Người chuyên giải mã những bức điện tối mật

Người chuyên giải mã những bức điện tối mật
TP - Ông đã cùng đồng đội thu và giải mã nhiều bức điện tối mật chứa đựng các thông tin tình báo quan trọng của địch, góp phần làm thay đổi cục diện cuộc chiến, giảm tổn thất xương máu cán bộ chiến sỹ và làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Súng gươm vứt bỏ...

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Cương Trực ở ngoại ô TP. HCM. Ông sống một mình trong căn nhà sàn bên dòng sông Cầu Trạm. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông từng ao ước nếu sống sót sẽ cất một căn nhà nhỏ ven sông để sống cùng hương đồng gió nội như thời thơ ấu nhưng cuộc sống bộn bề cùng với nhiều biến cố đã xảy ra.

Ông Trực nhớ lại: “Sau giải phóng, tôi làm trưởng Ban Nghiên cứu thuộc Phòng Quân báo Quân khu 7 và thuộc diện cán bộ quy hoạch, được đi học Học viện Quân sự, cùng khoá 18 với Trung tướng Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh Quân khu 9”.

Người chuyên giải mã những bức điện tối mật ảnh 1

Ông Nguyễn Cương Trực (hàng ngồi, người đầu tiên bên trái) tại hội nghị quân chính tiểu đoàn 63 lực lượng trinh sát kỹ thuật.

Thường làm việc cường độ cao, ông bị tai biến khi vừa qua tuổi 40. Hai lần suýt chết vì bom B52, B59 trong chiến tranh, bệnh tật thời bình khó quật ngã ông nhưng do sức khỏe không còn đảm bảo, ông xuất ngũ, chuyển về Sở Văn hóa Thông tin TPHCM rồi làm giám đốc xí nghiệp phim. Được vài năm, nhận thấy điện ảnh không phù hợp, ông Trực xin chuyển sang bưu điện và công tác đến tuổi nghỉ hưu.

Năm 2006, ông Trực xuống xã Quy Đức (huyện Bình Chánh, TPHCM) khai hoang rẻo đất hơn 2.000 m2 ven sông. Đất bị nhiễm phèn, trồng cây gì cũng chết. Sau mười năm quần quật đào mương tháo nước rửa phèn, khu vườn giờ đã xanh um. Dừa và nhiều loại cây ăn quả như xoài, mận, chanh,… đã cho trái.

“Tôi tên thật là Huỳnh Văn Cẩm, sinh năm 1947 ở huyện Ba Tri (Bến Tre), gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1927, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác tôi là tỉnh uỷ viên, bị địch bắt đày, hy sinh ở Côn Đảo. Ba tôi là chính trị viên đại đội 885 (Trung đoàn 99) hy sinh khi tôi mới tròn một tuổi. Tôi lên 5 thì bà nội (được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) đem về nuôi. 15 tuổi, thoát ly gia đình. 16 tuổi được kết nạp Đảng và được đặt bí danh Cương Trực.

Vợ của ông là bác sỹ Phạm Thị Nguyệt Ánh, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông Trực kể: “Tôi tên thật là Huỳnh Văn Cẩm, sinh năm 1947 ở huyện Ba Tri (Bến Tre), gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1927, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác tôi là tỉnh ủy viên, bị địch bắt đày, hy sinh ở Côn Đảo. Ba tôi là chính trị viên đại đội 885 (Trung đoàn 99) hy sinh khi tôi mới tròn một tuổi. Tôi lên 5 thì bà nội (được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) đem về nuôi. 15 tuổi, thoát ly gia đình. 16 tuổi được kết nạp Đảng và được đặt bí danh Cương Trực".

Ông Trực được cử đi học trường thông tin VTĐ (vô tuyến điện) của Miền và được tuyển chọn về B29 - đơn vị trinh sát kỹ thuật đầu tiên của Phòng quân báo Miền.

Những cuộc đối mặt nghẹt thở

Nhiệm vụ của B29 là thu thông tin tình báo của quân đội Sài Gòn phát lên không gian bởi nếu không biết kế hoạch hành quân, kế hoạch đánh bom B52 thì tổn thất sẽ không lường được. Cơ quan đầu não khó tránh khỏi thiệt hại. Các trinh sát kỹ thuật thu thông tin qua điện đài của lực lượng không quân, pháo binh quân đội Sài Gòn. Kế hoạch tác chiến của địch có khi thu được trước giờ G 6 tiếng. Thời gian ngắn ngủi giúp các đơn vị kịp thời di chuyển khỏi các tọa độ của B52, trận địa pháo của địch.

Chiến thắng Bình Giã cuối năm 1964 đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, đánh dấu quân ta chuyển từ lối đánh nhỏ sang đánh lớn. Tháp tùng Bộ Chỉ huy tiền phương đi chiến trường, ông Trực đã thu được bức điện đặc biệt quan trọng, được mã hóa, thông tin chi tiết về kế hoạch đánh Bình Giã của địch với mật danh “Z” (tối khẩn) - độ khẩn cao nhất. Quan trọng nữa là các nhóm mã ba chữ liền và đi sau là /HQ, tức hành quân.

