Nga rút quân khỏi Syria - Phép thử cho một chiến lược lớn

Lính Nga chuẩn bị tên lửa cho máy bay trước khi xuất kích tại căn cứ quân sự Hmeimim ở Syria.
Lính Nga chuẩn bị tên lửa cho máy bay trước khi xuất kích tại căn cứ quân sự Hmeimim ở Syria.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu An ninh - Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), quyết định tương đối bất ngờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin - rút quân ra khỏi Syria - là phép thử quan trọng cho một chiến lược dài hạn mà Moskva đang triển khai ở quốc gia Trung Đông này.

Kế hoạch rút quân không chỉ tạo ra "đòn bẩy" cho người đồng cấp Syria Bashar al - Assad tham gia tiến trình hòa đàm, mà còn mang lại thêm nhiều lựa chọn để Nga tác động đến đường hướng giải quyết cuộc xung đột quân sự cũng như quá trình chuyển giao quyền lực chính trị ở Syria.

Can dự nhanh chóng rồi đột nhiên tuyên bố rút quân, một lần nữa ông Putin đã khiến dư luận và giới phân tích phải bất ngờ trước những bước đi chiến thuật đầy táo bạo ở Syria. Rõ ràng, Nga đang thực hiện đúng lộ trình cam kết của mình hướng tới một giải pháp hòa bình và phi quân sự cho Syria đúng thời điểm lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực. Sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội để thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, sau đó, Nga đã thành công trong việc thuyết phục ông Assad tích cực tìm kiếm giải pháp chính trị khi ông này được đặt vào một vị thế "không thể có lợi hơn".

Tuy nhiên, điều khiến phương Tây lo ngại chính là lực lượng không quân Nga vẫn tiếp tục phối thuộc với Chính phủ Syria ở khu vực Palmyra. Không chỉ dừng lại ở vai trò "mối lái" cho tiến trình hòa bình để từng bước bình ổn tình hình, Nga còn tính đến những phương án chiến lược nhằm duy trì ảnh hưởng và lợi ích lâu dài ở Syria. Mặc dù đến thời điểm này, chưa đạt được mục tiêu đề ra trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng trên mặt trận đối ngoại, hẳn nhiên Moskva đã tăng tốc và vượt phương Tây. Nhiều mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Nga đã cán đích và chuyển hóa thành động năng giúp Moskva vượt qua "cơn bão" của lệnh trừng phạt, cấm vận hay đà lao dốc của giá dầu thế giới.

Củng cố vị thế "hợp pháp, hợp hiến" cho ông Assad trước âm mưu thay đổi chế độ chính trị, đồng thời phát huy vai trò của ông này "đúng lúc, đúng chỗ" trong tiến trình hòa bình Syria, Nga đã làm suy yếu đáng kể ảnh hưởng cũng như mức độ tín nhiệm của phương Tây tại Trung Đông. Giới phân tích đều có chung nhận định rằng quyết định can thiệp quân sự của Nga đã mang lại những chuyển biến đáng kể trong nỗ lực bình ổn tình hình Syria. Thời gian chưa phải là nhiều, nhưng Nga đã kịp củng cố và mở rộng vị thế về quân sự tại Syria để có thể chi phối đến toàn bộ tình hình Trung Đông.

Trên thực tế, Nga chưa bao giờ kết thúc sứ mệnh ở Syria. Tuy nhiên, họ biết cách điều chỉnh chiến thuật để thích ứng với sự thay đổi của tình hình và giải quyết ổn thỏa những thách thức mới nảy sinh, từ đó theo đuổi chiến lược dài hạn nhằm duy trì ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc rút bớt các máy bay chiến đấu Su - 25 và máy bay vận tải Il - 76 còn giúp Nga giảm nhẹ gánh nặng tài chính. Theo số liệu công bố hồi tháng 12/2015, Nga phải chi đến 8 triệu USD/ngày cho hoạt động quân sự tại Syria. Đây quả là một thách thức lớn khi giới chức Nga đang thảo luận về phương án cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng còn khoảng 45 tỷ USD. Ông Putin thấu hiểu rằng thật không dễ thuyết phục người dân chi tiền cho chiến dịch quân sự ở nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang rơi vào suy thoái.

Một số quốc gia Trung Đông như Jordan, Saudi Arabia và Qatar tin vào cam kết của Nga rằng họ sẽ tích cực thúc đẩy giải pháp ngoại giao - chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria trên cơ sở tính toán đến vai trò của Iran và cả Israel.

Có thể nói, tuyên bố rút quân chủ yếu là để thể hiện rằng nước Nga biết tôn trọng cam kết đối với khu vực. Với việc kịp thời điều chỉnh về sách lược nhằm đối phó với nhiều thách thức mới nảy sinh, Nga đang tìm cách giành vị trí trung tâm trong tiến trình hòa bình ở Syria, từ đó duy trì ảnh hưởng và lợi ích lâu dài. Thực tế này buộc phương Tây phải tính đến phương án đáp trả, đẩy cuộc chiến cạnh tranh giữa các cường quốc vào một giai đoạn căng thẳng và phức tạp ở khu vực Trung Đông vốn được cho là có vị trí địa chiến lược quan trọng.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.