Khu trục Kolkata: Tàu diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới

Kolkata có chiều dài 163 m, rộng 17,4 m, lượng giãn nước toàn tải 7.400 tấn. Ảnh: NDTV.
Kolkata có chiều dài 163 m, rộng 17,4 m, lượng giãn nước toàn tải 7.400 tấn. Ảnh: NDTV.
Tàu khu trục lớp Kolkata của Ấn Độ được đánh giá là vũ khí diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới.

Tàu khu trục lớp Kolkata của Ấn Độ được trang bị tên lửa chống hạm BrahMos tầm bắn 300 km được các chuyên gia quân sự đánh giá là vũ khí diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới. 

Theo Naval Technology, tàu khu trục lớp Kolkata thuộc Đề án 15A là một chương trình đóng mới tàu chiến quan trọng của Ấn Độ. Kolkata là nỗ lực lớn để đưa Hải quân Ấn Độ trở thành lực lượng hải quân nước xanh.

Tàu được đóng theo công nghệ trong nước, nhà máy đóng tàu Mazagon Dock Limited (MDL) đảm nhận vai trò nhà thầu chính. Tháng 5/2000, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch đóng mới 3 tàu khu trục Đề án 15A. Tàu đầu tiên mang tên INS Kolkata được khởi đóng vào tháng 9/2003.

Chương trình đóng mới chiến hạm lớn nhất của Ấn Độ bị chậm tiến độ và kéo dài hơn so với dự kiến. Tháng 8/2014, 11 năm sau ngày đặt ky, INS Kolkata mới được hoàn thành và bàn giao cho Hải quân Ấn Độ. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến dài trong công nghệ đóng tàu chiến cỡ lớn của New Delhi.

Hệ thống điện tử tối tân

Kolkata được thiết kế theo công nghệ tàng hình, phần lớn hệ thống vũ khí được bố trí bên trong thân tàu nhằm giảm độ phản xạ radar.

Điểm vượt trội của Kolkata so với các tàu chiến khác hệ thống điện tử cực mạnh, với cảm biến chính là radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA EL/M-2248 MF-STAR do Israel chế tạo. Radar được trang bị 4 mảng ăng-ten gắn trên đỉnh cột buồm mang lại khả năng kiểm soát mục tiêu 360 độ.

Khu trục Kolkata: Tàu diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới ảnh 1

4 mảng ăng ten của radar EL/M-2248 gắn trên đỉnh cột buồm chính đem lại khả năng bao quát mục tiêu rất rộng. Ảnh: Jane's Defence Weekly.

Các chuyên gia quân sự hàng hải đánh giá, EL/M-2248 là một trong những radar hàng hải tốt nhất thế giới. Radar này có khả năng tự động theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển cùng lúc. Bộ vi xử lý có khả năng chiếu xạ và dẫn hướng cho cả tên lửa hải đối không, tên lửa chống tàu và pháo hạm.

Radar có khả năng phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly 250 km, tên lửa chống hạm ở cự ly 25 km. Hỗ trợ cho cảm biến chính là radar tìm kiếm mục tiêu trên không LW-08 do tập đoàn Thales của Pháp sản xuất.

Về chống ngầm tàu khu trục Kolkata được trang bị bộ định vị thủy âm (sonar) thế hệ mới HUMSA-NG do Bharat Electronics Limited (BEL) của Ấn Độ chế tạo. Bộ sonar gồm một mảng gắn ở thân tàu và một mảng kéo theo.

Tàu được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu CMS15A do BEL chế tạo được thiết kế để đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau. Hệ thống chiến tranh điện tử do công ty Elbit System của Israel sản xuất.

Nỗi kinh hoàng mang tên BrahMos

Vũ khí đáng sợ nhất của tàu khu trục Kolkata là 16 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa hành trình chống hạm PJ-10 BrahMos. Tên lửa có tốc độ tới 3.700 km/h nên việc đánh chặn gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”. BrahMos có tầm bắn 300 km, mang theo đầu đạn nặng 300 kg.

Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa quán tính và radar chủ động giai đoạn cuối, bán kính lệch mục tiêu (CEP) chỉ từ 1-5 m. Các chuyên gia quân sự nhận xét, BrahMos là một trong những sát thủ diệt hạm đáng sợ nhất thế giới.

Khu trục Kolkata: Tàu diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới ảnh 2

Tàu khu trục Kolkata phóng tên lửa chống hạm BrahMos trong một thử nghiệm. Ảnh chụp màn hình: Youtube.

Vũ khí phòng không trên tàu gồm 4x8 hệ thống phóng thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa đánh chặn tầm trung Barak-8 với tầm bắn 90km.

Tên lửa Barak-8 có khả năng hoạt động độc lập rất cao và gần như không phụ thuộc vào hệ thống nhắm mục tiêu hay dẫn đường của bệ phóng.

Barak-8 là một sản phẩm liên doanh giữa Ấn Độ và Israel, tuy vậy quá trình phát triển tên lửa này đang diễn ra khá chậm, gây ảnh hưởng nhiều đến thời gian đưa tàu khu trục Kolkata vào hoạt động.

Tàu khu trục Kolkata được vũ trang pháo hạm Oto Melara 76 mm. Pháo có tầm bắn tối đa 20 km, tốc độ bắn tới 220 viên/phút. 4 pháo bắn siêu nhanh AK-630 do Nga chế tạo đảm nhận vai trò phòng thủ tầm cực gần.

Về chống ngầm, tàu khu trục Kolkata được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng chống ngầm AgustaWestland Sea King hoặc HAL Dhruv.

Kolkata được trang bị hệ thống động lực COGAG (động cơ tuabin khí kết hợp tuabin khí), tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 8.000 hải lý.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG