Iraq hoan nghênh Nga can thiệp quân sự tại Syria

Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị cho chiến dịch không kích. Ảnh: RT
Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị cho chiến dịch không kích. Ảnh: RT
TP - Chính quyền Iraq thất vọng về Mỹ và liên quân trong chiến dịch chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), trong khi coi Nga như đối tác chủ chốt trong cuộc chiến chống IS. Bagdad còn tỏ thái độ hoan nghênh nếu Nga triển khai không kích ở Iraq, New York Times cho biết.

Một trong những trang Facebook nổi tiếng nhất ở Iraq đã đưa ảnh chỉnh sửa tổng thống Nga Vladimir Putin mặc bộ đồ thủ lĩnh bộ tộc người Shiite. Thực tế không thể chối bỏ là dân chúng Iraq rất ủng hộ hành động can thiệp quân sự của Nga vào Syria và đánh giá cao ông Putin.  Một video trên YouTube được lan truyền rộng rãi chiếu cảnh ông Putin sải bước oai phong trong nền nhạc yêu nước Iraq và được vẫy chào nhiệt liệt như một lãnh tụ với tầm nhìn và sự quyết đoán mang lại sự ổn định cho Iraq.

Đại diện phong trào Badr rất có ảnh hưởng với người Shiite tuyên bố họ hoàn toàn ủng hộ Nga không kích lực lượng khủng bố IS ở Iraq và vị thế của Nga ngày càng tăng trong khu vực do Mỹ không “thực sự nghiêm túc” khi tiến hành cuộc chiến chống IS.   “Người dân chỉ quan tâm đến việc đuổi Dayesh (tên gọi Ả rập của IS) ra khỏi Iraq. Hiện nay họ cảm thấy Nga hành động nghiêm túc và mạnh mẽ hơn Mỹ nhiều” - nghị sĩ Iraq Ibrahim al-Bahr Ulum nói với New York Times.

Nhớ lại chiến dịch khổng lồ quy mô lớn với sức mạnh ồ ạt của Washington chống chính quyền Saddam Hussein, người Iraq tự hỏi, tại sao Mỹ lại quá chậm chạp trong cuộc chiến chống IS?  “Mỹ có tất cả sức mạnh và công nghệ, họ có thể tìm được nước trên sao Hỏa, tại sao họ không thể thắng được IS?” giáo sư Đại học Kufinskogo Ahmed Naji đặt câu hỏi.

Quân đội Iraq thông báo đã thành lập Trung tâm trao đổi thông tin tình báo với Iran, Nga và Syria. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố rằng ông hoan nghênh quan điểm Nga tiến hành không kích IS tại Iraq. Nhà lãnh đạo tôn giáo Ali al-Sistani có ảnh hưởng rất lớn ở Iraq kêu gọi triển khai một chiến dịch quốc tế có quy mô rộng hơn chống IS, ám chỉ rằng ông hoan nghênh sự hỗ trợ của Nga.

Theo Foreign Affairs, Iraq ngày càng thường xuyên ưu tiên làm việc với Nga hơn là với Mỹ. Một nguồn tin là viên chức Bộ ngoại giao Iraq trong cuộc nói chuyện với Foreign Affairs đã thừa nhận, Mỹ khi cung cấp vũ khí cho Iraq đã đưa ra quá nhiều điều kiện khó khăn. Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi trong chuyến thăm Mátxcơva đầu năm nay cho rằng “vũ khí Nga đã chứng minh rằng nó thật sự hiệu quả”, điều mà vũ khí Mỹ không thể hiện được ở đây.

Ông Putin gặp lãnh đạo A rập Xê út

Nga can thiệp quân sự vào Syria khiến người A rập dòng Sunni trong khu vực giận dữ vì từ lâu muốn lật đổ tổng thống Assad. Tuy nhiên, đông đảo người Iraq dòng Shiite lại xem chính phủ của ông Assad như bức tường thành chống Hồi giáo Sunni cực đoan đã vô cùng phấn khởi khi Nga và Iran can thiệp ủng hộ chính quyền Syria. Tại một cuộc hội thảo của các nhà báo và lãnh đạo dân sự tuần trước, ông Faris Hammam, lãnh đạo của liên đoàn ký giả địa phương đã hỏi có bao nhiêu người tham dự vui mừng về việc quân đội Nga không kích tại Syria. Tuyệt đại đa số đều giơ tay. “Sự can thiệp của Nga được hoan nghênh, không phải vì họ thích sự can thiệp mà là bởi Mỹ đã thất bại”, ông Hamman nhận định.

Một lãnh tụ tôn giáo khác là Ali Shrine, cai quản quần thể nhà thờ thu hút hàng triệu tín đồ hành hương mỗi năm gần đây đã tiếp đón tướng Qassim Suleimani, tư lệnh chỉ huy lực lượng dân quân Quds của Iran. Giới chức Mỹ nói rằng chính tướng Suleimani đã tới Mátxcơva hồi tháng 7 vừa qua để bàn kế hoạch phối hợp khi Nga can thiệp quân sự vào Syria.

Rất nhiều người Iraq không muốn Mỹ điều động quân lớn tới nước mình, và nỗ lực xây dựng lại quân đội Iraq đã bị hủy hoại bởi Iraq thất bại trong việc tuyển thêm những người tình nguyện. Hàng loạt các yếu tố đã định hình nhận thức mới về vai trò của Nga tại khu vực.

Thậm chí lãnh đạo ủy ban quốc phòng-an ninh quốc hội Iraq Hakim al-Zamili từng gợi ý rằng một ngày nào đó, Nga sẽ lãnh đạo liên minh thay thế liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi dù chịu sức ép của Mỹ và phương Tây nhưng vẫn thận trọng không đóng sầm cánh cửa hợp tác với Mátxcơva. “Bên trong Iraq có những kẻ cực kỳ nguy hiểm, vì thế tôi nghĩ người Nga hiện diện sẽ giúp được tôi”, ông Abadi phát biểu trên kênh PBS.

Trong khi đó, Reuteurs đưa tin Tổng thống Nga Putin đã gặp Bộ trưởng quốc phòng A rập Xê út Mohammed bin Salman, thái tử và là người dẫn dắt chính sách an ninh khu vực của nước này. Cuộc gặp diễn ra bên lề cuộc đua xe Công thức 1 tại Sochi. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mátxcơva tìm cách trấn an Riyadh. Cả hai bên chia sẻ mục tiêu ngăn chặn IS thiết lập nhà nước tại Syria, ông Lavrov nói. Ông Putin cũng gặp thái tử Các tiểu vương quốc A rập thống nhất Mohammed bin Zayed Al Nahyan, người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong quân đội nước này và cũng làm một quốc gia Vùng Vịnh giàu có thù địch với ông Assad.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các quan chức Nga và Mỹ đã họp qua cầu truyền hình lần thứ hai để bảo đảm các máy bay chiến đấu của hai bên cùng hoạt động trên không phận không xảy ra sự cố va chạm. Còn quân đội Iraq thông báo đã tấn công một đoàn xe chở thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi trên đường tới một cuộc gặp các thủ lĩnh IS. Dân địa phương ở thị trấnKarabla gần biên giới Syrria nói 8 thủ lĩnh IS đã bị giết trong cuộc không kích, nhưng có vẻ Baghdadi không nằm trong số đó. Trong khi nhờ Nga tăng cường không kích, quân đội Syria đã liên tiếp giành thắng lợi, giành lại nhiều khu vực rơi vào tay phiến quân trước đó.

MỚI - NÓNG