Nghĩa tình Vị Xuyên

Đoàn viên, thanh niên Vị Xuyên dâng hương, hoa lên mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên. Ảnh: Trường Phong.
Đoàn viên, thanh niên Vị Xuyên dâng hương, hoa lên mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên. Ảnh: Trường Phong.
TP - Ở Vị Xuyên (Hà Giang), không khó để tìm được những cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống kẻ thù bên kia biên giới.

Thời gian đã qua đi, những vết thương trong lòng người sống vẫn đau nhói khi nhớ về chiến trường, đồng đội. Nhưng, họ được an ủi phần nào bởi những hành động nghĩa tình của thế hệ trẻ của một vùng đất anh hùng...

Tổ quốc gọi thì mình cứ đi thôi…

Dọc theo con đường ngoằn ngoèo ở thôn Nà Riềm, xã Linh Hồ (Vị Xuyên, Hà Giang), phóng viên tìm đến nhà ông Đường Quang Vảng. Ông Vảng sinh năm 1954, từng chiến đấu chống kẻ thù bên kia biên giới ở mặt trận tỉnh Cao Bằng. Ông Vảng kể, lúc đó, khi đang học trung cấp giao thông vận tải tỉnh Bắc Thái thì ông nhận được lệnh lên đường. “Hồi đó tôi đang học dở năm thứ 3. Tôi đi tháng 8/1976 và đóng ở trên Cao Bằng. Ác liệt lắm”, ông Vảng nhớ lại.

Ông Vảng kể, giặc vào Cao Bằng rồi đánh ngược lại, hướng về phía biên giới. Chúng rất liều mạng, dù phải chết bao nhiêu người thì chúng cũng phải tìm đường về bằng được. Hết ngày này đến ngày khác, còn bao nhiêu súng đạn, chúng vương vãi, bắn hết. “Cứ cách 5 – 10km chúng lại đặt thuốc nổ để phá đường của mình vì sợ bị đuổi theo sau. Lúc đó, bộ đội chủ lực của mình từ Campuchia về, quân đoàn 2 đã nhảy dù xuống đèo Giàng, đèo Gió. Vũ khí cũng đã vận chuyển lên nhưng không kịp vì chúng đã rút rồi”, ông Vảng kể.

Để giữ vững bình yên cho quê hương, Tổ quốc, nhiều đồng đội của ông Vảng đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương. Bản thân ông phục viên năm 1985, là thương binh hạng 4/4, đến nay vẫn chưa có dịp thăm lại chiến trường xưa vì xa xôi cách trở và điều kiện không cho phép.

Đến bây giờ, ông Trương Văn Đau, sinh năm 1960, ở Vị Xuyên, vẫn nhớ chính xác ngày nhập ngũ, thậm chí khoảng thời gian ông bị thương, dù còn nhiều mảnh đạn nhỏ nằm trong đầu ông mấy chục năm nay. Ông Đau kể, ông nhập ngũ ngày 15/5/1978, sau khi huấn luyện xong thì chuyển vào trong Lao Chải. 5h sáng ngày 22/2/1979, bắt đầu đánh nhau và đến 9h thì ông bị thương. “Lúc đó có một đồng chí cạnh tôi hy sinh, tôi thì bị thương. Một đồng đội cứu được tôi và chôn cất cho cả đồng chí kia nữa”, ông Đau nhớ lại.

Người đồng đội của ông Đau quê ở Bắc Quang (Hà Giang) đã vất vả tìm kiếm thông tin về ông 8 năm qua và mới có dịp gặp lại gần đây. “Bây giờ đồng đội còn nằm ở trên biên giới chưa về được. Tôi với đồng chí ở Bắc Quang bảo phải đưa bạn về được thì mới an tâm. Cuối năm chúng tôi sẽ lên lại chiến trường xưa xem thế nào”, ông Đau nói. Cũng thông qua người bạn chiến đấu năm xưa, ông Đau gặp lại được 5 – 6 người ngày trước cùng đơn vị. “Hồi đó chúng tôi cung đơn vị nhưng không biết nhau nhiều. Chỉ biết lúc tôi bị thương là người thứ 50. Hy sinh bao nhiêu thì tôi cũng không biết”, ông Đau nói thêm.

