Mỹ, Nhật Bản thử tên lửa đạn đạo thất bại

Tàu khu trục Kirishima của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản thử nghiệm hệ thống phóng thủ tên lửa ở ngoài khơi đảo Kauai, Hawaii, năm 2010 ảnh: Kyodo.
Tàu khu trục Kirishima của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản thử nghiệm hệ thống phóng thủ tên lửa ở ngoài khơi đảo Kauai, Hawaii, năm 2010 ảnh: Kyodo.
TPO - Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ vừa cho biết một cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo ở Hawaii cùng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thất bại. Thử nghiệm này diễn ra hôm 21/6.

Mỹ và Nhật cùng phát triển thiết bị đánh chặn để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung, trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng.

Tin tức về vụ thử thất bại được đưa ra khi một quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên vừa thực hiện một vụ thử động cơ tên lửa. Giới chức Mỹ tin rằng hoạt động này nằm trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa giám sát một cuộc phóng thử tên lửa tầm trung mới. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc dẫn lời ông Moon nói rằng vụ phóng này có ý nghĩa quan trọng để Hàn Quốc duy trì năng lực “kiềm chế” Triều Tiên nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo và để các chính sách đối thoại với Bình Nhưỡng hiệu quả trong tương lai. Quân đội Hàn Quốc có kế hoạch triển khai tên lửa Hyunmoo-2 sau khi thực hiện thêm 2 vụ phóng thử nữa.

Về vụ thử thất bại của Nhật Bản và Mỹ, một tên lửa tầm trung được phóng từ cơ sở tên lửa Thái Bình Dương trên đảo Kauai (thuộc quần đảo Hawaii) cuối ngày 21/6. Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones đã phát hiện, theo dõi tên lửa này rồi phóng tên lửa đánh chặn, nhưng không bắn trúng mục tiêu.

Đây là lần thứ hai quân đội Mỹ thử đánh chặn bằng hệ thống tên lửa SM-3 phóng từ tàu chiến. Cuộc thử nghiệm lần trước vào tháng 2 năm nay đã thành công.

Các tên lửa SM-3 được trang bị cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis. Các tàu của Mỹ và Nhật được trang bị phiên bản trước của thiết bị đánh chặn SM-3 để theo dõi các tên lửa đạn đạo.

Đội tàu Aegis của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản dự kiến sẽ được nâng cấp hệ thống này vào năm 2021.

Quân đội Mỹ đang phát triển một công nghệ khác để bắn tên lửa đánh chặn từ lục địa, gọi là hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa từ mặt đất (Ground-based Mid-Course Defense). Mỹ hiện có hệ thống đánh chặn cho hệ thống này đặt tại Fort Greely, bang Alaska, và căn cứ không quân Vandenberg ở California.

Triều Tiên đang tăng cường phóng tên lửa và thử hạt nhân nhằm đạt đến mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn đến Mỹ đại lục.

Dù giới chuyên gia quân sự cho rằng Triều Tiên còn vài năm nữa mới đạt được công nghệ này, ông Robert Soofer, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về chính sách phòng thủ tên lửa và hạt nhân, gần đây nói rằng Bình Nhưỡng “sẵn sàng thực hiện vụ thử ICBM trong năm 2017”.

Tháng trước, Trung tướng Vincent Stewart, giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, nói rằng nếu cứ đà này, Triều Tiên cuối cùng sẽ thành công trong việc hoàn thiện tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể đe dọa Mỹ.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.