NATO - Mồi thuốc nổ đưa quan hệ Nga-Mỹ lên lò lửa

NATO - Mồi thuốc nổ đưa quan hệ Nga-Mỹ lên lò lửa
TPO - Với những động thái chính trị và quân sự phô trương, NATO đang khiêu khích đẩy quan hệ Nga-Mỹ đã gia tăng lên mức độ căng thẳng nhất kể từ sau thời Chiến tranh lạnh. 

Áp sát biên giới, tăng cường tập trận


Ngày 16/4, RT dẫn lời đại diện của Bộ Tổng tham mưu của Nga đã lên án sự hiện diện tăng vọt của NATO ở biên giới Nga. Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nga, Trung tướng Andrey Kartopolov cho biết, lãnh đạo NATO không hề giấu diếm định hướng chống Nga thông qua các hoạt động tập trận. 


“Trong năm 2014, cường độ hoạt động và huấn luyện chiến đấu của NATO gần biên giới Nga đã tăng 80%”, Trung tướng Andrey Kartopolov nói.


Trong Hội nghị Moscow IV về an ninh quốc tế, ông Kartopolov nhận định: “Trong thời gian này, NATO đang tạo ra một lực lượng đến từ các quốc gia thành viên ở khu vực Baltic với hơn 10.000 binh lính, 1.500 xe bọc thép, 80 máy bay, trực thăng và 50 tàu chiến”.


Trung tướng Kartopolov tiết lộ, máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ cũng được điều động để thực hiện nhiệm vụ trong các cuộc diễn tập của NATO.

Ông Kartopolov cho biết thêm rằng, Mỹ đang có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình tầm xa JASSM-ER cho các đồng minh Đông Âu, tên lửa này cho phép chiến đấu cơ của NATO có thể đạt tới mục tiêu 1.300km bên trong lãnh thổ Nga.

Ông Kartapolov cảnh báo, trong trường hợp của một cuộc xung đột quân sự xảy ra, Nga sẽ rất dễ bị NATO tấn công từ trên không, với thời gian bay của tên lửa giảm đi một nửa.

Quan chức thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga cũng bày tỏ lo ngại về việc gia tăng các hoạt động tình báo của NATO ở trên khu vực Biển Đen.

Ông Kartapolov tiết lộ, Nga đã phát hiện máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ trên vùng trời Ukraine vào tháng 3/2015. Theo Trung tướng Kartapolov, với việc sử dụng các công nghệ do thám hiện đại UAVs, “Global Hawk có thể do thám vào sâu lãnh thổ Nga từ 250-300 km”.

Paul Craig Roberts, nguyên cố vấn cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cho hay, mục tiêu số 1 của Mỹ khi gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine là đẩy Nga ra khỏi Crimea và đưa hải quân NATO tới chiếm đóng căn cứ quân sự ở Sevastopol để chặn lối ra của Nga qua Biển Đen.

Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga, và khủng hoảng ở miền Đông Ukraine bùng phát từ đầu năm 2014, lực lượng NATO đã liên tục tăng cường các cuộc diễn tập quân sự dọc theo biên giới Nga – tại khu vực các nước Baltic và Đông Âu.

Trước đó, từ cuối năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Học thuyết tác chiến mới của Quân đội Mỹ với tiêu đề “Chiến thắng trong một thế giới phức tạp: 2020-2040” với tư duy cốt lõi là Mỹ và NATO sẽ tiến hành cuộc chiến tranh phức hợp, gồm: Bao vây cấm vận kinh tế; Cô lập về chính trị-ngoại giao; Răn đe sử dụng sức mạnh quân sự để đè bẹp ý chí của đối phương, buộc đối phương phải chấp nhận vị thế phụ thuộc và nghe theo sự áp đặt của Washington.

Và cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát từ cuối năm 2013 tới nay là biểu hiện rõ nhất và sinh động nhất về tư duy đó.

Zbignev Brezinski, mưu sỹ chính trị-an ninh hàng đầu của các đời Tổng thống Mỹ, từ thời Ronald Reagan những năm 1980 tới Barack Obama, đã từng viết trong cuốn sách nổi tiếng “Bàn cờ lớn” những dòng như sau: “Ukraine là tiền đồn để Mỹ làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền”.


Nga cảnh báo NATO tăng cường hiện diện sát biên giới
Lính Nato

Định mở thêm mặt trận thông tin ở Đông Âu

Mới đây, các phương tiện truyền thông Latvia đưa tin, thủ đô Riga của họ gần đây đã trở thành nơi đặt một chi nhánh mới của kênh truyền hình NATOChannel, chuyên cung cấp các nội dung truyền thông qua phát thanh, truyền hình, và internet cho liên minh này.

Văn phòng của NATOChannel ở Riga sẽ hoạt động song song với 2 văn phòng khác ở châu Âu, trụ sở tại Bỉ và Tây Ban Nha. 

