Mỹ - Nga và ván cờ quyết định ở Syria

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã tiết lộ cuộc tấn công Syria cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, một quan chức quân sự Mỹ cũng khẳng định, đã thông báo cho Nga trước khi khai hoả 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat.

Theo thông tin chính thức của Lầu Năm Góc, đòn tấn công của Mỹ giáng vào căn cứ không quân Shayrat diễn ra vào lúc 4h40 (giờ địa phương). Từ biển Địa Trung Hải, các khu trục hạm Ross và Porter đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào mục tiêu.

Như lời Ngoại trưởng Mỹ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Washington không yêu cầu sự đồng ý của Moscow về cuộc tấn công tên lửa, và cuộc không kích cho thấy Tổng thống Trump đã sẵn sàng "thực hiện hành động có tính quyết định".

Tuy vậy, đài truyền hình NBC News sáng nay 7/4 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Washington đã thông báo cho Nga trước khi tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa hành trình vào căn cứ quân sự Syria, và “Moscow cũng nhấn mạnh việc Washington phải loại trừ tất cả các căn cứ quân sự có sự hiện diện của không quân Nga ở quốc gia Trung Đông này", theo NBC News.

Sau khi diễn biến cuộc tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào căn cứ quân sự của Syria tạm lắng, giới quan sát đặt ra câu hỏi, vậy đâu là vai trò của Moscow trong việc giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đối phó với các cuộc tấn công từ bên ngoài? Và, hệ thống phòng không của Nga vì sao không hoạt động khi tên lửa Tomahawk ào ạt tập kích vào căn cứ không quân Shayrat?

Thực lực quân sự của Nga ở Syria

Giữa tháng 1/2017, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã tiết giảm tối đa lực lượng vũ trang ở Syria. Tuy nhiên, sau khi giảm quân số ở Syria, Nga vẫn còn hai cơ sở quân sự quan trọng ở quốc gia Trung Đông này là: nhóm không quân Nga tại sân bay Hmeymim và nhóm hậu cần và sửa chữa mở rộng và hiện đại hóa tại thành phố Tartus.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi giảm "các cuộc không kích", căn cứ không quân Hmeymim sẽ tiếp tục được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa phòng không S-400, cũng như tên lửa và pháo chống máy bay tiên tiến "Pantsir".

Ngoài ra, Nga có kế hoạch phát triển cứ điểm cho nhóm phòng không tại sân bay Hmeymim, sau vài tháng sẽ bắt đầu cải tạo đường băng thứ hai.

Nga cũng có kế hoạch hiện đại hóa căn cứ Hải quân Nga tại Tartus để cho phép các tàu tuần dương cỡ lớn cập cảng.

Giới chức quân sự Nga cũng cần lưu ý rằng, việc Nga rút một phần nhóm quân ra khỏi Syria sẽ không ảnh hưởng đến các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và các tổ hợp trên đất liền "Bastion", những hệ thống sẽ bảo vệ căn cứ hải quân tại Tartus.

Thống kê như vậy để thấy, sẽ là bất bình thường nếu như cho rằng lực lượng quân đội Nga tại Syria hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công tên lửa do Mỹ phát động từ Địa Trung Hải. Và nếu Nga thực sự quyết liệt, với hệ thống phòng không tối tân là S-300, S-400, thì các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ sẽ khó có thể tiến sâu vào đất liền Syria.

Một điểm đáng chú ý là, các tên lửa Tomahawk của Mỹ phóng đi từ Địa Trung Hải, trước khi hướng tới căn cứ không quân Shayrat đều ít nhiều phải vượt qua tầm kiểm soát của hai căn cứ Hmeymim và Tartus, nơi Nga bố trí dày đặc binh sĩ và khí tài quân sự.

Không ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Anh Maykl Fellon chỉ ra rằng, Mỹ đã tính toán rất kỹ lưỡng để tên lửa hành trình Tomahawk khi tấn công Syria sẽ không gây tổn hại cho quân đội Nga.

“Cuộc chiến búa tạ” của Mỹ

Thống kê sơ bộ của truyền thông Syria cho biết, ít nhất 6 binh sĩ Syria thiệt mạng, 7 người khác bị thương, trong khi căn cứ không quân Shayrat bị phá huỷ hoàn toàn.

Hãng tin Sputnik của Nga gọi cuộc tấn công của Mỹ là “Cuộc chiến búa tạ”. Tổng thống Nga Putin thì chỉ trích cuộc tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào căn cứ quân sự Syria là hành động “khiêu khích nhằm vào một quốc gia có chủ quyền” với “cái cớ do chính Mỹ tạo ra” rằng quân đội Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Nếu xét theo các con số, với 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk, không thể nói đây là kết quả chấp nhận được đối với người Mỹ.

Theo chuyên gia Phạm Phú Phúc, một chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, người từng có 15 năm công tác tại Trung Đông, việc cho phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thể hiện rằng ông ấy là người nói là làm, và không nhún nhường, không “đi đêm” với Nga trong vấn đề Syria, chứ không đơn giản là huỷ diệt sức mạnh quân sự của Syria.

“Sau vụ này, các nước lớn sẽ phải ngồi lại với nhau, hoặc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ phải gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để bàn về vấn đề Syria một cách ráo riết hơn, thực chất hơn, thay vì làm một cách câu giờ như từ trước đến nay.

Dù gì Nga vẫn sẽ cần Mỹ vì quan hệ Nga – Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực, không dễ gì mà Nga sẽ dập tắt những dấu hiệu đó để đưa hai nước quay lại thời băng giá như cuối nhiệm kỳ của ông Obama. Hơn nữa, Nga gần đây cũng đã khó chịu với ông Assad”, chuyên gia Phạm Phú Phúc nhận định.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.