Giải mã đế chế kinh tế khổng lồ Pasdaran của Iran

Giải mã đế chế kinh tế khổng lồ Pasdaran của Iran
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), còn được gọi là Pasdaran, nổi tiếng trung thành với lãnh tụ tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini và chính thể hiện nay. Tuy chính trị là mặt trận chính, nhưng trên thực tế, Pasdaran còn là một đế chế kinh tế khổng lồ không thể cạnh tranh của Iran.

Được lãnh tụ tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini thành lập vào ngày 5/5/1979, Pasdaran là tổ chức của những người tuyệt đối trung thành với Ayatollah Khomeini và khi phải bảo vệ di sản của ông, lực lượng này hành động không khoan nhượng. 

Ngay từ khi mới ra đời, Pasdaran đã nằm dưới sự kiểm soát của Ayatollah Ali Khamenei, cộng sự gần gũi nhất của Ayatollah Khomeini và hiện là lãnh tụ tối cao của Iran. Trong bức thư gửi quốc hội vào năm 2003, Tướng Rahim Yahya Safavi đã viết: “Pasdaran coi mình có trách nhiệm bảo vệ cách mạng Hồi giáo. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là ngăn chặn những ai muốn thủ tiêu thành quả của cuộc cách mạng ấy”.

Ảnh hưởng của Pasdaran tăng lên nhanh chóng dưới thời Mohsen Rezaei, người đứng đầu Pasdaran trong 16 năm (1981 -1997). Tướng Rezaei khéo léo lợi dụng cuộc chiến tranh với Iraq để biến Pasdaran thành đội quân ngang bằng với quân đội chính quy, nhưng được trang bị tốt hơn và có khả năng chiến đấu cao hơn. 

Mohsen Rezaei từng là một trong những ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2009, nhưng đã thất bại trước ông Mahmoud Ahmadinejad. Tuy ít hơn Quân đội Iran 3 lần về quân số, nhưng Mohammad-Ali Jafari, người đứng đầu Pasdaran lại là viên tướng có ảnh hưởng nhất ở Iran. 

Ngoài 125 nghìn quân thường trực, Pasdaran còn có 300 nghìn quân dự bị, từ tháng 10/2008, theo sắc lệnh của Ayatollah Khamenei, Pasdaran có thêm 100 nghìn dân quân tình nguyện bán vũ trang Basij, trong trường hợp cần thiết còn tập hợp ngay được cả triệu người. Pasdaran có đơn vị tình báo riêng và lực lượng đặc biệt tinh nhuệ Quds hay còn được gọi là Jerusalem, nơi cựu Tổng thống Ahmadinejad từng phục vụ.

Theo các nhà phân tích, Pasdaran được coi là một nhà nước trong nhà nước và tầm ảnh hưởng của nó tới chính trị, kinh tế vượt xa quân đội, cảnh sát và cả chính phủ Iran. Các đối thủ của Pasdaran so sánh lực lượng này với con bạch tuộc đang vươn những chiếc xúc tu tới tất cả các trung tâm quyền lực và mọi mặt đời sống ở Iran. Còn đối với những người ủng hộ, Pasdaran là lực lượng bảo vệ thành quả của cách mạng Hồi giáo. Các sĩ quan cao cấp của Pasdaran thường được bổ nhiệm vào các chức vụ cao trong hệ thống chính trị ở Iran. 

Sau khi trở thành Tổng thống vào năm 2005, ông Mahmoud Ahmadinejad đã bổ nhiệm nhiều người của Pasdaran vào các vị trí chủ chốt trong chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Dầu mỏ Masood Mir-Kazemi và các thị trưởng, tỉnh trưởng, đại sứ...

Tại Quốc hội Iran, Pasdaran chiếm 80 trong tổng số 290 ghế. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani, người từng giữ chức Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, cũng xuất thân từ Pasdaran. Ông Ali Larijani cũng là người đã dẫn đầu đoàn đàm phán của Iran về chương trình hạt nhân. Người phụ trách chương trình hạt nhân của nước này, Giáo sư vật lý Mohsen Fakhrizadeh-Mahabad, theo tạp chí Spiegel của Đức, cũng là sĩ quan cao cấp của Pasdaran.

