Triển lãm Hàng không - Vũ trụ Quốc tế:

Nga muốn khẳng định là siêu cường công nghiệp quốc phòng

Máy bay trực thăng MI-26 tại MAKS 2015. Ảnh: Thái An
Máy bay trực thăng MI-26 tại MAKS 2015. Ảnh: Thái An
TP - Triển lãm Hàng không - Vũ trụ Quốc tế (MAKS) 2015 đang diễn ra ở Nga, với sự tham gia của 740 hãng đến từ 30 nước. Phát biểu tại triển lãm, Tổng thống, Phó Thủ tướng Nga… nhấn mạnh yếu tố công nghiệp-quân sự, trong khi nhiều doanh nhân, khách tham quan Nga đánh giá cao hợp tác Việt-Nga trong hai lĩnh vực này.

MAKS 2015 diễn ra từ ngày 25 đến 30/8 tại thành phố Zhukovsky, tỉnh Mátxcơva (tiếp giáp thủ đô Mátxcơva), với sự tham gia của 584 công ty Nga và 156 hãng nước ngoài, đến từ Anh, Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Nga, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, Israel, Ảrập Xêút, Iran, Nam Phi, Chilê… MAKS là triển lãm hàng không - vũ trụ lớn nhất của Nga, một trong những triển lãm quốc tế quan trọng nhất về kỹ thuật hàng không, diễn ra 2 năm một lần (vào năm lẻ, bắt đầu từ 1993).

Lãnh đạo cấp cao Nga nhấn mạnh yếu tố công nghiệp - quân sự

Tại lễ khai mạc MAKS 2015 hôm 25/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu: “Nga luôn đảm nhiệm vị trí dẫn đầu trong số các nước dẫn dắt ngành hàng không toàn cầu… Tôi chắc chắn rằng, triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế lần thứ XII sẽ trở thành nền tảng hiệu quả để trao đổi về kinh doanh, học thuật, thúc đẩy hợp tác công nghiệp, thực hiện các dự án hợp tác mới…”.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng gửi thông điệp: “Xưa nay, nhiều đối tác nước ngoài quan tâm việc mua máy bay, máy bay trực thăng Nga, ngoài việc hợp tác với các nhà sản xuất máy bay và rốc-két có mặt tại triển lãm… Tôi trông chờ MAKS 2015 sẽ tiếp tục góp phần giải quyết các vấn đề lớn liên quan chế tạo thiết bị mới, sản xuất và quảng bá trên thị trường quốc tế. Tăng trưởng kinh tế Nga, khả năng quốc phòng được đảm bảo độ tin cậy. Sự an toàn của đất nước phụ thuộc vào điều đó”.

Tại MAKS 2015, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nhận định, thách thức đối với Liên bang Nga hiện nay là phải nâng giá trị của ngành công nghiệp lên tầm cao mới, đặc biệt là giá trị của các tổ hợp công nghiệp và quân sự. “Chính phủ Nga áp dụng các giải pháp lớn để hỗ trợ ngành hàng không - vũ trụ, vì sự phát triển của ngành này là yếu tố then chốt của khả năng quốc phòng và tính bất khả xâm phạm của biên giới Nga. Tiến triển trong lĩnh vực này cũng kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở các khu vực”, ông Rogozin phát biểu.

Tiềm năng hợp tác với Việt Nam rất lớn

Ngoài trưng bày 110 máy bay đủ loại, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực hàng không dân sự và quân sự, MAKS còn có nhiều hội thảo khoa học, trình diễn bay (nhào lộn trên không, đua giữa máy bay cánh cố định, trực thăng và xe đua…). Tổng cộng 81 máy bay tham gia các buổi bay trình diễn tại MAKS 2015, trong đó có SU-30, Su-27, MiG-29, Yak-130, MI-28… Nhiều người thích đến MAKS vì triển lãm thường mời các đội bay nổi tiếng với những màn biểu diễn nghẹt thở như Russkie Vityazi (Hiệp sĩ Nga), Strizhi (Chim én), Sokoly Rossii (Chim ưng), Berkuty (Đại bàng vàng)…

MAKS 2015 còn có khu trưng bày một số máy bay chiến đấu, vận tải quân sự thời Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, như chiến đấu MiG-3, DC-3, Chaika I-153…

Ngày 26/8, trả lời phỏng vấn của phóng viên Tiền Phong tại MAKS 2015, ông Igor Nasenkov, Phó tổng giám đốc thứ nhất của KRET, công ty con của Tập đoàn Công nghệ Nga ROSTEC, cho biết, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Đông, Bắc Phi…,  ROSTEC quan tâm thị trường mới rất tiềm năng là Việt Nam. “Hiện nay, KRET có nhiều chương trình, dự án hợp tác về sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu, đào tạo, nghiên cứu liên quan máy bay trực thăng, thiết bị điện tử vô tuyến, hệ thống dẫn hướng, định vị… phục vụ quân sự cũng như dân sự. Tiềm năng hợp tác với Việt Nam rất lớn”, ông Nasenkov nói.

ROSTEC đã có các liên doanh, dự án, chương trình hợp tác với phía Việt Nam, như với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… Tại MAKS 2015, ROSTEC sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương. Một công ty con khác của ROSTEC là Rosoboronexport, cho biết đang thực hiện một chiến lược toàn cầu là thiết lập các trung tâm dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay và trực thăng Nga khắp thế giới. “Các trung tâm dịch vụ sửa chữa máy bay đang được thành lập ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar…”, đại diện Rosoboronexport thông báo.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo diễn ra ngay bên trong chiếc máy bay vận tải quân sự hạng nặng IL-76MD, đại diện công ty Ilyushin thuộc Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) của Nga, nói rằng, IL-76MD-90A là dòng máy bay vận tải chính của Không quân Nga và phù hợp với nhiều nước khác trong đó có Việt Nam. Máy bay còn được sử dụng cho nhiều mục đích chuyên biệt khác như vận chuyển, thả dù người, xe cộ, hàng hóa, cấp cứu y tế, chế ngự đám cháy quy mô lớn…

Đợi chồng đang làm việc tại khu trưng bày máy bay Nga MiG, chị Maria Jvanova, nói với phóng viên Tiền Phong rằng, đợt triển lãm MAKS nào chị cũng đi xem vì chồng chị là phi công lái máy bay dân dụng và quen biết nhiều đồng nghiệp Việt Nam làm việc tại Vietnam Airlines. Anh chị đều mong Nga và Việt Nam tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng cũng như quân sự. “Hy vọng hai nước chúng ta sẽ tăng cường hợp tác về máy bay, không chỉ phục vụ quốc phòng mà còn phát triển kinh tế, du lịch”, chồng chị Maria nói. 

MAKS dự kiến thu hút 400.000 người xem. Triển lãm trước đó thu hút sự tham gia của gần 300 công ty và hơn 350.000 người xem. Các hợp đồng, thỏa thuận được ký kết có tổng trị giá hơn 21,2 tỷ USD.

Theo Từ Zhukovsky, Nga
MỚI - NÓNG