Mỹ sẽ cắt hợp tác tình báo với Đức?

Giám đốc James Clapper.
Giám đốc James Clapper.
Đúng như dự đoán của dư luận, dự luật "Luật tự do Mỹ" đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ hôm 23/5 với tỷ lệ 57 phiếu thuận và 42 phiếu chống. "Luật tự do Mỹ" sẽ được thông qua nếu có 60 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận.

Trước đó (14/5), Hạ viện Mỹ đã thông qua  dự luật "Luật tự do Mỹ" với 338 phiếu thuận và 88 phiếu chống. Trong số những Thượng nghị sĩ phản đối kịch liệt dự luật "Luật tự do Mỹ", có ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Mitch McConell cũng cho biết, Thượng viện sẽ họp lại vào ngày 31/5, để tìm cách cứu vãn những qui định then chốt trong dự luật "Luật tự do Mỹ".

Được biết, ông Mitch McConnel và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr đã đề xuất gia hạn các điều khoản trên đến năm 2020.

Đây được coi là một thách thức lớn đối với nỗ lực cải tổ Cơ quan an ninh Quốc gia Mỹ (NSA) của Chính quyền Tổng thống Barack Obama sau những bê bối tình báo. Bởi theo đề xuất của ông chủ Nhà Trắng, "Luật tự do Mỹ" cấm các cơ quan do thám và tình báo Mỹ như NSA thu thập với khối lượng lớn dữ liệu từ điện thoại và các cuộc nói chuyện điện thoại của công dân Mỹ. Và họ chỉ được phép tiếp cận các dữ liệu điện thoại cùng các hồ sơ khác của công dân khi tòa án xác nhận có sự nghi ngờ liên quan tới khủng bố quốc tế.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Diane Feinstein tuyên bố, đối với những ai muốn thực hiện cải cách, muốn ngăn cản việc thu thập dữ liệu của người dân thì "Luật tự do Mỹ" là cách để thực hiện điều đó và Hạ viện đã thông qua vấn đề này; Tổng thống cũng muốn thực hiện điều đó. Nhưng Thượng viện lại không thông qua và việc này sẽ đẩy chương trình cải cách vào tình huống pháp lý cực kỳ nguy hiểm.

Cũng trong ngày 23/5, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết, sẽ xem xét lại các quan hệ hợp tác với Cục Tình báo liên bang Đức (BND) sau những bê bối vừa qua của BND. Ông James Clapper đã bày tỏ sự quan ngại trước việc nhiều tài liệu mật của Mỹ bị chuyển cho Ủy ban giám sát và điều tra NSA của Hạ viện Đức đang bị rò rỉ cho giới truyền thông Đức và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của Washington, khiến Mỹ không còn đủ độ tin tưởng đối với năng lực của các đối tác Đức trong việc bảo mật thông tin. Ngoài ra, ông James Clapper cũng khẳng định, Washington sẽ đánh giá tổng thể quá trình hợp tác với BND và có thể hạn chế một phần, thậm chí tạm dừng mối quan hệ này.

Mỹ sẽ cắt hợp tác tình báo với Đức? ảnh 1

Thượng nghị sĩ Mitch McConell.

Trong khi đó, Quốc hội Đức muốn có thêm thông tin để phục vụ quá trình điều tra, nhưng Thủ tướng Angela Merkel vẫn khá dè dặt về vấn đề này. Theo kết quả thăm dò do kênh truyền hình ARD tiến hành và công bố hôm 21/5, đa số người dân Đức bày tỏ hoài nghi về việc bà Angela Merkel có thực sự muốn làm sáng tỏ vụ bê bối của BND.

Cũng trong ngày 21/5, Đài Phát thanh Bắc Đức (NDR) và báo Nam Đức (SZ) dẫn lời một nhân viên hàng đầu của BND trong Ủy ban giám sát và điều tra NSA của Hạ viện Đức cho biết, trong vài tuần qua, BND đã phát hiện thêm 459.000 mục tiêu bị NSA do thám trong giai đoạn 2005-2008. Trong đó có những thông tin liên quan tới chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), số điện thoại các thể chế EU cũng như các nước thành viên NATO…

Cùng ngày 21/5, tờ The Intercept của Mỹ cho hay, NSA từng phát triển một chương trình tấn công các liên kết dữ liệu (data-link) tới kho ứng dụng App Store của Google và Samsung nhằm cài một phần mềm gián điệp vào các thiết bị điện thoại thông minh. Và kế hoạch này được giới chức NSA phát triển cùng với Anh, Canada, New Zealand và Australia.

Theo tờ The Intercept, các cơ quan tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm tới châu Phi, nhất là các nước Senegal, Sudan và Congo. Ngoài ra, các thiết bị sử dụng App Store ở Pháp, Cuba, Maroc, Thụy Sĩ, Bahamas, Hà Lan và Nga cũng là những mục tiêu được nhắm tới. Và NSA phát triển chương trình giám sát này một phần do lo ngại khả năng xảy ra một làn sóng biểu tình tương tự làn sóng "Mùa xuân Arab" ở Trung Đông năm 2011. Đây là tiết lộ mới nhất của cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden. 

Ngày 21/5, hãng thông tấn Đức (GPA) dẫn lời người phát ngôn của Hạ viện Đức (Nghị sỹ Steffi Lemke, Thư ký đoàn nghị sỹ đảng Xanh tại Hạ viện) thừa nhận, hệ thống máy tính của cơ quan này đang bị tấn công và họ vẫn chưa thể khống chế được cuộc tấn công kể trên.

Theo ông Konstantin von Notz, nghị sỹ của Đảng Xanh cho rằng, cách thức và cường độ của vụ tấn công cho thấy nhiều điểm đáng ngờ bởi những dữ liệu thông tin liên quan tới các nghị sỹ ở Hạ viện đã bị đánh cắp.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG