Mỹ điều máy bay ném bom tới biển Đông

Mỹ điều máy bay ném bom tới biển Đông
TP - Mỹ vừa đưa máy bay ném bom đến biển Đông và Hoa Đông, đưa tàu sân bay xuống Ấn Độ Dương tập trận với các đối tác và đồng minh.

Theo thông tin từ Không quân Mỹ, 2 máy bay ném bom B-1B của họ tham gia đợt huấn luyện với các máy bay chiến đấu của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Không quân Mỹ tuyên bố, các chuyến bay với Nhật Bản “thể hiện tình đoàn kết giữa Mỹ và Nhật để phòng vệ trước những hành động gây bất ổn và khiêu khích ở Thái Bình Dương”. Nhật Bản cử 2 máy bay F-15 tham gia diễn tập. Sau đợt bay chung lần đầu tiên vào ban đêm, hai máy bay ném bom bay qua biển Đông để thể hiện quyền tự do hàng hải. Sau đó, các máy bay Mỹ trở về căn cứ trên đảo Guam.

Ngoài ra, các tàu, máy bay và binh lính Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ hôm qua tham gia đợt tập trận Malabar 2017 trên vịnh Bengal, ngoài khơi Ấn Độ, theo thông tin trên trang web của Hạm đội 7 của Mỹ. Đợt tập trận này gồm các hoạt động trên bộ và trên biển. Tàu sân bay Nimitz và nhóm tác chiến cùng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Princeton, tàu khu trục USS Howard và các tàu ngầm tấn công nhanh lớp Angeles tham gia tập luyện các nhiệm vụ tấn công từ tàu sân bay, tuần tra trên biển, do thám, chiến tranh trên mặt biển, chống tàu ngầm cũng như tìm kiếm và cứu nạn.

Hai đợt tập trận diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công khu vực đất liền của Mỹ. Mỹ cảnh báo họ có thể dùng sức mạnh quân sự “nếu chúng tôi phải làm thế”. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/7 nhất trí gia tăng áp lực lên Triều Tiên để kiềm chế nước này phát triển vũ khí sau vụ thử vừa qua. Còn Trung Quốc và Nga kêu gọi cả hai bên chấm dứt tập trận và thử tên lửa để khôi phục đàm phán.

Mối đe dọa hiện hữu

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines, ông Roilo Golez, vừa nói rằng, các hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông là “mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu” đối với an ninh quốc gia của Philippines. Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Early Edition của đài ANC hôm 6/7, ông Golez nói rằng, Trung Quốc lúc nào cũng có thể triển khai máy bay chiến đấu dễ dàng tiếp cận các nước láng giềng. Ông nói rằng, nhiều người dự đoán Trung Quốc có thể đưa một phi đội máy bay chiến đấu ra đá Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi, nơi có những đường băng dài 3km có thể tiếp nhận “mọi loại máy bay và các loại trang thiết bị dự trữ của Trung Quốc”. “Đối với tôi, đó là mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”, ông nói.

Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (trụ sở tại Washington) gần đây cho biết, các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều căn cứ không quân trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn cùng với căn cứ không quân thứ 4 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, giúp các máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động trên phạm vi bao trùm gần như toàn bộ khu vực biển Đông.

MỚI - NÓNG