Hôm đó thời tiết xấu, tín hiệu bị nhiễu. Quá trình thu nhận thông tin là một cuộc đấu trí căng thẳng. Khi báo độ khẩn Z, địch đánh mật danh “đổi sóng” thay đổi tần số để đối phó với các trinh sát kỹ thuật. Nếu không hoặc thậm chí chậm dò được tần số mới, nhiều nội dung quan trọng của bức điện sẽ không thu được. Tình hình nguy cấp, ông Trực báo với ông Thủy kiếng. Hai người phân vùng dải tần rồi chăm chú rà tìm. Rà một lần không thấy, tim ông Trực như bị bóp nghẹt, mồ hôi túa ra.

Rà lại lần thứ hai, cả người ông Trực căng như dây đàn. Bất chợt, ông nghe tiếng manip văng vẳng. Đó là mạng hành quân của Quân đoàn 3. Tìm được tần số vừa đúng lúc địch thông báo “phát điện”. Cả hai người tập trung nhận thông tin rồi ráp nối với nhau để hoàn chỉnh. Bức điện dài 2 tờ giấy pơ luya, thể hiện chi tiết tọa độ XT của xã Bình Giã, GMC (xe chở quân), thời điểm đổ quân, trực thăng vận…

Lực lượng báo vụ của địch hầu hết đều được đào tạo rất bài bản, đánh mã rất nhanh, nhưng tên hôm ấy là đối thủ nhanh nhất mà ông Trực từng đối mặt. Nhờ thu được bức điện, Bộ chỉ huy tiền phương lên kế hoạch tác chiến tiêu diệt chi đoàn thiết giáp số 3 gồm 14 chiếc M113, đánh tan tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến cùng hai tiểu đoàn biệt động quân của địch.

Trong chiến dịch Bình Long - An Lộc, trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Theo thông tin từ lực lượng trinh sát mặt đất, tên chỉ huy là đại tá Lê Văn Hưng đã rút chạy nên các đơn vị vây hãm quyết xóa sổ tiểu khu Bình Long. Địch cho máy bay thả bom gây thương vong khá nặng nề cho quân ta.

Người chuyên giải mã những bức điện tối mật ảnh 2

Bức điện thu được của địch năm 1971 thông tin chi tiết về kế hoạch đánh sang Campuchia.

Ông Trực thu được bức điện của địch thể hiện đại tá Hưng còn nấp dưới hầm ngầm và báo tọa độ cho B52 rải bom. Thông tin được báo lên và bộ chỉ huy tiền phương lập tức thay đổi chiến thuật. Dù địch sử dụng nhiều chiêu thức đối phó nhưng không thể qua mắt các chiến sỹ đại đội 1 trinh sát kỹ thuật do ông Trực chỉ huy. Những bức điện quan trọng thu được về kế hoạch không vận của địch giúp Bộ tư lệnh Miền biết trước kế hoạch hành quân Chenla 1, Chenla 2 của quân đội Sài Gòn đánh sang Campuchia hay kế hoạch hành quân Lam Sơn 719 đánh lên đường 9 Nam Lào cũng như kế hoạch cho B52 rải bom đánh vào các căn cứ Sóc Thiết, Lò Gò, Xóm Giữa, Hố Bò, Bời Lời…và các trục đường hành quân hòng ngăn chặn, chia cắt, bao vây các đơn vị bộ đội năm 1968. 

Ông Trực còn là người thu được bức điện chi tiết kế hoạch hành quân của địch, góp phần giải phóng chi khu Đồng Xoài, tiêu diệt tiểu đoàn 7 dù của Sài Gòn. Càng về cuối cuộc chiến, cuộc đấu trí giữa lực lượng tình báo kỹ thuật hai bên càng căng thẳng. Để đối phó, các đài địch chuyển sang sử dụng siêu tần số hoặc đường dây nóng nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Thấy mấy ngày liền không thu được thông tin, ông Trực rà tìm và phát hiện mạng bưu điện phát trên tần số 8000 Khz.

Sáng 28/4/1975, ông Trực vui mừng khi thu được nhiều thông tin quan trọng như: “Giới kaki đã di tản khỏi vùng 1”, “Sĩ quan, binh lính Việt Nam cộng hòa đã di tản khỏi Tuy Hòa, trên đường số 7 xe cộ chen nhau hỗn loạn, …”, “Giới kaki đã tùy nghi di tản khỏi Tuyên Đức, trường Võ Bị vắng hoe không còn bóng người. Đà Lạt bây giờ hiu quạnh lắm”…

Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, vào tiếp quản máy móc, thiết bị của trung tâm tình báo kỹ thuật thuộc phòng 2, Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, ông Trực phát hiện địch cũng tổ chức theo dõi và thu nhiều bức điện của quân giải phóng.

MỚI - NÓNG