Nga-Mỹ cáo buộc nhau về huấn luyện binh sĩ tại Ukraine

Quân đội Mỹ đã tiến hành huấn luyện binh sĩ Ukraine. Ảnh: AP
Quân đội Mỹ đã tiến hành huấn luyện binh sĩ Ukraine. Ảnh: AP
TP - Theo báo điện tử Mỹ International Business Times, Lầu Năm Góc đã bác bỏ cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga về việc quân Mỹ huấn luyện binh sĩ Ukraine tại khu vực xung đột ở đông Ukraine. 

Trước đó, hãng tin Nga Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói quân Mỹ không chỉ huấn luyện lực lượng Ukraine ở đông Ukraine về tuyên truyền, mà còn đào tạo trực tiếp tại các khu vực chiến sự ở Mariupol, Severodonetsk, Artyomovsk và Volnovakha.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eileen Lainez nói Mỹ rất minh bạch về chương trình huấn luyện vệ binh Ukraine ở miền tây Ukraine và gọi cáo buộc của Nga là “một cố gắng lố bịch nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi những gì đang xảy ra tại đông Ukraine”. Bà Lainez còn tố ngược Nga tiếp tục cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện và chỉ huy cho phe ly khai ở Ukraine.

Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine kéo dài, quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục xấu đi khi Mỹ đưa thêm quân tới giúp Kiev huấn luyện quân sĩ, Reuters nhận xét. Mỹ điều động 290 binh sĩ thuộc lữ đoàn khinh kỵ số 173 đóng tại Vicenza (Ý) tới giúp huấn luyện cho lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine. Theo Reuters, đối với Nga, việc ngăn Ukraine ngả hẳn sang phương Tây là một vấn đề mang tính sống còn; việc Mỹ đưa quân sang Ukraine, dù chỉ với vai trò huấn luyện, sẽ dẫn tới sự trả đũa từ phía Nga theo nhiều cách thức khác nhau.

Trước hết, Nga sẽ ra mặt hơn trong việc ủng hộ lực lượng ly khai tại khu vực Donbass. Thứ hai, Nga có thể gia tăng uy hiếp hạt nhân trong những tuần tới. Học thuyết hạt nhân Nga mới thay đổi xem việc sử dụng vũ khí hạt  nhân như một cách để giải quyết xung đột. Các cuộc tập trận gần đây của quân đội Nga gồm cả diễn tập hạt nhân với các phi đội máy bay ném bom hạt nhân TU-95.

Năm 2014, các máy bay Nga đã thực hiện nhiệm vụ gần Guam, bờ biển Alaska, khu vực Baltic và eo biển Anh. Những động thái trên làm tăng nguy cơ các bên hiểu lầm ý định của nhau. Vào năm 1979 và 1983, đã có những sự cố khiến Mỹ và Liên Xô tin rằng, việc diễn tập của bên kia là dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân thực sự.

Mới đây, Nga triển khai 10 tên lửa Iskander tầm bắn 400km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới vùng lãnh thổ Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Nga cũng có thể nhanh chóng ra tay nhằm vào các đồng minh của Mỹ trong NATO, đặc biệt là 3 nước vùng Baltic gồm Latvia, Estonia và Lithuania. Mátxcơva đã buộc tội một sĩ quan tình báo Estonia bị bắt tại Nga hôm 20/4 - ngày quân Mỹ bắt đầu huấn luyện vệ binh quốc gia Ukraine. Nga cũng có khả năng gây sức ép với Na Uy và Estonia.

Cuối cùng, Nga có thể tiến hành một loạt động thái khuấy đảo tại Trung Đông, đặc biệt đối với Iran. Kremlin vừa thông báo sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Iran, một bước đi mà Hội đồng Đối Ngoại Mỹ cho là “thay đổi cán cân quân sự Trung Đông”. Quyết định bán S-300 cho Iran khiến Mỹ và các đồng minh khu vực như Israel, Ảrập Xêút lo lắng.

MỚI - NÓNG