Ngã xuống trước bình minh đại thắng

Sân bay Tân Sơn Nhất bốc cháy sau đợt tấn công của quân ta.
Sân bay Tân Sơn Nhất bốc cháy sau đợt tấn công của quân ta.
TP - Họ là những người lính từng vào sinh ra tử, dày dạn trận mạc đi qua gần hết chiều dài cuộc chiến và vào những khoảnh khắc quan trọng cuối cùng đã chấp nhận hy sinh để đất nước trọn vẹn niềm vui đại thắng.

Sẽ khôi phục trại Davis

Chúng tôi theo chân một số cựu chiến binh trong ban liên lạc khu vực phía Nam thăm lại chứng tích trại Davis. 

Dấu tích của Trại Davis gần như không còn. Những dãy nhà lợp tôn thấp lè tè cạnh sân bay Tân Sơn Nhất địch bố trí cho hai Đoàn Đại biểu quân sự đã tháo dỡ sau ngày giải phóng. Trại lính dù bên cạnh, hàng rào kẽm gai, lô cốt và những ụ súng máy địch lúc nào cũng chĩa sang Trại Davis cũng không còn. Thay vào đó là những con phố đông đúc, nhà cửa, trung tâm thương mại, hàng quán, khách sạn. Không nhiều người còn nhớ nơi này là Trại Davis, từng diễn ra những cuộc đấu tranh ngoại giao căng thẳng giữa hai đoàn đại biểu quân sự của ta và Mỹ - Thiệu suốt 823 ngày đêm ngay giữa lòng địch. 

Ngã xuống trước bình minh đại thắng ảnh 1

Ông Ngô Minh Dũng, Thường trực Ban liên lạc Trại Davis phía Nam cho biết, từ năm 1989 đã có đề án khôi phục, bảo tồn di tích lịch sử này nhưng do thủ tục cùng nhiều lý do khác nên kéo dài đến hôm nay. Vừa qua, UBND TPHCM có văn bản đề nghị và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đang xem xét hồ sơ. Khi có quyết định công nhận Trại Davis là di tích lịch sử cấp quốc gia, cơ quan chức năng sẽ khôi phục lại theo mô hình cũ với tổng kinh phí vài chục tỷ đồng.

Ông Ngô Minh Dũng, Thường trực Ban liên lạc Trại Davis phía Nam cho biết, từ năm 1989 đã có đề án khôi phục, bảo tồn di tích lịch sử này nhưng do thủ tục cùng nhiều lý do khác nên kéo dài đến hôm nay. Vừa qua, UBND TPHCM có văn bản đề nghị và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đang xem xét hồ sơ.

Giọng ông Dũng chùng xuống: Hệ thống hầm trú ẩn, địa đạo chúng tôi bí mật đào ngay trước họng súng của địch tháng 4/1975 bây giờ không còn. Hồi ấy, anh em đào bằng chính những chiếc cọc màn bằng kim loại đập dẹt một đầu. Hầm đào dưới nền nhà, có hệ thống địa đạo nối với nhau để sẵn sàng chiến đấu đến cùng nếu địch tấn công trại. Tại đây, sáng 29/4/1975, hai đồng đội của tôi đã hy sinh vì trúng đạn pháo và được chôn cất tạm trước khi đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố.

Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên trợ lý của Thượng tướng Trần Văn Trà nhớ lại: Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi rời Trại Davis về Bộ chỉ huy Miền. Sân bay Tân Sơn Nhất tập trung máy bay chiến đấu, bom đạn,… là mục tiêu quan trọng cần phải tấn công tiêu diệt nhằm bẻ gãy sự kháng cự của lực lượng không quân địch. Trại Davis nằm sát sân bay, chỉ cách hàng rào kẽm gai. Nếu tấn công thì khó tránh khỏi thương vong cho cán bộ chiến sỹ trong trại.    

Ngã xuống trước bình minh đại thắng ảnh 2 Cán bộ chiến sỹ bên trong Trại Davis ảnh tư liệu.

