Lý do tăng Challenger 2 Anh bị phiến quân Iraq hạ gục

Một xe Challenger 2 của Anh tại Iraq. Ảnh: Wikipedia.
Một xe Challenger 2 của Anh tại Iraq. Ảnh: Wikipedia.
Xe tăng Challenger 2 của Anh được trang bị giáp Chobham tưởng chừng không thể xuyên thủng, nhưng đã bị phiến quân Iraq bắn hạ bằng súng chống tăng vác vai.

Tháng 8/2006, một nhóm phiến quân Iraq đã gây chấn động khi sử dụng súng chống tăng vác vai bắn hạ một chiếc xe tăng Challenger 2 của quân đội Anh, vốn nổi tiếng là dòng xe tăng "bất khả xâm phạm", theo Global Security.

Tăng Challenger 2 sử dụng giáp phức hợp Chobham, loại giáp được quảng cáo là tốt nhất thế giới, có thể vô hiệu hóa hoàn toàn đạn chống tăng nổ lõm (HEAT), loại vũ khí ác mộng với nhiều xe tăng thiết giáp khác.

Giáp Chobham chỉ được trang bị trên xe tăng M1 Abrams của Mỹ và dòng Challenger của Anh, được cấu thành từ nhiều lớp vật liệu khác nhau, nhằm triệt tiêu năng lượng xuyên của đạn chống tăng.

Cấu tạo cũng như khả năng thực sự của Chobham vẫn còn là thông tin tuyệt mật. Tuy nhiên, trong các cuộc chiến tranh tại Trung Đông, loại giáp này đã thể hiện khả năng phòng vệ hiệu quả, giúp nó trở nên nổi tiếng.

Bởi vậy, việc chiếc Challenger 2 của Anh bị bắn thủng giáp trước bằng súng chống tăng RPG-29, thứ vũ khí mà nó được thiết kế để chống chịu, đã khiến các chuyên gia quân sự ngạc nhiên.

Quả đạn PG-29V phóng ra từ khẩu súng chống tăng này đã xuyên thủng lớp giáp phản ứng nổ (ERA) và giáp Chobham của chiếc Challenger 2, khiến cả tổ lái 4 người đều bị thương, trong đó lái xe bị mất cả bàn chân. Điều may mắn duy nhất là các quả đạn pháo trong xe không bị kích nổ.

Lý do tăng Challenger 2 Anh bị phiến quân Iraq hạ gục ảnh 1

Vị trí chiếc Challenger bị đầu đạn chống tăng bắn trúng. Ảnh đồ họa: Photobucket.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là quả đạn lại bắn trúng phần trước của chiếc xe tăng, nơi được bọc lớp giáp Chobham dày nhất, vượt xa khả năng xuyên thủng của đầu đạn PG-29V.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải toàn bộ mặt trước của tăng Challenger 2 đều được bọc giáp lớp giáp dày như vậy. Chobham có khối lượng rất lớn, khiến nhà sản xuất không thể bọc lớp giáp có độ dày đồng nhất ở toàn bộ mặt trước xe tăng. Họ sẽ phải ưu tiên những bộ phận dễ bị trúng đạn nhất.

Đối với Challenger 2, nhà thiết kế ưu tiên gắn giáp dày nhất ở khu vực tháp pháo. Theo học thuyết quân sự của Anh, trong các cuộc đấu tăng, khu vực này có khả năng bị trúng đạn nhiều nhất. Phần thân xe được trang bị giáp mỏng hơn, chỉ được được gia cố bằng ERA để đối đầu với chiến tranh du kích trong đô thị.

Lớp giáp thân xe cùng với ERA đủ khả năng chống chọi hầu hết các loại vũ khí thô sơ mà phiến quân sở hữu, nhưng RPG-29 nằm trong nhóm súng chống tăng hiện đại, được thiết kế để xuyên thủng các loại giáp phức hợp và ERA với độ dày lên tới 750 mm.

Nhiều khả năng quân nổi dậy Iraq đã nắm bắt được điểm yếu đó và lựa chọn mục tiêu là thân dưới của Challenger 2, giúp họ hạ được chiếc xe tăng được mệnh danh là "bất khả xâm phạm" này.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG