Nga, phương Tây nguy cơ đối đầu trực tiếp tại Syria

Các máy bay chiến đấu Nga hoạt động tại Syria. Ảnh: AFP.
Các máy bay chiến đấu Nga hoạt động tại Syria. Ảnh: AFP.
Sự can thiệp quân sự bất ngờ của Moscow tại Syria đã gây ra nguy cơ lớn nhất về một cuộc xung đột giữa Nga và các lực lượng phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là sau vụ máy bay Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Không quân Nga đã bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu của IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria từ ngày 30/9.

Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, các máy bay chiến đấu Nga và các chiến đấu cơ của liên quân do Mỹ đứng đầu hiện đang tiến hành các sứ mệnh chiến đấu tại cùng một quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các máy bay chiến đấu Nga hoạt động tại Syria đã 2 lần xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 ngày liên tiếp 3 và 4/10. Ankara đã triệu tập đại sứ Nga tới để phản đối sau vụ xâm nhập hôm 3/10, và lặp lại việc này sau vụ tương tự ngày 4/10.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và có nền quân đội lớn thứ 2 trong liên minh quân sự này.

Mặc dù Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, ông đã được phía Nga giải thích rằng vụ vi phạm không phận chỉ là “sai sót” và điều đó sẽ không lặp lại, nhưng NATO và Mỹ, cũng là một thành viên của liên minh, đã lên tiếng chỉ trích Moscow.

Một tuyên bố của 28 quốc gia thành viên trong NATO đã cảnh báo “mối nguy hiểm đặc biệt của một hành động vô trách nhiệm như vậy”. NATO yêu cầu Nga chấm dứt và giải thích ngay lập tức các vụ vi phạm này.

Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5/10 cho rằng vụ xâm nhập của máy bay Nga vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ gây ra một sự leo thang nghiêm trọng. “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả…  nó có thể gây ra một vụ bắn hạ và đó chính là điều mà chúng tôi đã cảnh báo có thể xảy ra”, Reuters dẫn lời ông Kerry khi đang ở thăm Chile.

Nga, phương Tây nguy cơ đối đầu trực tiếp tại Syria ảnh 1 Ngoại trưởng Mỹ đã mạnh mẽ cảnh báo Nga sau vụ vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.

Ông Kerry nói thêm rằng ông đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu và tham vấn với các đồng nghiệp cấp cao về vụ việc, đồng thời sẽ hối thúc Nga minh bạch hơn về các hoạt động của nước này tại Syria. Ông cũng nhắc tới các nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm thiết lập cơ chế tránh xung đột với các quan chức quân đội Nga.

Mỹ và các đồng minh - gồm các cường quốc phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các quốc gia Ảrập - đang tiến hành chiến dịch không kích của riêng mình nhằm vào nhóm phiến Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria, trong khi yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức và ủng hộ các lực lượng nổi dậy ôn hòa đang chống lại các lực lượng chính phủ.

Nga nói nước này cũng đang tấn công các mục tiêu của IS, nhưng liên quân do Mỹ đứng đầu lại nói rằng Moscow tấn công ít các mục tiêu của IS mà chủ yếu nhằm vào các lực lượng đối lập tại Syria.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay không có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ thay đổi chiến lược nhằm tập trung vào việc chiến đấu chống lại IS.

Liên hợp quốc ngày 5/10 cũng mạnh mẽ cảnh báo rằng sự hiện diện của cả các máy bay Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu trong không phận Syria là rất nguy hiểm.

“Điều chúng ta đang nhìn thấy lúc này là nhiều quốc gia khác nhau và các liên quân khác nhau hoạt động trên bầu trời Syria”, phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Dujarric nói với hãng tin AFP. “Tôi cho rằng điều đó tạo ra một hình huống đầy rẫy nguy hiểm và rất phức tạp, vì chúng ta đã nhìn thấy vấn đề vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Dujarric kêu gọi các bên cần tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài 4 năm rưỡi tại Syria, vốn khiến hơn 240.000 người thiệt mạng và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo Reuters, một quan chức quân đội Israel cho biết, các quan chức Nga sẽ tới Israel vào hôm nay để thảo luận các thức hai nước này tránh va chạm trong khi cùng hoạt động tại Syria. Israel đã tấn công các lực lượng vũ trang Syria và các tay súng Hezbollah trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm tại Syria.

Nguy cơ đối đầu giữa Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Mỹ và EU đã áp đặt các biện pháp cấm vận tài chính đối với Mosow vì sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine.

Trong năm qua, NATO đã nhiều lần cáo buộc các máy bay của Moscow vi phạm không phận các quốc gia thành viên của khối này tại châu Âu.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.