Ngày trở về với đồng đội

Ông Phạm Xuân Tình- người đã cố gắng liên hệ với cơ quan chức năng để cất bốc các mộ liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Lam
Ông Phạm Xuân Tình- người đã cố gắng liên hệ với cơ quan chức năng để cất bốc các mộ liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Lam
TP - “Chúng tôi vừa thút thít khóc, vừa lượm nhặt, khênh thi thể của 17 chiến sỹ vừa bị bom đạn đánh trúng hy sinh, rồi đưa các anh về nghĩa trang trước khi trời sáng kẻo địch phát hiện”. Đứng trước những hài cốt, di vật của các liệt sĩ vừa được cất bốc, bà Lê Thị Thuyết (một trong những nhân chứng) kể.

Những nữ thanh niên gom xác, đào huyệt

Cách đây chừng hơn 2 tháng, bà Lê Thị Thuyết (75 tuổi), ở thôn 3, xã Hà Ninh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) được cơ quan chức năng mời gặp trao đổi về sự kiện hơn 48 năm về trước. Nguyên là cán bộ xã Hà Ninh, một trong những địa điểm phía Bắc cầu Đò Lèn liên tục bị phía địch ném bom, bắn phá, khi được hỏi lại sự kiện ngày 17/6/1967 bà Thuyết không khỏi ngạc nhiên, bà nói: “Tôi luôn nghĩ các liệt sĩ năm ấy đã được thân nhân đón nhận về. Ai ngờ, gần 50 năm, các anh vẫn nằm đó, không bia mộ, hương khói của người thân”.

Bà Thuyết nguyên là Bí thư Đoàn xã Hà Ninh (từ năm 1967- 1969) sau đó làm cán bộ Đảng ủy xã rồi về hưu. Chải vuốt mái tóc đã nhuộm bạc, có phần mệt mỏi, bà kể: “Khoảng 3h sáng ngày 17/6/1967, chúng tôi nhận được tin báo có một xe ô tô chở bộ đội bị trúng bom tại khu vực phía Bắc cầu Đò Lèn, thuộc địa bàn xã Hà Phong, huyện Hà Trung. Nhận chỉ đạo trực tiếp từ cán bộ huyện, xã về việc đưa thi thể của các chiến sỹ đã hy sinh về chôn cất tại nghĩa trang Hà Phong. Bấy giờ, nhân dân ở xã Hà Phong, Hà Ninh và một số vùng lân cận đã đi sơ tán, tránh bom, đạn ở các vùng trong núi nên chỉ còn một số lực lượng được giao nhiệm vụ ở lại địa bàn. Sau tiếng kẻng tập trung, hàng chục người (chủ yếu là nữ thanh niên, dân quân) đã tập hợp lại, di chuyển về hiện trường xe bị đánh bom (cách hơn 1km). Mỗi người một việc, người đi gom hòm ván, người đi gom vải liệm tập kết tại nghĩa trang Lăng (xã Hà Phong).

“Chúng tôi có mặt tại hiện trường sau khi sự việc xảy ra chừng 20 phút. Đó là hình ảnh chiếc xe ô tô bị nổ tung, bốc cháy, nhiều chiến sỹ bị văng khỏi xe, nằm bên đường; một số tử vong ngay trên xe. Cả 17 thi thể còn khá nguyên vẹn”- bà Thuyết kể tiếp.

Phần lớn, những người tham gia di chuyển thi thể các liệt sĩ là nữ thanh niên. Nhiều người thút thít khóc thương các anh, vừa nhanh tay gom thi thể để đưa về nghĩa trang trước 6h sáng để tránh sự phát hiện của địch. Khi đưa về đến nghĩa trang, thi thể các liệt sĩ được ngụy trang, có người canh giữ. Đến 16h chiều cùng ngày, mọi người lại tập trung đào huyệt, khâm liệm, chôn cất các anh cho đến 21h tối mới nghỉ. Đến 3h sáng ngày hôm sau, mọi người lại tiếp tục đắp mộ hoàn chỉnh cho các anh xong trước 6h sáng.

