Mỹ, Nhật tập trận giành lại đảo bị chiếm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Cuối tháng 8 đầu tháng 9 tới tại bang California, Mỹ và Nhật Bản sẽ tập trận chung với kịch bản giành lại một đảo bị chiếm, hãng tin Kyodo dẫn nguồn Bộ chỉ huy tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Khoảng 1.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bao gồm cả lục quân, hải quân và không quân sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên “Dawn Blitz”. Quân đội Nhật Bản bắt đầu tham gia cuộc tập trận này năm 2013 như một phần trong nỗ lực của Bộ Quốc phòng, nhằm xây dựng khả năng bảo vệ các đảo xa trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Cuộc tập trận năm nay sẽ diễn ra tại căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ Pendleton và một số khu vực khác ở California. Các binh sĩ Nhật Bản sẽ thực hành khoa mục tiếp tế vũ khí, đạn dược, đổ bộ lên đảo bằng trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí xuất phát từ chiến hạm. Họ cũng diễn tập vận chuyển binh lính bị thương ra tàu của Lực lượng Phòng vệ bằng máy bay trực thăng cánh xoay MV-22 Osprey.

Theo Kyodo, Nhật Bản và Anh vừa nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác nhằm đảm bảo duy trì luật pháp tại châu Á trong cuộc đối thoại chiến lược giữa ngoại trưởng hai nước tại Tokyo. Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động khiêu khích ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Tokyo mong muốn hợp tác chặt chẽ với Anh để giải quyết các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond bày tỏ ủng hộ đối với dự luật an ninh mới của Nhật Bản, nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài và tăng cường liên minh an ninh với Mỹ. Hai ngoại trưởng Nhật Bản và Anh cũng nhất trí rằng, hai nước sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chung về công nghệ tên lửa và thiết bị quân sự, bao gồm thiết bị chống vũ khí hóa học và sinh học. Đồng thời tiến tới nâng cấp đối thoại an ninh “hai cộng hai” giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước vào năm tới.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc vừa kết thúc đợt tập trận bắn đạn thật rầm rộ ở biển Đông lại có ý định mở rộng phạm vi kiểm soát ra vùng biển Tây Thái Bình Dương. Thông tin này do chuyên gia Vassily Kashin thuộc Trung tâm Chiến lược và Công nghệ Nga công bố trên Sputnik News và được tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc Global Times dẫn lại.

Gần đây, hải quân cũng như không quân Trung Quốc tăng cường hoạt động tại khu vực được giới quân sự nước này gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” (chuỗi quần đảo kéo dài từ nam Nhật Bản và đảo Ryukyu, Đài Loan tới Philippines) và “chuỗi đảo thứ hai” nối từ Honshu của Nhật Bản theo vòng cung đảo Bonin, quần đảo Marianas và đảo Caroline, xuống tới tận New Guinea.

Tuần trước, máy bay ném bom chiến lược H-6K bắt đầu vượt qua chuỗi đảo thứ nhất. Việc này giúp quân đội Trung Quốc có khả năng tấn công các mục tiêu ở phía nam Nhật Bản vốn khá yếu về khả năng phòng không, các chuyên gia nhận định. Nó cũng cho phép Trung Quốc có khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Các báo cáo ngụ ý rằng, phía Trung Quốc đang hình dung hạm đội tàu sân bay Mỹ như một đối tượng tác chiến tiềm tàng.

Theo Global Times, Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống giám sát khu vực giữa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, bao gồm các vệ tinh giám sát, máy bay tuần thám, máy bay không người lái, chiến hạm và tàu ngầm. Quân đội Trung Quốc ưu tiên xây dựng hệ thống vệ tinh trinh sát, các máy bay ném bom chiến lược, chiến đấu cơ thế hệ mới, tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

MỚI - NÓNG