Hai “sát thủ” Việt Nam trong top vũ khí Mỹ sợ nhất

Hai “sát thủ” Việt Nam trong top vũ khí Mỹ sợ nhất
Hai loại vũ khí của Việt Nam là ngư lôi AST 53-65 và tên lửa hành trình Yakhont được xếp trong 5 loại vũ khí Nga mà Mỹ e ngại nhất.

 Ngày 13-1, tạp chí Mỹ “The National” đã điểm danh 5 loại vũ khí Nga mà Mỹ e sợ nhất, bao gồm: Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-35 Flanker E, tàu ngầm thông thường Project 677 - lớp Lada, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, tên lửa hành trình chống hạm P-800 "Oniks" và ngư lôi chống hạm AST 53-65KE.

Tạp chí Mỹ cho biết, Nga đang đẩy mạnh phát triển trang thiết bị quân sự của mình trong bối cảnh mối quan hệ với phương Tây đang ngày càng căng thẳng, và Hoa Kỳ không nên đánh giá thấp một số vũ khí thông thường nhưng mạnh mẽ mà quân đội Nga sở hữu.

Nhà báo Dave Majumdar, chuyên viên về các vấn đề quân sự đã nhận xét trong bài viết trên tờ The National Interestlà Nga có những loại vũ khí thuộc dạng công nghệ đỉnh cao của thế giới và hiện nay Moscow đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là những mối đe dọa tiềm ẩn đối với Mỹ.

Trong bản danh sách của Tạp chí “The National”, xuất hiện 2 loại vũ khí mà Việt Nam hiện đang sở hữu là loại ngư lôi chống hạm AST 53-65 sử dụng trên tàu ngầm lớp Kilo và tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont, thuộc hệ thống tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion-P.

1. Tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont

Tên lửa hành trình chống hạm П-800 Яхонт (P-800 Yakhont - “Hồng ngọc”) là phiên bản xuất khẩu của П-800 Оникс (P-800 Oniks/Onyx - “Ngọc mã não”). Đây là loại tên lửa hành trình siêu âm do Tổ hợp NPO Mashinostroyeniya của Nga (tiền thân là Liên Xô) phát triển, sử dụng động cơ phản lực Ramjet P-80 Zubr. 

Theo định danh của Cục Tên lửa và Pháo binh thuộc Bộ quốc phòng Liên bang Nga (GRAU), tên mã của loại tên lửa này là 3M55, NATO gọi loại tên lửa này là SS-N-26. P-800 Oniks được nghiên cứu, phát triển để thay thế cho P-270 Moskit nhưng cũng có thể thay thế cho cả loại tên lửa P-700 Granit.

Sau đó, P-800 Oniks đã được dùng làm nền tảng để phát triển tên lửa hành trình nổi tiếng BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển.

Việc nghiên cứu thiết kế P-800 Oniks được bắt đầu vào năm 1983 bởi NPO Mashinostroenya. Khi ra mắt năm 1996, Oniks lập tức thỏa mãn tất cả những yêu cầu đề ra của Hải quân Nga về một loại tên lửa chống hạm mới như: Độ chính xác cao; dẫn đường đa phức hợp và có tốc độ siêu âm ở mọi giai đoạn hành trình.

Điểm đặc biệt nhất là Oniks có thể phóng từ hầu hết các phương tiện mang gồm máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm, xe phóng trên đất liền... Đặc biệt, đây là loại tên lửa đối hạm thông minh, có chức năng “bắn và quên”, nghĩa là sau khi được khởi động tên lửa sẽ tự động đi tìm mục tiêu để tiêu diệt.

Nó có thể phóng từ các phương tiện mang ở mặt đất, trên biển, trên không hay từ tàu ngầm. Hiện nay, lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam cũng đã sở hữu hệ thống tên lửa bờ đối hạm cơ động Bastion-P (kí hiệu của Nga: K-300P, ký hiệu của NATO: SSC-5) do Nga chế tạo. Trên thế giới hiện chỉ có 3 quốc gia đang sở hữu loại tên lửa này là Nga, Syria và Việt Nam.

Tổ hợp tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion P trang bị tên lửa P-800 Yakhont với đa chế độ dẫn bắn, có tầm bắn trên 300km, bay ở độ cao 5-15m so với mặt biển với vận tốc siêu thanh 750m/giây (tương đương Mach2), khi tăng tốc giai đoạn cuối có thể lên tới Mach2,5, tương đương 3000km/h và tấn công mục tiêu vào bên sườn tàu, sát mép nước.

Với đầu nổ khoảng 200-250 kg, Yakhont có khả năng phá hủy hoàn toàn các chiến hạm mặt nước cỡ vạn tấn. Tuy không thể phá hủy được hàng không mẫu hạm nhưng điểm nổ ở mạng sườn, gần mép nước cũng có khả năng làm tàu sân bay bị chìm. Nếu trúng vào các khoang vũ khí, nhiên liệu thì việc phá hủy tàu sân bay là điều không khó.

Tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont

Tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont

Sau khi rời bệ phóng, ở khoảng cách từ 60 đến 80 km, Yakhont sẽ bật radar tự thân để tìm kiếm mục tiêu. Khi tiến sát đến gần ở cự ly từ 25 đến 30 km, tên lửa tắt mọi liên lạc với hệ thống và chỉ sử dụng radar ở trạng thái thụ động. Vì vậy, việc phát hiện, gây nhiễu hoặc đánh chặn đạn tên lửa này khi là điều cực kỳ khó khăn đối với chiến hạm của đối phương.

Một điều đặc biệt nữa là để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu, tên lửa Yakhont thường sử dụng chiến thuật “bầy sói”.

Một mục tiêu sẽ phải đối mặt với 3 quả tên lửa đi theo 3 quỹ đạo khác nhau. Trong nhóm phóng, tên lửa dẫn đầu bay cao cung cấp tham số mục tiêu cho 2 tên lửa còn lại bay ở quỹ đạo thấp. Sau khi đã tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, các tên lửa còn lại sẽ hướng đến các tàu chiến khác và loại trừ khả năng 2 tên lửa tấn công cùng 1 mục tiêu.

Biên chế của mỗi tổ hợp K-300P Bastion P gồm: Xe chở đạn tên lửa, xe phóng, xe điều khiển hỏa lực và các xe đảm bảo hậu cần. Thời gian chuyển trạng thái chiến đấu của mỗi tổ hợp Bastion chỉ là 5 phút, thời gian chờ giữa hai lần phóng của tổ hợp là 2,5 giây.

Việt Nam hiện đang sở hữu 2 tổ hợp loại này, mỗi tiểu đoàn tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion biên chế một tổ hợp, bao gồm 36 tên lửa Yakhont, mỗi tổ hợp Bastion sẽ cung cấp khả năng khống chế một vùng diện tích rộng tới 600 km. Các tổ hợp này được thiết kế với khả năng dung hợp cao nên có khả năng kết hợp với các hệ thống bảo vệ bờ biển khác.

Hiện nay, Việt Nam đã sở hữu “Bộ 3 lá chắn biển” kiểu Nga, với 2 tổ hợp khác là 4K51 Rubezh và 4K44B REDUT-M. Do cùng tiêu chuẩn công nghệ Nga nên tổ hợp Bastion có thể dễ dàng liên kết với các tổ hợp trên và chia sẻ số liệu của các phương tiện trinh sát, nâng cao hiệu quả dẫn bắn, kết hợp tạo thành mạng tên lửa phòng thủ bờ đối hạm cực kỳ hiệu quả.

Với tốc độ cao, khả năng bay thấp (cách mặt biển từ 5 m đến 15 m), sẽ không có một hệ thống phòng thủ nào của tàu chiến hiện nay có thể chặn được Yakhont. Việc lực lượng phòng thủ bờ biển Việt Nam nắm trong tay các tổ hợp tên lửa tối tân này của Nga đã góp phần bảo vệ vững chắc dải bờ biển phía đông của nước ta.

Tàu ngầm Kilo Việt Nam được trang bị loại ngư lôi chống ngầm, chống hạm AST 53-65KE

Tàu ngầm Kilo Việt Nam được trang bị loại ngư lôi chống ngầm, chống hạm AST 53-65KE

2. Ngư lôi chống hạm AST 53-65KE

Loại vũ khí đáng sợ thứ năm của Nga là ngư lôi anti-hydrogen peroxide AST 53-65KE (phiên bản xuất khẩu của AST 53-65K), được chế tạo từ thời Liên Xô. Loại ngư lôi chống hạm này hết sức nguy hiểm đối với các chiến hạm, mà cho tới nay Hoa Kỳ vẫn chưa thể thử nghiệm được phương tiện nào để bảo vệ - bài viết cho biết.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang sở hữu loại ngư lôi này để trang bị trên 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636 mà Việt Nam đã đặt mua của Nga. Tàu ngầm Kilo 636.1 được thiết kế có 6 ống phóng ngư lôi 533mm ở phía trước, cho phép phóng được tất cả các loại vũ khí tấn công chủ lực, bao gồm ngư lôi chống ngầm, chống hạm và tên lửa hành trình Club-S.