Trở về với một phần thân thể nằm lại nơi chiến trường, ông Đau được xác định là thương binh hạng 2/4, mỗi tháng được hơn 3 triệu tiền chế độ. Về được một năm, ông mới lấy vợ, sinh con. “Tôi bị thương hồi mới 19- 20 tuổi. Lúc vào chiến trường đã biết yêu đâu. Về hơn một năm mới lập gia đình”, ông Đau cười. Đến nay, con trai ông đã lập gia đình và sinh cháu. Năm 2012, gia đình làm được nhà khang trang hơn. Ông Đau nhiều lần lên nghĩa trang Vị Xuyên, xót xa khi thấy nhiều ngôi mộ vẫn vô danh. Mặt trận Vị Xuyên ngày ấy rất ác liệt, có người ra chiến trường 1 - 2 tháng đã hy sinh. “Lên nghĩa trang thấy nhiều bia mộ chỉ 16 - 17 tuổi, ngày hy sinh rất gần ngày nhập ngũ. Có người vừa huấn luyện xong lên chiến trường đã hy sinh rồi. Vào đơn vị có khi còn chưa biết tên nhau, nhưng Tổ quốc gọi thì mình cứ đi thôi”, ông Đau nói.

Đền ơn, đáp nghĩa

Những trường hợp như ông Vảng, ông Đau và nhiều thương, bệnh binh khác ở Vị Xuyên đều nhận được sự tri ân, biết ơn của thế hệ đi sau. Như trường hợp gia đình ông Đau được đoàn viên, thanh niên phối hợp với các đơn vị đổ đường bê tông vào tận sân nhà vì biết ông đi lại khó khăn. Ngoài ra, mỗi dịp 27/7, tuổi trẻ Vị Xuyên lại phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Theo lãnh đạo Huyện Đoàn Vị Xuyên, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tuổi trẻ Vị Xuyên phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động thăm khám, phát thuốc cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, đặc biệt, tổ chức nhiều chương trình tri ân hướng tới giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chiều 26/7, hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên địa phương mang hương hoa, nến thơm đến Nghĩa trang Vị Xuyên chuẩn bị chương trình thắp nên tri ân các anh hùng liệt sĩ. Từng bạn trẻ cẩn thận đi đến từng ngôi mộ đặt nến, dâng hoa và đốt hương. Em Cù Thị Bích, sinh năm 2000, học sinh trường THPT Việt Lâm, có ông từng tham gia kháng chiến. Tham gia thắp nến tri ân, Bích càng thấu hiểu những mất mát, hy sinh của những anh hùng liệt sĩ. “Em nghĩ rằng, qua hoạt động này, mình cũng học được nhiều điều về sự dũng cảm, kiên cường của các thế hệ ông cha”, Bích nói.

Nguyễn Thị Huế, sinh viên ĐH Khoa học Thái Nguyên tranh thủ dịp nghỉ hè về quê cùng các anh, các chị đoàn viên, thanh niên Vị Xuyên tham gia thắp nến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. “Em cũng đi tình nguyện nhiều, đã tham gia các lễ thắp nến tri ân ở nhiều nơi, nhưng Vị Xuyên thì đặc biệt vì đây là quê hương em. Đây là hành động nhỏ để tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh tuổi xuân, thậm chí là xương máu để quê hương yên bình như hôm nay”, Huế nói.

Ngay trước lễ thắp nến tri ân các liệt sĩ diễn ra tại Nghĩa trang Vị Xuyên, chiều 26/7, Đoàn công tác do Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải đã đi thăm hỏi, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Toóc (75 tuổi), người dân tộc Tày, ở thôn Châng, xã Phương Thiện, TP Hà Giang. Bà Toóc có chồng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hiện chưa tìm thấy hài cốt. Chồng hy sinh, bà Toóc một mình nuôi 3 con nhưng mới đây, người con trai thứ hai đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Hiện bà Toóc ở cùng con trai út, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đoàn cũng đến thăm, tặng quà bà Vũ Thị Hồi (70 tuổi), tổ 12, phường Minh Khai, TP Hà Giang, có chồng là liệt sĩ Trần Quang Trung, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ chưa tìm thấy hài cốt.

MỚI - NÓNG