Trong thời gian tới, các nhà báo văn phòng Riga sẽ được triển khai tới Ukraine, Romania và Estonia để đưa tin về các hoạt động và nhiệm vụ có liên quan đến NATO tại đó.

Tuần trước, Tư lệnh tối cao NATO, Tướng Philip Breedlove cũng đã nêu rõ rằng phương Tây cần tìm cách tham gia vào cuộc chiến tranh thông tin với Nga. 

Lời tuyên bố trên của Tướng Breedlove song song với việc NATO thành lập sở chỉ huy tác chiến thông tin ở Lavia khiến nhiều chuyên gia nhận định, khối này đang có ý định mở thêm một mặt trận thông tin ở khu vực Đông Âu gần với Nga.

NATO là nguyên nhân gây căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ


Ngày 17/4, nhà phân tích chính trị Rustem Safronov đã trả lời hãng tin PressTV tại Wasington, rằng NATO đang khiêu khích đẩy quan hệ Nga-Mỹ đã gia tăng lên mức độ căng thẳng nhất kể từ sau thời Chiến tranh lạnh. Nga coi chính sách của Mỹ và NATO là mối đe dọa với an ninh quốc gia, ông Rustem Safronov nói.


Hiện NATO đang tiếp tục các hoạt động chống lại những lợi ích của Nga tại Balkans, Grudia và mới đây nhất là tại Ukraine. Nhà phân tích cũng cho hay, Mỹ và NATO hoạt động rất tích cực tại Biển Đen và quân đội Nga đã cảnh báo về hoạt động của máy bay chiến đấu Mỹ gần bán đảo Crimea, khu vực Nga đã sáp nhập tháng 3 năm ngoái.

Nhà phân tích Rustem Safronov cảnh báo việc các bên gia tăng hoạt động quân sự có thể trở thành mối đe dọa tới tình hình địa chính trị khu vực và thế giới. Ông kết luận rằng, hành động khiêu khích gần đây của NATO đã dẫn đến mối quan hệ tồi tệ nhất giữa Nga và Mỹ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Trước đó, hãng tin RT của Nga đầu tháng này cho hay Nga đang chủ động tăng cường khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với nguy cơ tấn công toàn cầu chớp nhoáng mà Mỹ có thể tiến hành "trong một số trường hợp nhất định".

Đối sách của Nga là gì?

Hiển nhiên, Nga đã nhìn thấy rõ ý định xích lại gần khu vực Đông Âu, gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và NATO.

Hồi tuần trước, Đại sứ của Nga tại NATO, ông Aleksandr Grushko phát biểu trên kênh truyền hình Đức Das Erste TV rằng: “NATO đã tổ chức hơn 200 cuộc tập trận. 

Số lượng máy bay chiến thuật của các lực lượng không quân NATO xuất hiện ở biển Baltic, biển Barents cũng như ở những khu vực gần biên giới của Nga đã vượt qua con số 3.000 chiếc vào năm ngoái. Trong năm 2014, NATO đã tổ chức gấp đôi số cuộc tập trận so với năm 2013”. 

NATO - Mồi thuốc nổ đưa quan hệ Nga-Mỹ lên lò lửa ảnh 2Đại sứ của Nga tại NATO, ông Aleksandr Grushko (ảnh: RIA)

Bởi thế trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, không có gì đáng ngạc nhiên khi Kremlin đã tăng cường chi tiêu quốc phòng lên 1/3 trong năm 2015, với một ngân sách quân sự lên tới 50 tỷ USD, theo RT.

Mặt khác, trong thế đề phòng, Nga cử luôn cả máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân đến Biển Đen để theo dõi các cuộc tập trận rầm rộ trong thời gian gần đây của NATO và Mỹ. 

Song song với đó, Nga cũng tổ chức những cuộc tập trận riêng. Từ ngày 16/3 đến ngày 10/4, Nga đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô với 80 vụ phóng tên lửa, 30 đợt cất cánh của các máy bay tiêm kích, khoảng 800 lần bắn đạn pháo... cùng 45.000 binh sỹ kéo dài trên toàn lãnh thổ.

Đây là cuộc tập trận được đánh giá là một trong những đợt phô diễn quân sự lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Nga cũng khẳng định rằng việc NATO và Mỹ tìm cách tiếp cận khu vực Đông Âu gần biên giới Nga là hành động đe dọa tới an ninh quốc gia. Những động thái này của Mỹ và phương Tây có thể khiến tình hình gia thêm căng thẳng. 

Moscow cũng cho biết nhiều kế hoạch hiện đại hoá quân đội đang được nước này triển khai và Nga sẽ thường xuyên xuất hiện gần biên giới các nước thuộc khối đồng minh. Có lẽ cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây sẽ là một cuộc chiến còn dài hơi.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.