Được biết, tàu ngầm Kilo Việt Nam không sử dụng loại ngư lôi siêu khoang độc đáo VA-111 Shkval như trước đây các trang mạng quân sự nước ngoài đã đưa tin. Thay vào đó, trong năm 2009, Việt Nam đã quyết định đặt mua 2 loại khác của Nga là ngư lôi chống tàu ngầm, chống hạm 53-65 và ngư lôi chống hạm TEST 71.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 17-3-2014, tất cả 3 loại vũ khí chủ lực trên tàu ngầm Kilo này đều đã được Việt Nam đặt mua từ năm 2009 như một phần trong thỏa thuận mua 6 tàu ngầm Kilo dự kiến sẽ trang bị đầy đủ vào năm 2016.

SIPRI đưa ra số liệu là Việt Nam đã đặt mua tổng cộng 50 quả tên lửa hành trình chống hạm phóng từ tàu ngầm 3M-54 Club, 80 quả ngư lôi chống hạm 53-65 và 80 quả ngư lôi chống hạm/chống ngầm TEST-71. Trong năm 2013, Việt Nam đã tiếp nhận tương ứng là 10, 15 và 15 đơn vị cho mỗi loại vũ khí hiện đại này, sang năm 2014, có thể Việt Nam đã nhận đủ các loại vũ khí này.

AST 53-65 được thiết kế dựa trên loại ngư lôi thế hệ trước thuộc Type 53-61, đường kính 533mm, có khả năng phóng trên các ống phóng lôi tiêu chuẩn của tàu ngầm Nga. Nó được bắt đầu được biên chế trong quân đội Liên Xô từ năm 1965, 2 phiên bản nâng cấp là 53-65K và 53-65M đã được đưa vào sử dụng năm từ năm 1969.

Cận cảnh ngư lôi chống ngầm, chống hạm AST 3-65KE

Cận cảnh ngư lôi chống hạm AST 3-65KE

Hiện nay, các ngư lôi AST 53-65 đang được trang bị trên hầu như tất cả các loại tàu ngầm của Nga, bao gồm cả lớp Kilo và các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Akula. 

Loại ngư lôi này sử dụng động cơ đẩy tua bin với nhiên liệu dầu hỏa trộn hiđrô. Thay vì dò tìm sóng âm chủ động hay thụ động thì loại ngư lôi này được thiết kế để dò tìm sóng chấn động áp lực tạo ra bởi các tàu nổi đang di chuyển trên mặt nước.

Cũng giống với bất kỳ loại ngư lôi dò tìm bằng sóng âm khác nó không phân biệt được đâu là mục tiêu chính trong hạm đội nên sẽ đâm vào bất cứ con tàu nào đang di chuyển gần nhất. Hiện tại chưa có cơ chế đánh lạc hướng loại dò tìm này nên nó rất hữu hiệu khi dùng để tìm và diệt tàu.

Theo số liệu của SIPRI, Ngư lôi AST 53-65 có đường kính 533mm; chiều dài 7,2m; nặng 2.070kg và trang bị đầu nổ nặng tới 300kg. Tuy nhiên, nó chỉ đạt tầm tấn công 12km khi di chuyển ở tốc độ 125km/giờ và 18km khi di chuyển tốc độ 83km/giờ

Còn biến thể 53-65K đạt tới 19km và 53-65M lên đến 22km. Theo SIPRI, biến thể mà Việt Nam mua sẽ là loại ngư lôi Type 53-65K phiên bản chống hạm xuất khẩu. Phiên bản 53-65KE có đầu đạn 307,6kg, tầm phóng lên 20km, xuyên sâu xuống mặt nước 500m. 

Như vậy, hai loại ngư lôi AST 53-65 KE và TEST 71 sẽ kết hợp với loại tên lửa hành trình chống hạm Club-S 3M-54E, có tầm phóng 220km để tạo thành một bộ ba vũ khí tấn công cực mạnh cho các tàu ngầm diesel-điện Kilo 636.1 của Hải quân Việt Nam.

Theo Theo baodatviet.vn
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.