Loại vũ khí Đức có thể hạ gục tàu ngầm hạt nhân Nga, Mỹ

Tàu ngầm lớp Type-212 của hải quân Đức. Ảnh: Wikipedia.
Tàu ngầm lớp Type-212 của hải quân Đức. Ảnh: Wikipedia.
Lớp tàu ngầm Type-212 của Đức có khả năng lặng lẽ tiêu diệt cả những tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của các cường quốc trên thế giới.

Đức đang thể hiện được vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm tàng hình với mẫu Type-212A, có khả năng tiếp cận và tiêu diệt những tàu ngầm hạt nhân uy lực nhất thế giới hiện nay, theo National Interest.

Bí mật của tàu ngầm Type-212A nằm ở hệ thống pin điện hydro, cho phép nó hoạt động gần như yên lặng trong nhiều tuần mà không cần tới lò phản ứng hạt nhân cồng kềnh và đắt tiền.

Công nghệ động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (API) đã xuất hiện từ Thế chiến II, nhưng sau đó không được các cường quốc hải quân trên thế giới chú trọng mà chỉ tập trung phát triển tàu ngầm sử dụng động cơ hạt nhân.

Đức bắt đầu phát triển tàu ngầm Type-212 sử dụng công nghệ API từ năm 2002, có công suất và tốc độ hành trình cao, với rất ít chi tiết chuyển động giúp giảm độ ồn và có thể lặn sâu hơn so với tàu ngầm AIP lớp Gotland được Thụy Điển biên chế vào năm 1997.

Tàu ngầm Type-212 có lượng giãn nước 1.800 tấn khi lặn. Lớp vỏ kép được làm từ vật liệu phi từ tính, giúp nó tránh được các cảm biến phát hiện từ trường dị thường (MAD). Lớp vỏ mềm giới hạn độ sâu hoạt động của tàu ngầm ở mức 200 m, nhưng người Đức không coi đó là hạn chế của Type-212, nhất là khi nó hoạt động ở vùng biển nông như Baltic.

Hệ thống pin điện của Type-212 được lắp ở khoảng trống giữa hai lớp vỏ, cung cấp đủ năng lượng để tàu di chuyển dưới nước liên tục trong 3 tuần. Một chiếc Type-212A từng lập kỷ lục năm 2013 khi lặn 18 ngày liền mà không sử dụng ống thở. Tốc độ hành trình dưới nước khi sử dụng hệ thống AIP là 14 km/h.

Người Đức thiết kế Type-212A với vai trò trinh sát và săn tàu nổi. Họ chỉ trang bị cho nó 13 ngư lôi DM2A4 Seahake cỡ 533 mm. Loại ngư lôi này kết nối với tàu ngầm bằng cáp quang, thủy thủ đoàn có thể điều khiển nó ở cự ly tới 50 km.

Type-212 có thể hoạt động ở vùng nước nông với độ sâu chỉ 17 m. Điều này giúp Đức có thể triển khai lực lượng đặc nhiệm hải quân (Kampfschwimmers) ngay gần bờ biển đối phương. Hải quân Đức đang nghiên cứu khả năng lắp đặt pháo tự động Murane cỡ nòng 30 mm lên tàu ngầm để yểm trợ lực lượng đổ bộ.

Lực lượng tàu ngầm của Đức hiện nay có thông số không gây ấn tượng. Tốc độ, dự trữ hành trình và kho vũ khí của chúng đều thua kém các tàu ngầm hạt nhân của Nga và Mỹ. Tuy nhiên, điểm mạnh của tàu ngầm Đức chính là khả năng tàng hình dưới biển trước hệ thống định vị thủy âm và MAD của đối phương. Chúng có thể tiếp cận tàu ngầm mục tiêu, tung đòn đánh chí mạng và rút lui trước khi bị phát hiện.

Loại vũ khí Đức có thể hạ gục tàu ngầm hạt nhân Nga, Mỹ ảnh 1

Một chiếc Type-212 trong buổi lễ hạ thủy. Ảnh: Hải quân Đức.

Một ưu điểm khác của tàu ngầm AIP là giá rẻ so với tàu ngầm hạt nhân. Đức có thể đóng nhiều tàu ngầm Type-212 hoặc bản xuất khẩu Type-214 với giá tiền chỉ ngang một tàu ngầm hạt nhân tấn công, trong khi ưu thế của tàu ngầm hạt nhân không thể hiện rõ ràng.

Berlin vừa công bố kế hoạch đóng thêm hai tàu Type-212A trong 10 năm tới với giá 394 triệu USD/tàu. Điều đó có nghĩa là hạm đội 8 tàu ngầm hiện đại của Đức vẫn rẻ hơn một tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, vốn có mức giá tới 2,8 tỷ USD/chiếc.

"Điều này giải thích lý do phiên bản Type-214 đang được nhiều quốc gia châu Âu và châu Á ưa chuộng", cây bút Sebastien Roblin kết luận.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG