Linh thiêng người Lính trấn ải Bắc

Tưởng nhớ đồng đội Sư đoàn 337 *ảnh: Dương Nguyên
Tưởng nhớ đồng đội Sư đoàn 337 *ảnh: Dương Nguyên
TPO - Cứ đến dịp 27/7, các cựu chiến binh Sư đoàn 337 lại hành hương về khu cầu ngầm Khánh Khê trên sông Kỳ Cùng để thắp hương tri ân, tưởng nhớ đến những người đồng đội đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến giữ đất năm 1979.

Nhắc đến đồng đội của mình, Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh (nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, cựu chiến binh sư đoàn 337) rưng rưng nhớ lại: Năm 1979, Sư đoàn 337 đang làm nhiệm vụ tại Quân khu 4 thì được điều động lên biên giới phía Bắc. Vừa hành quân thần tốc, vừa bổ sung lực lượng, đến ngày 25/2/1979, cơ bản lực lượng của Sư đoàn đã đến khu vực cầu Khánh Khê- một vị trí trọng yếu tiếp giáp giữa huyện Văn Quan và Cao Lộc (Lạng Sơn) và ngay lập tức bước vào chiến đấu.

Theo Đại tá Khuỳnh, với vị trí chiến lược này, quân Trung Quốc tìm mọi cách vượt qua cầu Khánh Khê, băng qua sông Kỳ Cùng để vu hồi về phía đèo Sài Hồ và thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), từ đó bao vây thị xã Lạng Sơn. Chính vì vậy, địch đã tập trung rất đông quân cùng hỏa lực mạnh với chiến lược “biển người” nhằm xé tan tuyến phòng thủ của ta. Cuộc chiến 12 ngày đêm tại Khánh Khê đã diễn ra vô cùng cam go, ác liệt

Khúc tráng ca giữ đất

Dẫn chúng tôi đến khu Nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337 tọa lạc trên ngọn đồi cao không tên thuộc thôn Pá Péc (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc), Thiếu tá Nguyễn Nhật Chiến, nguyên Trưởng ban Hậu cần Sư đoàn 337 cho biết: ngày ấy địch đông hơn ta gấp bội phần, đơn vị không chỉ lo đạn dược, lương thực, thức phẩm để kháng địch mà còn lo chuyển tải thương binh, tử sỹ về tuyến sau. Cũng chính tại quả đồi nơi vị trí đặt nhà bia chiến thắng này đã có 92 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 52 thuộc F337 hy sinh trong một trận đánh.

Trong suốt cuộc chiến đấu 12 ngày đêm chống quân xâm lược tại tuyến phòng thủ, những người lính của Sư đoàn 337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã chiến đấu anh dũng, kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” quyết không để địch vượt qua được sông Kỳ Cùng.

Từ 28/2 đến 5/3/1979 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, địch lợi dụng lực lượng áp đảo đã mở nhiều cuộc tấn công sống chết nhằm vượt sông đều bị ta đánh bạt trở lại.

Linh thiêng người Lính trấn ải Bắc ảnh 1

Ghi công các liệt sỹ giữ đất biên cương  *ảnh: Dương Nguyên 

Trận chiến ác liệt nhất là sáng 28/2/1979, địch huy động hai Quân đoàn và dân binh cùng hàng trăm khẩu pháo các loại nổ súng tấn công toàn tuyến phòng ngự của Sư đoàn.

“Tại điểm cao 649 do đại đội 9, Tiểu đoàn 3 do Trung đội trưởng Trần Minh Lệ chỉ huy đã kiên cường chống trả gần 13 đợt tấn công của địch. Sau hai ngày chiến đấu, phía ta đã thương vong nhiều, lương thực và đạn dược đều cạn trong khi lực lượng của địch vẫn liên tục áp đảo. Bị thương nặng, song Trần Minh Lệ vẫn không rời trận địa mà chờ địch vào gần mới giật thủ pháo tiêu diệt và đã hy sinh anh dũng”, Thiếu tá Nguyễn Nhật Chiến nhớ lại.

Theo lịch sử truyền thống của Sư đoàn 337, trong các trận chiến, ta đã tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, phá 8 xe tăng và thu được một số vũ khí, chặn đứng và đánh bại ý định vu hồi bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch.

Thế nhưng cũng đã có hơn 650 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 đã vĩnh viễn nằm xuống hai bên bờ sông Kỳ Cùng, trong đó có nhiều người mới ở độ tuổi mười chín, đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại để gìn giữ và bảo vệ cho mảnh đất thiêng liêng tuyến đầu. 

Linh thiêng người Lính trấn ải Bắc ảnh 2 Thiếu tá Nguyễn Nhật Chiến (bìa phải) tâm nhang cho người đã khuất *ảnh: Duy Chiến

Những tấm bia bất tử

Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh thi thoảng nghẹn lời khi tiếp chuyện phóng viên Tiền Phong, nhất là khi nói về công việc của người lính hậu chiến. Đại tá Khuỳnh nói: Khi chiến đấu năm 1979 trên các điểm cao, cũng có trường hợp không lấy được xác; lại có lần lính trinh sát của ta đi dọc sông Kỳ Cùng lọt vào ổ phục kích của địch, thi thể bị vứt xuống dòng sông. Vậy nên, cuối 1979 đầu năm 1980, ngay tại vị trí đầu cầu Khánh Khê, đơn vị cùng cấp ủy, chính quyền huyện Văn Quan, Lạng Sơn xây dựng một cột bia tưởng niệm những người đã mất.

Lúc đó đất nước khó khăn, để kiếm được nguyên vật liệu xây dựng cũng phải vận động mỗi nơi một ít để rồi tấm bia bằng gạch, xi măng cao 5 m, hai cạnh có kích thước 1,2 m x 1,5 m được dựng lên. “Do ít xi măng lại thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt thường xuyên nên tấm bia trở nên hoang tàn; trên đó nhiều dòng chữ đã bị phai mờ, có chỗ còn có dấu hiệu bị hủy hoại...”, Đại tá Khuỳnh nói.

Theo Đại tá Khuỳnh, nghe tin tấm bia tưởng niệm của Sư đoàn 337 bị hư hại, nơi đây lại chuẩn bị làm công trình thủy điện Thác Xăng, tấm bia có nguy cơ bị ngập hoàn toàn trong nước nên cán bộ, chiến sỹ, cựu chiến binh rất lo lắng.

Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn, Đại tá Nguyễn Chấn tuổi đã gần 90 đang bị bệnh cũng phải gượng nói như ra lệnh cho đồng đội cũ: “Chúng ta phải khôi phục bằng được bia chiến thắng, phải bù đắp cho đúng với xương máu của đồng đội đã hy sinh anh dũng trước họng súng quân thù”.

Linh thiêng người Lính trấn ải Bắc ảnh 3

Đại tá Khuỳnh bồi hồi nhớ lại những trận chiến năm 1979. Ảnh: Duy Chiến

Linh thiêng người Lính trấn ải Bắc ảnh 4

Cây cầu Khánh Khê huyền thoại đã đi vào lịch sử. Ảnh: Dương Nguyên 

Chính vì vậy, mặc dù còn những khó khăn, vất vả song đầu năm 2012, công trình Nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337 Anh hùng đã được khởi công xây dựng ở một quả đồi cao, đẹp, thoáng không tên thuộc thôn Pác Péc, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc; nằm kề cạnh bên sông Kỳ Cùng, sát nơi diễn ra các trận đánh oanh liệt nhất của quân dân ta.

Nhà bia có diện tích trên 60 m2 nằm trong khuôn viên hơn 200 m2 với tổng giá trị gần 600 triệu đồng, từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ các thế hệ Sư đoàn 337 và sự hỗ trợ của UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tư lệnh Quân khu I được hoàn thành đúng ngày 27/7/2012.

Năm 2014, UBND huyện Cao Lộc còn đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng đường lên xuống nhà bia, tiện lợi cho mọi người đến thăm viếng.

Ngàn xưa vọng mãi

Từ khuôn viên Nhà bia chiến thắng sư đoàn 337, chúng tôi phóng tầm mắt tìm về phía cầu Khánh Khê cũ. Nơi đó, có cây hoa gạo còn sót lại những bông đỏ lựng.

Theo Đại tá Khuỳnh, mỗi khi trận đánh kết thúc, dù có mất trận địa nhưng lính trinh sát của Sư đoàn vẫn mang bằng được thi thể của đồng đội về ngay trong đêm sau đó tập kết ở gốc cây gạo, chờ quan tài đến rồi mang đi chôn cất. “Có những thời gian chưa có quan tài về kịp thời, chúng tôi chôn tạm tử sỹ ngay gốc cây gạo rồi sau đó sẽ an táng ở nơi thuận tiện ở tuyến sau”. Đại tá Khuỳnh nói.

Nhà bia chiến thắng sư đoàn 337 ngày đêm có đồng đội và nhân dân trong vùng đến chăm sóc, thắp nhang. Đây là địa chỉ lịch sử, tâm linh của cuộc chiến tranh vệ quốc oanh liệt của quân đội ta thời kỳ chống giặc phương Bắc.

Đại tá Khuỳnh kể lại: “Ngày 5/10/2012, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 337 tại Lạng Sơn kết hợp với Chùa Thành (Lạng Sơn) tổ chức Lễ cầu siêu cho các liệt sỹ tại Nhà bia chiến thắng. Buổi lễ kéo dài từ 13 giờ cho đến 18 giờ với sự tham gia của các sỹ quan, chiến sỹ và nhân dân địa phương.

Hôm đó, người dân dâng hương hoa rất đông. Đến 18 giờ 30 phút, đoàn rước lễ đi từ nhà bia hướng về khu cầu ngầm cũ, nơi có gốc cây gạo để thả hoa đăng xuống dòng sông Kỳ Cùng thì bỗng nhiên có một chị trung niên sống trên địa bàn nức nở vái lạy. Chị nói rằng, mấy hôm trước có một vong hồn người lính hy sinh ở cầu Khánh Khê, giọng nói miền Trung tỏ ý tìm người thân. Gia đình chị thắp hương và cúng tiến cơm chay, sau đó vong hồn này đi mất. Sau đó, chị thường xuyên đến Nhà bia dâng hương, dâng hoa và cuộc sống của gia đình trở nên bình yên, may mắn”.

Chúng tôi cùng các cựu chiến binh Sư đoàn 337 trở lại thăm chiến trường xưa đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh- Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017), công việc tu bổ, chỉnh trang di tích nơi đây trở nên khẩn trương.

Ông Ngô Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Bình Trung (huyện Cao Lộc) cho biết: “Sau khi Nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337 được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh; Ban đại diện cựu chiến binh Sư đoàn sẽ tổ chức Lễ bàn giao cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp quản vào chiều ngày 26/7 tới đây”.

Chúng tôi tản bộ xuống chân đồi Pác péc khi trời đã về chiều. Hương tỏa cùng dòng nước vỗ quanh đôi bờ Kỳ Cùng như nhắc lại chiến tích bi hùng xa xưa. Bên tai tôi văng vẳng bài văn tế của đại tá Đỗ Phấn Đấu (nguyên Chính ủy Sư đoàn 337) đã đọc trong buổi lễ Khánh nhà bia:

“Máu xương các anh không hề uổng, bia ghi công đây sáng từng dòng. Trận chiến ngày ấy không thể mờ, chuyện năm xưa đã tạc vào sách sử. Tổ quốc vẫn khắc ghi: Trần Minh Lệ dũng lược ngoan cường, cùng trung đội đập tan 18 đợt tiến công của địch, giữ chốt mấy ngày đêm. Lịch sử mãi lưu truyền: Vi Văn Thắng táo bạo kiên gan, hết đạn vẫn giương lê tả xung hữu đột khiến quân thù khiếp sợ. Đất Hồng Phong đời đời ghi nhớ chiến công. Rừng Bình Trung mãi mãi tri ân liệt sĩ”.

Khánh Khê, cuối tháng 7/2017

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa quyết định xếp hạng 2 di tích cấp tỉnh năm 2017 (Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 11/7/2017). Theo đó, xếp hạng Di tích lịch sử (Di tích lưu niệm sự kiện) đối với di tích Cầu ngầm Khánh Khê và Nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337 (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).