Hé lộ mạng lưới ngầm buôn bán vũ khí cho khủng bố

Những tên khủng bố đã sử dụng súng quân dụng trong những vụ tấn công khủng bố thời gian gần đây.
Những tên khủng bố đã sử dụng súng quân dụng trong những vụ tấn công khủng bố thời gian gần đây.
Tờ DW (Đức) đưa tin, các nhà chức trách đã tìm thấy kho vũ khí trong các cuộc tấn công chống khủng bố. Nhiều người đặt câu hỏi về nguồn gốc của các loại vũ khí quân sự nằm trong tay những kẻ cực đoan ở Pháp và Bỉ. Một mạng lưới buôn bán vũ khí ngầm đã dần được hé mở.

Những khẩu súng quân sự trong các vụ tấn công khủng bố

Bốn khẩu súng Kalashnikov đã được tìm thấy trong cuộc đột kích của lực lượng chống khủng bố vào một căn hộ ở Bỉ hôm thứ năm tuần trước. Trong vụ tấn công đó, cảnh sát đã nổ súng bắn chết hai nghi can. Trước đó, những tờ báo lớn của Bỉ đồng loạt đưa tin rằng, Amedy Coulibaly - kẻ cực đoan giết chết bốn người tại siêu thị ở Paris đã mua vũ khí tự động với giá 5.000 euro tại Gare du Midi ở Brussels.

Một người buôn bán vũ khí giấu tên nói với cảnh sát rằng, ông đã liên lạc với Coulibaly trong những tháng gần đây và đã bán cho Coulibaly một chiếc xe nhưng sau khi xác minh, cảnh sát phát hiện tài liệu và bằng chứng của một vụ buôn bán vũ khí.

Tại Pháp, cảnh sát phát hiện Coulibaly đã thuê một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Paris để sử dụng như nhà kho cất giấu vũ khí. Cảnh sát đã phát hiện bốn khẩu súng, trong đó có ba khẩu súng trường Kalashnikov. Cảnh sát chưa công bố chi tiết về các loại vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công Paris. Trước khi bị bắn chết, Coulibaly có ghi lại một đoạn video, trong đó có khẩu súng trường tấn công được đặt ngay bên cạnh. Các chuyên gia vũ khí nhận định, khẩu súng giống như loại súng bán tự động VZ-58 do Czech sản xuất.

Các nhà điều tra đang tiến hành xác định nguồn gốc của các loại vũ khí. Các chuyên gia nói rằng, một điều rất đáng quan tâm là làm sao những kẻ cực đoan có thể có được vũ khí quân sự để phục vụ hoạt động khủng bố. "Những loại vũ khí đó không phải dễ dàng tìm được trên phố nhưng có mạng lưới ngầm buôn bán vũ khí rất đáng lo ngại", Nic Marsh, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo, tác giả cuốn sách nghiên cứu về buôn bán vũ khí ở Tây Âu sắp xuất bản nhận định.

Hé lộ mạng lưới ngầm buôn bán vũ khí cho khủng bố ảnh 1

Amedy Coulibaly đã thuê một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Paris để sử dụng như nhà kho cất giấu vũ khí.

Hé lộ mạng lưới buôn bán vũ khí ngầm

Theo nhận định của Nic Marsh, những khẩu súng có thể được mua thông qua các băng nhóm buôn bán ma túy hay tội phạm có tổ chức. Người bán có thể không biết mục đích sử dụng của người mua và họ cũng không phải là đầu mối chuyên cung cấp vũ khí cho những kẻ cực đoan chính trị.

"Nam Tư cũ thường được nhắc đến như một nguồn cung cấp vũ khí. Đó là lượng vũ khí còn sót lại sau chiến tranh đã rơi vào tay tư nhân. Một người nào đó có thể bỏ ra vài trăm euro mua súng ở Bosnia, sau đó bán với giá vài ngàn euro ở Pháp, Bỉ hoặc Hà Lan. Đó là một hoạt động kinh doanh", Marsh nói. Vũ khí tự động, loại nhỏ, dễ che giấu thường được tội phạm "ưa chuộng" hơn cả. Những khẩu súng trường có giá dao động từ 1.000 euro đến 3.000 euro hiếm khi được sử dụng để giết người. Vũ khí có thể dễ dàng vận chuyển đến các nước châu Âu khác bằng xe tải.

Claude Moniquet, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược châu Âu tại Brussels nói rằng, vũ khí có thể đến từ vùng Balkan, Libya. Gilles de Kerchove, điều phối viên chống khủng bố của Liên minh châu Âu nói với AFP rằng, "đó là một thách thức thật sự với cơ quan chức năng trong cuộc chiến ngăn chặn nạn buôn bán vũ khí trái phép. Thành viên của Liên minh châu Âu cần cùng nhau ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí từ các nước thuộc Nam Tư cũ hay Bắc Phi".

Cần tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia châu Âu trong việc ngăn chặn nạn buôn lậu "hàng nóng"

Ông Glenn McDonald, một nhà nghiên cứu tại Geneva cho biết, ngăn chặn nạn buôn bán vũ khí lậu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Liên minh châu Âu. Trước đó, Pháp cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này khi phát hiện một số loại vũ khí quân sự được băng đảng bạo lực ở miền Nam sử dụng. "Rất khó xác định chính xác có bao nhiêu vũ khí quân sự đang lưu thông trôi nổi ở bên ngoài.

Các quốc gia châu Âu cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí", ông Glenn McDonald nói. "Đôi khi người ta thường nhìn vào số lượng vũ khí bị thu giữ trong những cuộc truy quét của cơ quan chức năng nhưng con số đó không bao giờ chính xác", McDonald, người đã nghiên cứu việc sử dụng súng trong băng đảng mafia ở Italia và Bắc Mỹ nhận định.

Ngoài ra, nhiều người cũng đặt câu hỏi, những tên khủng bố lấy tiền ở đâu ra để mua vũ khí. Theo kết quả điều tra, Coulibaly và anh em Kouachi - những kẻ gây nên vụ khủng bố đẫm máu ở Paris thời gian qua đã nhận tiền hỗ trợ từ các tổ chức khủng bố nước ngoài. Bên cạnh đó, Coulibaly đã vay được khoản tiền 6.000 euro từ một ngân hàng Pháp hồi đầu tháng 1 bằng cách khai thông tin thu nhập không chính xác.

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG