Hé lộ 2 kịch bản chiến lược của Nga ở Syria

"Xe tăng bay" Su-34 của Nga trở về căn cứ an toàn sau những phi vụ không kích phiến quân IS ở Syria.
"Xe tăng bay" Su-34 của Nga trở về căn cứ an toàn sau những phi vụ không kích phiến quân IS ở Syria.
Chiến lược Syria của Nga là đạt mục tiêu một cách tối đa với nguồn lực tối thiểu và tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột giáo phái ở Trung Đông.

Đó là nhận định của nhà phân tích Andrei Sushentsov – giáo sư thỉnh giảng của Viện Nhà nước về Các vấn đề quốc tế ở Moscow ( Moscow State Institute of International Affairs) – trong một bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest.

Về chiến lược Syria của Nga, giáo sư Andrei Sushentsov cho rằng quyết định can thiệp quân sự của Moscow đã khiến cho không chỉ phiến quân IS mà còn hầu hết các cơ quan tình báo phương Tây bị bất ngờ. Khả năng đảo ngược cục diện trên thực địa với nỗ lực tối thiểu là đáng được ngưỡng mộ. Tuy nhiên, việc Nga không kích IS là không hoàn toàn vô tư mà còn vì lợi ích an ninh quốc gia.

Liên kết an ninh Nga-Syria

Điện Kremlin đã xem xét việc can dự vào cuộc nội chiến Syria ít nhất từ năm 2013, khi Moscow đề xuất để binh sĩ Nga thay thế binh sĩ gìn giữ hòa bình Áo ở Cao nguyên Golan. Kể từ năm 2013, Nga đã giữ một vai trò quan trọng trong việc giải giáp kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria. Đồng thời, Nga tiến hành đối thoại chiến lược về quân sự với Iraq, giành được một hợp đồng cung cấp vũ khí cho Baghdad trị giá 4,2 tỷ USD trong năm 2012 và cung cấp nhiều máy bay chiến đấu Su-25  cho quân đội Iraq trong năm 2014. Hồi tháng 7/2015, Nga đã đạt được thỏa thuận với Iran về nỗ lực chung trong cuộc chiến chống nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Kể từ thời điểm đó, câu hỏi về việc Nga tham chiến ở Syria không bắt đầu bằng chữ “nếu” mà là “khi nào” và “như thế nào”. Cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ làm trì hoãn chứ không hề thay đổi những toan tính can thiệp quân sự của Nga ở Syria.

Lợi ích an ninh bị đe dọa chính là động cơ thúc đẩy Nga can thiệp quân sự vào Syria. Nếu để cho nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng củng cố quyền kiểm soát ở Syria và Iraq, Nga sẽ phải đối mặt với làm sóng các phần tử khủng bố “dày dạn kinh nghiệm trận mạc”  trở về Bắc Caucasus và Trung Á trong vòng 5 năm tới. Theo ước tính của Nga, trong số tổng cộng 70.000 phiến quân IS, có đến 5.000 tên vốn là công dân Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Trong khi đó, cái giá của việc chiến đấu chống các phần tử khủng bố ở Trung Đông sẽ thấp hơn nhiều so với việc phải đối mặt với các phần tử khủng bố hồi hương ở Nga và Trung Á.

Chiến lược của Nga ở Syria có hai kịch bản. 

Kịch bản thứ nhất: Can thiệp quân sự hạn chế

Kịch bản đầu tiên là hạn chế về qui mô và mức độ can thiệp quân sự. Lợi thế của kịch bản này là chỉ với nguồn lực tối thiểu và xung đột cường độ thấp, Nga vẫn đạt được rất nhiều mục tiêu.

Thứ nhất, Nga có thể phá vỡ cơ sở hạ tầng của các phần tử khủng bố và buộc chúng phải gồng mình bảo vệ lãnh thổ đã chiếm được mà không cần phải đánh bại chúng hoàn toàn. Các tổ chức khủng bố Bắc Caucasus đang bị tiêu diệt ở Nga, nhưng ở một số vùng đất “gần như vô chủ” ở Syria, chúng có thể xây dựng lại các cơ sở đào tạo và “xuất khẩu khủng bố” sang Nga như đã từng làm ở Afghanistan dưới thời Taliban.

Thứ hai, Nga tìm cách duy trì một chế độ thân thiện với Moscow ở Syria. Nga có thể đầu tư vào căn cứ hải quân ở duy nhất ở Địa Trung Hải và bảo vệ  các dự án khai thác khí đốt ở ngoài khơi bờ biển Syria.

Thứ ba, Nga tự khẳng định là một quyền lực hàng đầu ở Trung Đông và có khả năng tiến hành viễn chinh một cách hiệu quả. Trước đó, chỉ có Mỹ mới có thể can thiệp quân sự cách xa lãnh thổ nước này. Ở  Syria,  Nga đã thể hiện khả năng duy trì ảnh hưởng ở các khu vực xa xôi và do đó, thay đổi đáng kể những tính toán của các nước Trung Đông. Bằng cách tấn công phiến quân IS ở Syria với tên lửa hành trình phóng từ biển Caspea, Nga đã củng cố sự hiện diện tầm xa trong khu vực.

Cuối cùng, chiến dịch không kích ở Syria là một cuộc triển lãm vũ khí Nga, thông tin vệ tinh và hệ thống định vị GLONASS – với hiệu quả chết người và rất đáng tin cậy. “Cuộc triển lãm” này dành cho  các khách hàng ở Trung Đông, một thị trường vũ khí lớn nhất thế giới.  

Việc chuyển sự chú ý từ Ukraine sang Syria không nằm trong số những mục tiêu hàng đầu của Moscow, nhưng nó lại là một hậu quả nhãn tiền và có thể nói  đây là cái được của Nga.

Các mục tiêu nêu trên là những thành tựu tối thiểu mà Nga có thể đạt được, với điều kiện chiến dịch không kích hiện nay diễn ra suôn sẻ. 

Kịch bản thứ hai: Lớn hơn, nhiều rủi ro hơn

Kịch bản thứ hai là lớn hơn và nhiều rủi ro hơn, nhưng cũng hứa hẹn ít hơn.

Với sự hỗ trợ của Syria, Iraq và Iran, Nga có thể  đánh bại và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo IS ở khu vực, trong đó có việc tiêu diệt các phiến quân IS đến từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Nếu đạt được, thành tựu vĩ đại này sẽ mở đường cho việc phục hồi của các đường biên giới truyền thống của Syria và Iraq cũng như khiến cho hai nước này ngả về phía Nga trong tương lai. Việc mang lại sự ổn định cho Syria và Iraq đồng nghĩa với việc tạo ra những điều kiện để bình thường hóa sự sống ở hai nước nói trên. Điều này sẽ giúp làm dịu bớt cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria trong khu vực và ở Liên minh Châu Âu.

Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua việc huy động các nguồn lực to lớn và thành lập được một liên minh rộng lớn hơn – bao gồm cả các nước phương Tây và các nước vùng Vịnh Ba Tư. Kịch bản thứ hai này lớn gấp bội so với kế hoạch hiện tại của Nga.

Liệu Nga có đủ nguồn lực để theo đuổi mục tiêu ở Syria?

Nga đã hỗ trợ đầy đủ cho Syria, Iraq và Iran. Bây giờ, các nước này có thể hoạt động độc lập với phương Tây. Nguồn lực quân sự của Nga đủ để duy trì sự cam kết lâu dài hiệu quả ở  Syria. Những người chỉ trích đã quên rằng Nga đã xử lý hiệu quả  các cuộc xung đột ở Gruzia,  Moldova, Tajikistan trong những năm 1990,  khi nền kinh tế Nga còn suy yếu.

Quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo Sunni ở Nga (khoảng 14 triệu người) đã ủng hộ quyết định của điện Kremlin và thách thức  ý thức hệ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Hồi  tháng 9/2015, Nga đã khánh thành nhà thờ Hồi giáo Sunni lớn nhất châu Âu ở Moscow và nhận được sự ủng hộ của các giáo sĩ Hồi giáo. Tham dự lễ khánh thành Nhà thờ Hồi giáo ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng rằng các nhà thờ Hồi giáo sẽ giúp phổ biến "ý tưởng nhân văn và giá trị đích thực của Hồi giáo" ở Nga và cáo buộc IS bôi nhọ “thế giới Hồi giáo".

Những rủi ro của can thiệp quân sự

Những  gì mà Nga đã đạt được thông qua chiến dịch không kích phiến quân ở Syria quả là to lớn, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro ở phía trước.  Đường vào Syria xem ra khá thuận lợi, nhưng đường ra có thể sẽ khó khăn hơn.

Thứ nhất, Nga có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ với một đối tác quan trọng trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara muốn lật đổ Tổng thống Assad  và sử dụng cuộc chiến chống phiến quân IS để đàn áp  dân quân Kurd ở trong nước và ở Iraq. Mặc dù  tuyên bố rằng quan hệ chính trị không can thiệp vào quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, nhưng Ankara đã trì hoãn dự án đường ống dẫn khí đốt đầy tham vọng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đến năm 2017. Đây không phải là lần đầu tiên Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng về các vấn đề khu vực, nhưng hai bên đã cố tránh đối đầu trong quá khứ.

Thứ hai, Nga có thể bị sa lầy ở Syria giống như Liên Xô ở Afghanistan. Đó là lý do vì sao Moscow chỉ không kích mà không đưa bộ binh tham chiến, sau khi cân nhắc cẩn thận, bàn bạc kỹ càng với các đồng minh khu vực và có sẵn  một chiến lược rút lui rõ ràng khả thi. Rút kinh nghiệm từ các cuộc chiến Afghanistan và Chechnya, Nga đã chuẩn bị tốt để tiến hành một cuộc chiến cường độ thấp và linh hoạt.

Nguy cơ lớn nhất là Nga có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột giáo phái Sunni-Shi’ite và đứng về người Hồi giáo Shi’ite ở Trung Đông. Với gần 14 triệu người Hồi giáo Sunni sinh sống ở Liên bang Nga, Moscow cần phải đặc biệt thận trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS và tránh bị lôi kéo vào xung đột giáo phái. 

Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến Chechnya, Nga sẽ tìm kiếm một giải pháp cho cuộc nội chiến Syria bằng cách liên kết với một nhà lãnh đạo người Sunni có thế lực ở Syria, người sẽ tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Nếu nhà lãnh đạo này đắc thắng trong cuộc chiến chống IS, ông ta sẽ dần dần lấp đầy khoảng trống quyền lực mà IS để lại như Tổng thống đạo Ramzan Kadyrov ở Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga.

Áp dụng kịch bản Chechnya ở Syria là rất khó khăn, nhưng đó là cách duy nhất để đạt được một giải toàn diện cho đất nước Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này. Đó là lý do vì sao Nga cho rằng đề nghị của Pháp - đoàn kết nỗ lực của chính phủ Syria với  "phe đối lập lành mạnh" trong Quân đội Syria Tự do - là một "ý tưởng thú vị và đáng để thử nghiệm”.

Theo Theo Kiến Thức
MỚI - NÓNG