Chấp nhận hy sinh

Đại tá Nguyễn Bạch Vân nhớ lại, gần đến ngày 30/4/1975, Bộ chỉ huy Miền nhận được bức điện từ Trại Davis, thúc giục tấn công sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu. Anh em đã có nơi trú ẩn an toàn và nếu tên bay đan lạc thì anh em sẵn sàng chấp nhận hy sinh. 

4 giờ sáng 29/4/1975, pháo hạng nặng của ta bắt đầu dồn dập tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Ngô Minh Dũng kể sau những loạt pháo rền vang, sân bay chìm trong khói lửa. Điện phụt tắt. Đất đá, mảnh pháo văng khắp nơi gây thương vong cho một số cán bộ chiến sỹ dù trại có hệ thống địa đạo kiên cố. 

Một quả đạn pháo rơi trúng mái nhà S527, mảnh pháo cắt đứt và làm cánh quạt trần văng xuống sàn gây thương tích cho trung sỹ vệ binh Nguyễn Quang Hoà đang làm nhiệm vụ cảnh giới phía trên. Cũng trong loạt pháo ấy, một quả pháo bay lạc, rơi trúng căn nhà T530, mảnh đạn văng trúng ngực đại úy an ninh Nông Văn Hưởng đang ở trên hầm theo dõi tình hình khiến anh Hưởng hy sinh tại chỗ. Ba người khác bị thương nặng, trong đó trung tá Nguyễn Tiến Bộ bị mảnh pháo văng trúng, gãy nát một chân.

Bất chấp đạn pháo đang rít trên đầu, những người lính bị thương được đồng đội khiêng đến hầm quân y cấp cứu, băng bó. Đến nơi thì anh Hoà hy sinh vì vết thương quá nặng. Bác sỹ Sáu Sơn tập trung cứu chữa, cầm máu cho các trường hợp bị thương. Ngay trong đêm tối, hai liệt sỹ đã được đồng đội khâm liệm và bí mật chôn cất tạm trong căn hầm cát sát hàng rào phía bắc sân bay. Đại tá Nguyễn Bạch Vân cho biết, sau giải phóng, cấp trên bố trí chuyến bay đầu tiên từ miền Nam đưa trung tá Nguyễn Tiến Bộ ra Bắc điều trị do thương tích quá nặng.

Cũng như ông Ngô Minh Dũng, trung sỹ Nguyễn Quang Hoà có mặt tại Trại Davis từ những ngày đầu và được giao nhiệm vụ cảnh vệ cho đến ngày hy sinh. Ông Dũng làm cảnh vệ một thời gian thì chuyển sang làm công tác đối địch. Ông nhớ lại: “Chúng tôi chơi thân với nhau. Có điếu thuốc, gói kẹo cũng chia nhau. Hoà kém tôi một tuổi, quê ở Thanh Hoá, rất hiền lành, siêng năng. Cậu ấy luôn giành về mình những nhiệm vụ khó khăn. Lúc còn sống, Hoà thường đứng gác cạnh hàng rào, cách ụ súng máy của địch chỉ vài chục mét. Mũi súng của địch lúc nào cũng hướng về phía Hoà đầy đe dọa nhưng Hoà phớt lờ. Còn anh Hưởng là một nhà tình báo cực giỏi”. 

Có lần, một lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những quyết định khó khăn của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh bởi ai cũng hiểu Trại Davis nằm ngay tọa độ chết còn bom đạn thì không có mắt. Phương án tác chiến chỉ được duyệt sau khi có thông tin trại có hệ thống địa đạo bí mật tránh pháo. Dù đã đồng ý để hai Đoàn tự tổ chức chiến đấu tại chỗ, Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn chỉ định một cánh quân đặc công và một đại đội xe tăng đến Trại Davis sớm nhất để bảo vệ cán bộ chiến sỹ.

Có cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nào không đánh đổi bằng xương máu những người con ưu tú của dân tộc?

MỚI - NÓNG