Iran: Căn cứ hải quân bảo vệ 'cổng vàng'

Eo biển Hormuz.
Eo biển Hormuz.
Iran đang lặng lẽ triển khai máy bay do thám không người lái (drone) và tàu ngầm ở vùng bờ biển miền Nam nước này. Đó là dấu hiệu cho thấy Tehran đang nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân để đẩy tàu chiến Mỹ ra xa khỏi vùng bờ biển Iran.

Các hình ảnh vệ tinh do Google Earth cung cấp mới đây cho rằng sự hiện diện của drone do thám và tàu ngầm Ghadir tại Bandar-e-Jask - căn cứ hải quân Iran nằm ở phía đông nam eo biển chiến lược Hormuz.

Tàu ngầm mini Ghadir được cho là sản xuất dựa theo mẫu tàu ngầm lớp Yono của CHDCND Triều Tiên. Những bức ảnh do vệ tinh chụp tiết lộ tàu ngầm Ghadir có thể phóng ngư lôi.

Trong vài tháng qua, quân đội Iran hoạt động trên nhiều mặt trận trong khu vực, ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria chống lại quân nổi dậy, giúp chính quyền Iraq và chiến binh Shiite đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và hỗ trợ chiến binh Houthi ở Yemen.

Một loạt drone được Iran sử dụng trong xung đột ở Iraq và Syria. Tehran sử dụng drone trong cuộc chiến tranh với Iraq vào những năm 80 thế kỷ trước, khi đó quân đội Iran phát triển và triển khai drone Mohajer-1 - tiền thân của drone được nhìn thấy ở căn cứ Jask - để do thám lực lượng Saddam Hussein.

Tuy nhiên, drone của Iran có nhiều giới hạn hơn so với phương Tây cũng như chưa được chứng minh khả năng phóng tên lửa không đối đất. Các chuyên gia cho rằng Vùng Vịnh và eo biển Hormuz chiếm vị trí quan trọng hàng đầu của hải quân Iran trong suốt nhiều năm.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), eo biển Hormuz là nơi mà gần 1/3 số tàu chở dầu trên thế giới đi qua. Do đó, việc phong tỏa vùng eo biển này sẽ tác động xấu đến các thị trường năng lượng quốc tế và giới hạn khả năng xuất khẩu hàng hóa của các đối thủ Arập của Iran trong khu vực.

Quân đội Iran bao gồm 2 lực lượng: Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Artesh - quân đội thời tiền cách mạng Iran.

Năm 2007, Iran tái tổ chức hai lực lượng, giao trách nhiệm kiểm soát Vịnh Oman và biển Arập cho Hải quân Cách mạng Hồi giáo Iran (IRIN) của Artesh còn hải quân của IRGC đảm nhận Vịnh Persia. Căn cứ hải quân Jask bắt đầu hoạt động từ năm 2008, trở thành trung tâm chỉ huy của IRIN giúp ngăn chặn bất cứ kẻ thù nào xâm nhập Vịnh Persia chiến lược của Iran.

Kể từ đó, IRIN vô cùng bận rộn ở Jask - tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận và xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm nhà chứa máy bay mới, sân bay dành cho máy bay trực thăng và cảng phòng vệ.

Các căn cứ khác của IRIN nằm dọc vùng bờ biển phía nam cũng gia tăng hoạt động. Cách Jask chưa đến 150 hải lý là căn cứ hải quân Konarak - nơi triển khai tàu ngầm Ghadir và một số tàu hộ tống khác như Bander Abbas do Đức chế tạo, Delvar do Pakistan sản xuất.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy những chiếc tàu hộ tống được Iran triển khai trong khu vực từ năm 2013 - dấu hiệu khác chứng minh nỗ lực tăng cường các chiến dịch của nước này ở Vịnh Oman.

Gần biên giới với Pakistan, IRIN còn mở căn cứ hải quân mới tại cảng Pasabandar vào tháng 10/2014. Drone và tàu ngầm mini không đủ sức đối phó với Mỹ cho nên Iran trông cậy vào kho tên lửa hành trình chống hạm phần lớn sản xuất theo công nghệ Trung Quốc.

Tháng 1/2013, Iran cho thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm Qader trong cuộc tập trận Velayat-91.

Mặc dù sau này căng thẳng ngoại giao giữa Iran và Mỹ đã giảm nhiệt- nhờ những cuộc đàm phán về tương lai chương trình hạt nhân của Tehran cũng như sự tham gia chống IS của chính quyền nước này - song sự nghi ngờ và dè chừng lẫn nhau vẫn còn.

Hiện nay, Mỹ và Iran hỗ trợ các bên khác nhau trong cuộc chiến kiểm soát Syria và Yemen. Và cả hai vẫn còn đối đầu nhau trong cuộc chiến gián điệp mạng và phản công trực tuyến.

Matthew McInnis, cựu chuyên gia phân tích Trung Đông của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), nhận định: "Iran muốn xâm nhập sâu vào vùng Biển Arập để ngăn chặn Mỹ hoạt động gần khu vực này".

Hoạt động hải quân Iran được tăng cường trong thời gian gần đây cũng do Tehran nhận thức được tầm quan trọng kinh tế đang lên ở vùng bờ biển phía nam được Đô đốc Habibollah Sayyari, Chỉ huy hải quân IRIN, mô tả là "cổng vàng" của Iran.

Giới chức Iran đã nhiều lần nhấn mạnh kế hoạch biến căn cứ hải quân Jask thành vùng thương mại tự do và kho dầu mỏ lớn hàng thứ hai của nước này gần đảo Kharg trong Vịnh Persia.

Với sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, Iran có kế hoạch xây dựng một công viên công nghệ tại thành phố cảng Jask để phát triển các công nghệ hóa-dầu, lọc dầu, nhôm và thép. Nếu xung đột nổ ra ở eo biển Hormuz, Jask sẽ trở thành cảng cốt yếu ngăn chặn con đường xuất khẩu dầu mỏ.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy rõ Iran nhận thức được tầm quan trọng của bờ biển Makran của nước này.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG