhận diện là loại Tavor TAR-21 do Israel chế tạo.

Đây có thể coi là bước hiện đại hóa nhỏ về trang bị người lính hải quân đánh bộ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

TAR-21 được các chuyên gia quân sự nước ngoài đánh giá khá cao bởi và được cho là một trong những loại súng trường tấn công tiên tiến trên thế giới, điểm nổi bật của TAR-21 là độ chính xác, gọn nhẹ, công nghệ chế tạo và vật liệu tổng hợp tiên tiến.

Vy Oanh (tổng hợp)

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.