Nghi vấn tên lửa Triều Tiên 'không hoành tráng như tuyên bố'

Đài NHK của Nhật Bản ghi lại được hình ảnh tên lửa Hwasong-14 bay trên bầu trời Nhật Bản trước khi lao xuống biển.
Đài NHK của Nhật Bản ghi lại được hình ảnh tên lửa Hwasong-14 bay trên bầu trời Nhật Bản trước khi lao xuống biển.
TPO - Ngày 1/8, các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc cùng phân tích hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (IBCM) lần 2 và nghi ngờ khả năng nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng khi đạt tới mục tiêu.

Phân tích dữ liệu Đài truyền hình Nhật Bản NHK ghi thời khắc tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên bay trên bầu trời Nhật Bản hồi cuối tuần trước, các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc nhận định biết "dường như nổ tung trước khi lao xuống biển".

Theo các chuyên gia, ICBM của Triều Tiên chưa thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng khi chạm mục tiêu. Nhìn vào những hình ảnh do đài NHK ghi lại, tên lửa đã không thể tồn tại bởi sức nóng và áp lực cực cao sau khi xuyên qua bầu khí quyển Trái đất. 

 Sự thất bại này cũng đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm đối với Hwasong-14 để đảm bảo đầu đạn hạt nhân có thể tồn tại khi chạm tới mục tiêu.

Phân tích số liệu từ cuộc thử ICBM thứ hai, các chuyên gia thừa nhận, tên lửa Triều Tiên có thể đạt tới lục địa Mỹ, bao gồm cả Los Angeles và Chicago. Tuy nhiên, việc Triều Tiên có thể trang bị tên lửa với đầu đạn hạt nhân được bảo toàn trong suốt hành trình bay tới khi tới mục tiêu lại là vấn đề hoàn toàn khác. 
 
Chuyên gia tên lửa của Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ Michael Elleman kết luận, Hwasong-14 đã "tan rã" trước khi rơi xuống biển.

Trong một bài báo trên trang web 38 North, ông Elleman cho rằng, đoạn video có một đốm sáng rực ở độ cao 4-5km, sau đó mờ dần và nhanh chóng biến mất ở độ cao 3-4 km trước khi bay ngang một dãy núi.

Ông nhận định, nếu có thể  tồn tại, nó phải tiếp tục phát sáng cho đến khi biến mất sau ngọn núi. "Một kết luận hợp lý dựa trên bằng chứng video là Hwasong-14 không tồn tại trong lần kiểm tra thứ hai. Nếu đánh giá này phản ánh chính xác thực tế thì có thể thấy rằng, các kỹ sư Triều Tiên vẫn chưa nắm được các kỹ thuật tái nhập bầu khí quyển và vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi Triều Tiên có được ICBM có khả năng tấn công lục địa Mỹ", ông Elleman nói.

Đến nay, vẫn chưa ai có thể biết được đầu đạn hạt nhân sẽ hoạt động như thế nào nếu Triều Tiên phóng tên lửa thật. Cả hai lần Bình Nhưỡng thử nghiệm ICBM, tên lửa bay gần như theo phương thẳng đứng, có nghĩa là tên lửa phải chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn trong suốt thời gian rơi xuống.

Ông Kim Dong-yub, nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam, Seoul, cho rằng, rõ ràng Triều Tiên vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình với công nghệ tái nhập và có thể sẽ tập trung hoàn thiện chúng trong những cuộc thử nghiệm trong tương lai.

Mặc dù Triều Tiên tuyên bố vụ phóng ICBM lần thứ 2 thành công và mô tả tên lửa "rơi xuống vùng biển mục tiêu trên biển", nhưng ông Kim cho rằng, có lẽ đó không phải là kết quả lý tưởng mà các kỹ sư của Triều Tiên mong muốn vì đầu đạn hạt nhân thường được thiết kế để phát nổ ở độ cao thấp trước khi xảy ra va chạm.

Ông Kim nhận định: "Xem xét chi phí và nỗ lực mà họ đưa vào các cuộc thử nghiệm, Triều Tiên có thể đã cố gắng kích nổ tên lửa. Họ dường như thất bại trong lần này, nhưng có thể tập trung vào khía cạnh này trong các cuộc thử nghiệm trong tương lai".

Theo AP
MỚI - NÓNG