Yên lòng người ở lại

Đúng 48 năm sau, ngày 17/6/2015, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa phối hợp với cơ quan chức năng đi khảo sát thông tin về 17 ngôi mộ là bộ đội, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu bị trúng bom của máy bay Mỹ thả tại thị trấn Đò Lèn. Trong khoảng thời gian ấy, có một người mang nỗi day dứt, canh cánh đi tìm lời giải để đưa các liệt sĩ về với đồng đội đó là ông Phạm Xuân Tình- chủ nhân của mảnh đất nơi các liệt sĩ nằm.

“Gần đây, tôi nghe nói Nhà nước có kế hoạch làm cầu vượt qua vị trí các anh nằm. Sợ mãi mãi không ai tìm thấy các anh, tôi quyết tâm đi  hỏi han, tìm các nhân chứng để hỏi chuyện năm ấy. Rất may, một số người trực tiếp chôn cất liệt sĩ vẫn còn sống. Họ đều nghĩ, các liệt sĩ đã được quy tập nên không nhắc đến sự kiện đó. Cách đây hơn 2 tháng, sau khi có một số thông tin, tôi nhờ người thân liên hệ với chương trình “Đi tìm đồng đội” của truyền hình Quốc phòng Việt Nam và đã được hồi đáp”- ông Tình cho biết thêm.

Những ngày cơ quan chức năng thực hiện cất bốc hài cốt các liệt sĩ tại khu ao sen của gia đình ông Phạm Xuân Tình, chẳng ai bảo ai, người dân địa phương tìm đến thắp nén hương như một sự tri ân. Còn ông Phạm Xuân Tình như giải tỏa được khối tâm tư nặng trĩu trong lòng bấy lâu nay.

Qua thời gian, hiện nay, một số quân nhân chôn cất năm đó thuộc phần đất của gia đình ông Phạm Xuân Tình (Tiểu khu 4, thị trấn Hà Trung) quản lý từ năm 1987 đến nay. Năm 1989, có một gia đình đi tìm mộ liệt sĩ, gia đình căn cứ vào giấy báo tử đến khu vực này tìm kiếm và đã quy tập 1 ngôi mộ liệt sĩ tên Nguyễn Văn Ngung (quê quán: Kim Bảng, Hà Nam). Từ đó cho đến nay, 16 ngôi mộ còn lại chưa được quy tập.

“Mặc dù cơ quan chức năng đã có những thông tin về số mộ liệt sĩ trên, tuy nhiên, do những cán bộ địa phương thời điểm đó người còn người mất; đơn vị của các chiến sỹ hy sinh đã giải thể; địa giới hành chính thay đổi nên đến ngày 24/8/2015, đơn vị chức năng mới cất bốc, để thực hiện quy tập các liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Trung. Theo xác minh các liệt sĩ thuộc Sư đoàn 305, Đoàn 55. Sau 2 ngày thực hiện, cơ quan chức năng đã hoàn thành cất bốc 16 hài cốt, di vật còn lại của các liệt sĩ đưa về nhà quản trang của Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Trung để làm lễ cầu siêu, truy điệu và an táng” - Trung tá Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng ban Chính sách (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) cho biết.

Dù còn những điều day dứt, nhưng giờ đây ông Tình cũng như những người trực tiếp gom thi thể, chôn các liệt sĩ đã cảm thấy an lòng khi các liệt sĩ đã được đưa về cùng đồng đội!

Hiện nay, 16 hài cốt, di vật còn lại của các liệt sĩ đang được để ở nhà quản trung (Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Trung, Thanh Hóa) để trông coi, hương khói. Theo kế hoạch, đêm 30/8, cơ quan chức năng tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ. Sáng 31/8, sẽ làm lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ.

MỚI - NÓNG