IS có thể giăng bẫy Mỹ và châu Âu với cuộc thảm sát Paris

Các phần tử IS. Ảnh: Zuma Press.
Các phần tử IS. Ảnh: Zuma Press.
Với vụ khủng bố Paris, IS có thể đang giăng ra cái bẫy để khiến phương Tây đóng cửa với người tị nạn và xa lánh cộng đồng Hồi giáo tại đây.

Paris hôm 13/11 rung chuyển vì một loạt các cuộc xả súng và đánh bom tự sát, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm đứng sau vụ việc này. Nhà phân tích chống khủng bố Harleen Gambhir cho rằng IS cố tình "gài bẫy" châu Âu với các cuộc tấn công Paris, để phương Tây đưa ra những phản ứng có lợi cho chính nhóm cực đoan.

"Nhóm này tính toán rằng chỉ cần một số nhỏ kẻ tấn công cũng có thể gây ra thay đổi sâu sắc trong cách xã hội châu Âu nhìn nhận 44 triệu người Hồi giáo sinh sống tại đây, và cả cách người Hồi giáo ở châu Âu nhìn nhận bản thân", ông nói.

Thực tế, một số nhà lập pháp ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã phản ứng trước cuộc tấn công khủng bố 13/11 Paris bằng cách kêu gọi đóng cửa với người tị nạn Syria và coi cuộc chiến chống IS là "cuộc đối đầu của các nền văn minh" (giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo).

Nhưng theo Huffington Post, đóng cửa với người tị nạn và tạo ra môi trường thù địch đối với người Hồi giáo ở phương Tây sẽ không giúp châu Âu và Mỹ đánh bại những kẻ cực đoan. Ngược lại, chiến lược như vậy có thể làm cho Mỹ và các đồng minh dễ gặp nguy hiểm chứ không an toàn hơn.

Đóng cửa với người tị nạn

26 thống đốc Mỹ đang kêu gọi chính phủ liên bang từ chối để người tị nạn Syria nhập cư, với lý do là quan ngại về nguy cơ người tị nạn tấn công khủng bố.

Các nhà chức trách tìm thấy hộ chiếu của một người đàn ông vào châu Âu với tư cách là người tị nạn Syria gần thi thể một trong những kẻ đánh bom tự sát Paris, mặc dù không rõ kẻ này có thực sự là người tị nạn hay không. Nhưng kể cả một người tị nạn Syria thực sự đã tham gia tấn công, thì việc đóng cửa với tất cả sẽ càng khiến họ dễ bị cực đoan hóa.

Cao ủy Liên Hợp Quốc cho biết "việc mất hy vọng và điều kiện sống tồi tệ" là động cơ thúc đẩy người tị nạn Syria rời khỏi Lebanon, Jordan, Syria và Ai Cập để đến châu Âu. Vì vậy, dễ hiểu vì sao việc chặn người tị nạn vào phương Tây có thể khiến chủ nghĩa cực đoan càng lôi kéo được nhiều người. Theo Hampson, vấn đề cấp bách hiện giờ là phương Tây phải để người Syria tái định cư ở những nơi mà họ ít có nguy cơ bị cực đoan hóa.

Xa lánh người Hồi giáo sống tại phương Tây

Việc coi cuộc chiến với IS như như một "cuộc đụng độ của các nền văn minh", giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo là có lợi cho IS, vì đó chính là cách suy nghĩ mà nhóm này muốn hướng công chúng đến. Một trong những mục tiêu của vụ khủng bố Paris là kích động phản ứng thái quá, khiến một số người Hồi giáo ở phương Tây cảm thấy rằng đạo Hồi không thể hòa hợp với văn hóa của các quốc gia mà họ đang sống.

"Đây là một kiểu suy nghĩ để thể hiện rằng phương Tây chỉ thiên vị những giá trị riêng của họ", Christopher Swift, một chuyên gia về an ninh quốc gia tại Georgetown nói. Ông cho rằng IS muốn lợi dụng điều này để khiến các nhóm tôn giáo khác nhau không thể xích lại gần nhau về mặt chính trị.

Ít nhất 6 kẻ tấn công Paris được xác định bởi chính quyền Pháp là công dân châu Âu. "Pháp từ lâu đã gặp vấn đề trong việc giúp dân số Hồi giáo của mình hòa nhập, và Pháp có nhiều công dân đến chiến đấu cho IS", học giả của Viện Brookings Shadi Hamid nói. "Vì vậy, có một vấn đề sâu xa hơn ở đây và nó không được cải thiện, nó chỉ trở nên tồi tệ hơn".

Swift nói thêm rằng IS sẽ miêu tả phản ứng quyết liệt của phương Tây là "minh chứng rằng "lũ thập tự chinh" đang quay lưng chống lại" người Hồi giáo sống ở phương Tây.

"Chiến lược của chúng rất rõ ràng. Chúng muốn những người Hồi giáo ở phương Tây phải lựa chọn, một là bỏ đạo, hai là đến với IS để thoát khỏi cái gọi là cuộc đàn áp từ chính quyền và người dân 'thập tự chinh'", Gambhir nhận xét.

Tự làm mất lợi thế trước IS

IS đã rất thất vọng với dòng chảy người tị nạn đến châu Âu, bởi vì nó làm xói mòn những lời tuyên bố của nhóm này là chúng cung cấp một nơi ẩn náu an toàn cho người Hồi giáo trên toàn cầu.

"Thực tế là, IS rất ghét việc người dân chạy trốn khỏi Syria để đến châu Âu", Aaron Zelin, một chuyên gia về các nhóm jihad nói. "Nó làm suy yếu thông điệp của IS rằng nhà nước tự xưng của chúng là một nơi nương tựa, bởi vì nếu nó thật sự như vậy, thì người dân sẽ lũ lượt đến đó, thay vì mạo hiểm cuộc sống trong hành trình gian khổ đến châu Âu".

Zelin cho biết  các thủ lĩnh IS đã đưa ra những tuyên bố cảnh báo về việc người tị nạn đến châu Âu hay những vùng đất "ngoại đạo" khác. Một video của IS còn được đặt tên "sao các người lại đánh đổi một thứ tốt hơn để lấy thứ tồi tệ hơn".

Vì vậy, theo Huffington Post, nếu châu Âu và Mỹ ngưng đón nhận người tị nạn Syria, họ đã tự làm mất đi lợi thế trước nhóm cực đoan.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG