Một số công cụ gián điệp

Một số công cụ gián điệp
TP - Tuy không thuộc loại công nghệ cao mà điệp viên 007 sử dụng, nhưng những công cụ gián điệp dưới đây không hề kém cạnh về độ nguy hiểm và tỷ lệ thành công.
Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge trưng “rệp” con dấu tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc hồi tháng 5-1960. Ảnh: Spybusters
Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge trưng “rệp” con dấu tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc hồi tháng 5-1960. Ảnh: Spybusters.

“Rệp” con dấu

“Rệp” con dấu Mỹ là một trong những thiết bị nghe trộm đầu tiên dùng năng lượng từ một nguồn bên ngoài để chuyển đổi tín hiệu âm thanh, được coi là tiền thân của công nghệ RFID (nhận dạng tần số sóng vô tuyến) hiện nay.

Nó là một màng nhỏ xíu gắn với một ăng-ten. Vì “rệp” này không có nguồn điện nên rất khó bị phát hiện. Ngoài ra, thiết kế đơn giản của Léon Theremin đảm bảo rằng loại “rệp” này đáng tin cậy và có tuổi thọ cao.

Liên Xô sử dụng loại “rệp” này để nghe lén Mỹ bằng cách giấu nó trong một tấm gỗ mang hình con dấu của chính phủ Mỹ.

Ngày 4-8-1945, đoàn đại biểu của Đội Thiếu niên Tiền phong Liên Xô tặng con dấu gỗ này cho Đại sứ Mỹ Averell Harriman, coi đây là cử chỉ hữu nghị.

Phải đến năm 1952, “con rệp” này mới tình cờ bị phát hiện. Năm đó, một người vận hành radio Anh tình cờ nghe được các đoạn hội thoại của người Mỹ trên một kênh radio công khai, khi người Nga phát sóng vô tuyến tại văn phòng Đại sứ Mỹ tại Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tìm kiếm kỹ lưỡng Đại sứ quán Mỹ và tìm ra thiết bị nghe lén trong con dấu gỗ.

Nhà khoa học Anh, cựu sĩ quan phản gián MI5, ông Peter Wright, phát hiện ra cách thức làm việc của con rệp này. Nếu không bị phát hiện, nó có thể dễ dàng hoạt động vô thời hạn.

Màng của “rệp” con dấu cực kỳ mỏng và bị hỏng trong khi người Mỹ xử lý. Nghiên cứu của ông Wright sau đó dẫn tới việc phát triển một hệ thống nghe lén tương tự của Anh có tên mã là SATYR, được Anh, Mỹ, Canada và Úc dùng trong suốt thập niên 50.

Hòn đá… biết nghe

Năm 2006, kênh truyền hình nhà nước Rossiya của Nga tiết lộ về một hòn đá giả làm bằng nhựa được các điệp viên ở Nga dùng để thu nhận và chuyển phát tin tức tình báo.

Một nam giới bị Nga cho là điệp viên Anh đi qua đi lại hòn đá giả (bên trong có thiết bị nhận và truyền tin).

Tình báo Nga buộc tội Anh sử dụng hòn đá này ở Công viên Mátxcơva để do thám Nga. Đầu năm 2012, ông Jonathan Powell, cựu trợ lý của Thủ tướng Anh Tony Blair, khẳng định lời buộc tội của Nga là đúng.

Sau khi cơ quan an ninh Nga phát hiện ra thiết bị gián điệp này, Mátxcơva tuyên bố đóng cửa nhiều tổ chức phi chính phủ của phương Tây hoạt động ở Nga.

Máy ảnh mini

Ông Aleksandr Ogorodnik là một nhà kinh tế học Liên Xô làm việc trong Bộ Ngoại giao. Các điệp viên CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) tuyển ông Ogorodnik làm gián điệp cho Mỹ.

Tên mã của ông là TRIGON và ông sử dụng máy ảnh T-50 để chụp các tài liệu mật mà mình có quyền tiếp cận ở Mátxcơva. Sau đó, ông đặt chúng vào các hộp thư chết kiểu như hòn đá giả của Anh.

Gọi là T-50 vì chiếc máy ảnh chỉ chụp được 50 bức ảnh. T-50 dùng loại phim giống như vệ tinh tình báo sử dụng: rất mỏng, để giảm trọng lượng.

Chiếc máy ảnh nhỏ xíu này (có thể giấu trong cây bút) phải để cách vật cần chụp khoảng 28cm để hình ảnh rõ nét.

Đặc vụ Mỹ đào tạo TRIGON thực hành chụp ảnh trong thư viện. Vừa đọc sách báo, ông vừa chụp những gì mình đang đọc một cách tự nhiên.

Súng ô

Tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch Bulgaria, ông Georgi Ivanov Markov, thường xuyên chỉ trích chế độ Bulgaria. Vì thế, có tin rằng, cơ quan mật vụ Bulgaria nhờ KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Nga) buộc ông câm lặng vĩnh viễn.

Ngày 7-9-1978, khi đang chờ xe bus ở London (Anh) để đến nơi làm việc là trụ sở BBC, ông cảm thấy đau nhói ở phía sau đùi phải.

Ông quay lại thì thấy một người đàn ông đang cúi người nhặt chiếc ô bị đánh rơi. Người này nói “Tôi xin lỗi!” giọng nước ngoài và vẫy taxi đi mất.

Ông Markov chết bốn ngày sau đó. Giấu trong chiếc ô là một thiết bị hoạt động bằng khí nén, chứa một viên đạn cực nhỏ chứa chất độc ricin.

Nhiều người cho rằng, chiếc ô súng đã được dùng ít nhất một lần nữa để ám sát nhà báo Bulgaria bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, vụ ám sát năm 1978 ở Paris (Pháp) bất thành.

Hai sự kiện này là nguồn cảm hứng để đạo diễn Pháp Gérard Oury làm bộ phim “Le Coup Du Parapluie” (Việc làm táo bạo với chiếc ô).

Chiến tranh… chó

Các cá nhân không phải là mục tiêu duy nhất của hoạt động gián điệp và những chiếc ô không phải là vũ khí duy nhất mà giới điệp viên trong đời thực sử dụng. Ở nhiều nước, các con vật cũng được sử dụng để chuyển bom tới mục tiêu.

Thập kỷ 30 thế kỷ trước, một số con chó được người Nga huấn luyện để đưa chất nổ tới xe tăng Đức và những mục tiêu quân sự khác. Kế hoạch ban đầu là con chó để quả bom tại mục tiêu rồi trở về, sau đó bom sẽ được kích nổ nhờ thiết bị hẹn giờ.

Tuy nhiên, cách này không thành công nên được thay bằng phương pháp kích nổ tác động, đồng nghĩa với việc con chó bị nổ tung cùng mục tiêu.

Quân đội Mỹ cũng huấn luyện chó chống tăng vào năm 1943, nhưng rồi không sử dụng chúng. Năm 2005, quân nổi dậy Iraq cũng dùng chó mang thuốc nổ, nhưng không thành công.

Thái An
Theo Tecca, Mashable Tech, The Guardian

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.