Một thế lực kinh tế không thể cạnh tranh

Hiện nay, không có thông tin chính thức về mức độ giàu có của Pasdaran. Theo các chuyên gia kinh tế độc lập, Pasdaran có thể đang sở hữu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD. 

Dưới thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, Pasdaran đã kiếm được những món lợi lớn từ chương trình tư nhân hóa tài sản nhà nước, nhận được hàng chục dự án năng lượng và xây dựng lớn, là nhà nhập khẩu chính của nhiều mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, xe ôtô... Không giống với các đồng nghiệp quân sự khác, ảnh hưởng mà người đứng đầu Pasdaran Tướng Mohammad-Ali Jafari có được còn là do ông đang kiểm soát một đế chế kinh tế khổng lồ, thế lực kinh tế không thể cạnh tranh. 

Không thể biết chính xác, có bao nhiêu công ty thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của Pasdaran, nhưng theo ông Mohsen Sazegara, giảng viên Đại học Harvard Mỹ, hiện Pasdaran đang kiểm soát không ít hơn 100 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Iran.

Pasdaran nắm giữ 45% cổ phần của công ty Bahman Group - nhà sản xuất ôtô lớn của Iran và kiểm soát các bệnh viện lớn ở thủ đô Tehran. Theo đánh giá của tổ chức đối lập với chế độ hiện nay ở Iran, Pasdaran kiểm soát hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu và gần 1/3 lượng hàng xuất khẩu của Iran, đương nhiên, không kể lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ, ngành mang lại cho Pasdaran 7 tỷ USD mỗi năm. Pasdaran bắt đầu tham gia làm kinh tế từ sau cuộc chiến tranh với Iraq. 

Thủ tướng Iran Ali Akbar Hashemi Rafsanjani giai đoạn 1989-1997 đã khuyến khích Pasdaran tham gia vào lĩnh vực này để lấy tiền bổ sung cho ngân sách quốc phòng. Năm 1990, Pasdaran đã thành lập công ty cổ phần Khatam al-Anbia và công ty này nhanh chóng trở thành một trong những nhà thầu lớn nhất ở Iran. Khatam al-Anbia tham gia thực hiện nhiều dự án quan trọng và có vốn đầu tư lớn.

Hiện nay, Khatam al-Anbia thực sự là nền tảng của đế chế kinh tế Pasdaran. Công ty có 25 nghìn kỹ sư và công nhân, trong đó 2.500 người là nhân viên của Pasdaran, số còn lại làm việc theo hợp đồng. Khatam al-Anbia đã nhận được hơn 750 hợp đồng xây dựng các đê, đập, kênh đào, đường giao thông, đường hầm, các tuyến đường ống và các công trình dân dụng khác... 

Giải mã đế chế kinh tế khổng lồ Pasdaran của Iran ảnh 1

Các dự án lớn nhất của Khatam al-Anbia là dự án xây dựng đường tàu điện ngầm thứ bảy ở thủ đô Tehran với giá trị hợp đồng lên tới 1,2 tỷ USD, khai thác mỏ dầu South Pars, xây dựng đường ống dẫn khí đốt giữa Asaluyeh và Iranshahr, một phần của tuyến đường sắt giữa Tehran và Tabriz... Kể từ năm 1990, Khatam al-Anbia nhận được 1.220 hợp đồng trong lĩnh vực dầu khí.

Các công ty của Pasdaran được cho là thường được nhận những hợp đồng trái với các nguyên tắc đã định ở Iran. Khatam al-Anbia được nhận hợp đồng xây dựng tuyến đường ống vận chuyển 5 triệu mét khối khí đốt tự nhiên từ Asaluyeh tới Iranshahr dài 900 km với trị giá khoảng 1,3 tỷ USD không qua đấu thầu. Giải thích về việc này, Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định, việc xây dựng tuyến đường ống này là vấn đề có tầm quan trọng quốc gia nên không thể chậm trễ, nếu tổ chức đấu thầu theo quy định, thời gian sẽ kéo dài hơn một năm.

Khatam al-Anbia còn nhận được hợp đồng khai thác mỏ khí đốt South Pars giai đoạn 15 và 16 trị giá 2,5 tỷ USD cũng không qua đấu thầu. Theo giải thích của Phó Tổng giám đốc của Khatam al-Anbia ông Abdulreza Abedzadeh, công ty cùng với đối tác nước ngoài trúng thầu, nhưng công ty nước ngoài đó rút lui nên Khatam al-Anbia đã trúng thầu. 

Theo ông Abdulreza Abedzadeh, 70% hoạt động của Khatam al-Anbia gắn liền với quân đội và cơ sở hạ tầng quân sự. Nhiều doanh nhân Iran cho rằng các doanh nghiệp không thể cạnh tranh được với các công ty của Pasdaran bởi họ có mối quan hệ trực tiếp với chính phủ và quân đội.

Năm 2009, Pasdaran bắt đầu phát triển loại dịch vụ có thu nhập cao - kinh doanh viễn thông. Sau khi mua 51% cổ phần Công ty Viễn thông của Iran với 7,8 tỷ USD, các công ty của Pasdaran đã kiểm soát mạng cố định, 2 công ty điện thoại di động và các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Hiện nay, các công ty của Pasdaran vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh và kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm.

Ngoài ra, Pasdaran còn quan tâm tới các tổ chức từ thiện, trong đó có 2 tổ chức là Mostazafan va Janbazan và Shahid va Omur-e Janbazan.  Mostazafan va Janbazan là tổ chức từ thiện lớn nhất của Iran, có mối liên kết chặt chẽ với nền kinh tế nước này. Tuy là một tổ chức phi chính phủ, nhưng lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali  Khamenei vẫn bổ nhiệm các giám đốc của quỹ. 

Giám đốc điều hành hiện nay của Mostazafan va Janbazan là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Iran Froozande Mohammed, người từng là tham mưu trưởng của Pasdaran vào những năm cuối 1980.  Shahid va Omur-e Janbazan cũng có mối liên kết chặt chẽ với Pasdaran. 

Chủ tịch của quỹ này là Hossain Dehgan, cựu Tư lệnh không quân của Pasdaran. Shahid va Omur-e Janbazan đã cho hàng nghìn dân quân Basij và các gia đình có binh sĩ thiệt mạng vay tiền mua nhà ở, tham gia vào dự án của các công ty của Bộ Quốc phòng Iran như Tổ chức Đổi mới và Phát triển công nghiệp và Công ty Phát triển điện Iran.

Vào tháng 5/2015 vừa qua, cuộc hội thảo quốc tế của diễn đàn lãnh đạo trẻ toàn cầu dự định được tổ chức tại Iran, nhưng đã bị hủy bỏ, và, theo thông tin rò rỉ trên báo chí, Pasdaran đã đứng sau quyết định này. 

Sự kiện cho thấy, dường như, Pasdaran đang lo lắng về các tác động tiêu cực của những thay đổi sau thỏa thuận hạt nhân Iran và nhóm P5+1 sẽ  ảnh hưởng tới đời sống chính trị, kinh tế và quân sự của một đất nước đã bị cô lập với thế giới trong hơn ba thập niên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về Iran đều thống nhất với nhau rằng Pasdaran không chỉ lo cho đất nước và cách mạng, mà còn lo cho đế chế kinh tế khổng lồ và các lợi ích kinh doanh của chính họ.

Và vấn đề được quan tâm là, liệu Pasdaran có giao lại các cơ sở kinh doanh của mình cho người khác hay vẫn tiếp tục các công việc như hiện nay? Có lẽ điều chắc chắn nhất chỉ có thể, Pasdaran sẽ vẫn tiếp tục bảo vệ người dân Iran khỏi “ảnh hưởng có hại của phương Tây”.

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.