Không kích ở Syria, Nga đang nắm lấy cơ hội vàng

Ngoài chống IS, việc Nga đưa không quân và hải quân tới Syria còn nhằm những mục tiêu cao hơn và xa hơn trong cuộc đối đầu với các thế lực hàng đầu thế giới.

Cú ra đòn ngoạn mục

Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga gặp nhiều khó khăn vì bị Mỹ cùng các nước phương Tây phong tỏa kinh tế. Có thể cũng vì vậy mà Tổng thống Putin đang có một cuộc phản công làm chính quyền Barack Obama bị bất ngờ.

Nga đưa quân đội và vũ khí vào Syria tiếng là để tìm một giải pháp chính trị và cùng quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tấn công lực lượng IS. Sau 5 ngày không kích, quân Nga đã đánh tan nhiều cơ sở của IS.

Không kích ở Syria, Nga đang nắm lấy cơ hội vàng ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị thành lập một liên minh quốc tế chống IS đang gieo rắc kinh hoàng tại Syria.

Hãng tin RIA Novosti hôm 5/10 dẫn nguồn tin quân sự Syria cho biết: Hơn 3.000 chiến binh từ các nhóm IS, Al-Nusra Dzhebhat và Jaish al-Yarmuk đã chạy trốn từ Syria đến Jordan, vì lo sợ chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân đội Syria và các cuộc không kích của máy bay Nga.

Trước đó, Nga tuyên bố chiến đấu cơ của họ đã tiêu diệt 50 cơ sở và 600 phiến quân IS sau những ngày không kích trên lãnh thổ Syria. Vậy rõ ràng là Nga đánh IS chứ - đó là thông tin chính thức. Nhưng giới phân tích phương Tây lại nghĩ đến mục đích khác của Nga.

Ngay khi Nga mở cuộc không kích tại Syria, ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ họp báo nói rằng, vụ oanh kích của Nga không nhắm vào căn cứ của tổ chức IS mà lại tấn công lực lượng nổi dậy chống chế độ Bashar Al-Assad tại Damascus, tức là nhằm bảo vệ Al-Assad.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ, qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry cho biết họ "đang bắt đầu tìm hiểu về động lực của Nga tại Syria". Ðang bắt đầu tìm mà… chưa hiểu. Một giờ sau cuộc họp báo của McCain, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo dõi động thái của Nga tại Syria.

Ba giờ sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter họp báo và cho biết rằng, Nga đang "đổ dầu vào lửa" khi đưa quân vào để vừa bảo vệ chế độ Al-Assad vừa tấn công tổ chức IS. Nhưng mục tiêu nào là chính, mục tiêu nào là phụ thì chưa rõ.

Không kích ở Syria, Nga đang nắm lấy cơ hội vàng ảnh 2

Tổng thống Syria kêu gọi phương Tây hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.

Đâu là mục tiêu đích thực?

Theo giới phân tích, thực chất chiến dịch không kích của Nga nhằm ngăn ngừa các nhóm vũ trang chống Al-Assad được Mỹ yểm trợ. Mục tiêu chiến thuật dễ hiểu là thiết lập hệ thống cấm bay bằng vũ khí phòng không của Nga để bảo vệ chế độ Al-Assad.

Mục tiêu chiến lược là xây dựng liên minh giữa Nga, Iran, Iraq, Syria và cả lực lượng Hezbollah do Iran yểm trợ tại Liban, để chứng minh rằng Nga chứ không phải là Mỹ và các nước phương Tây mới có giải pháp ngăn ngừa và tiêu diệt tổ chức IS.

Mục đích sâu xa và lâu dài hơn, lần đầu tiên từ nhiều thập niên, kể từ năm 1984, Nga có chân đứng tại Trung Ðông, với khả năng đe dọa Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương NATO tại miền Nam, và tăng ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, từ Ðịa Trung Hải qua tới khu vực Trung Á.

Nếu theo dõi động thái của Nga trên vùng Bắc Cực, người ta còn thấy một kế hoạch quy mô toàn cầu, nhằm trám vào khoảng trống do Mỹ để lại sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Khi đưa quân vào Syria, Nga đã thu hẹp khả năng hành động của Mỹ và các nước phương Tây không chỉ trong lãnh thổ Syria mà còn khiến chính quyền Iraq cộng tác chặt chẽ hơn với Nga, Syria và nhất là Iran. Tức là ngày càng xa dần ảnh hưởng của Mỹ.

Tuần qua, chính quyền Baghdad đã xác nhận là sẽ trao đổi tin tức tình báo với Nga và Iran, để có một chiến tuyến chung chống tổ chức IS. Thật ra là chống cả IS lẫn quyền lợi của Mỹ trong khu vực.

Không kích ở Syria, Nga đang nắm lấy cơ hội vàng ảnh 3

Máy bay Nga tiến hành nhiều cuộc không kích IS tại Syria.

Nga đưa vào chiến trường Syria một lực lượng quy mô và có tiềm năng lớn hơn mục tiêu chính thức ban đầu là để bảo vệ thường dân và các căn cứ của Nga tại Syria.

Chi tiết kỹ thuật về các loại vũ khí được tung vào trận địa, từ máy bay đến xe tăng, tên lửa, và các căn cứ đang được Nga sử dụng tại Syria cho thấy tầm nhìn rất xa của ông Putin. Nó rộng hơn lãnh thổ Syria. Không quân Nga có thể từ Syria can thiệp vào Iraq để yểm trợ các lực lượng thân Iran và nhân tiện gây khó cho các phi vụ của Mỹ.

Chẳng những vậy, căn cứ không quân Bassel al-Assad ở Latakia, nơi Không quân Nga xuất phát những chuyến không kích IS, chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 50km, và Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên tiền đồn của NATO trong khu vực nhiễu nhương này. Chiến đấu cơ siêu thanh Su-30 (Flankers) của Nga có thể cất cánh từ Bassel al-Assad bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong vài phút nên không quân của Thổ Nhĩ Kỳ và NATO tại đây không kịp xác định mục đích của Nga và có quyết định phòng thủ hay nghênh chiến.

Ngày 5/10, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận máy bay quân sự của nước này đã đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết đã áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp tương tự. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày cảnh báo việc máy bay Nga "xâm nhập" không phận Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ gây leo thang nghiêm trọng.

Có thể thấy, qua chiến tuyến mở rộng với Syria, Iraq và Iran, Tổng thống Putin có thể thực tế uy hiếp hàng loạt quốc gia thân phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan và cả Arập Xêút.

Sau Ukraine, Nga không hề thúc thủ mà còn tiến vào Ðịa Trung Hải, gây phản ứng lo ngại cho các quốc gia thân phương Tây tại Bắc Phi và Trung Ðông. Và bộc lộ nhược điểm của Mỹ: thất bại trong cuộc chiến chống IS mà không trấn an được các đồng minh.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG