Nhật muốn bán vũ khí cho ASEAN

Xe tăng Type 10 tối tân của Nhật Bản tham gia diễn tập. Ảnh: Getty Images
Xe tăng Type 10 tối tân của Nhật Bản tham gia diễn tập. Ảnh: Getty Images
TP - Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản vừa quyết định mời quan chức ngoại giao và quốc phòng các nước ASEAN tháng sau tham dự hội thảo về vấn đề Nhật Bản xuất khẩu trang bị quốc phòng cho thành viên khối này.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chính thức thảo luận với các nước ASEAN vấn đề xuất khẩu vũ khí, kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí. Nhật Bản sẽ lắng nghe các yêu cầu liên quan hợp tác công nghệ của các nước ASEAN có kế hoạch phát triển quốc phòng, đồng thời giới thiệu và tìm cách bán sản phẩm của nước này. 

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đưa tin, cuộc hội thảo trong tháng 9 tới tại Tokyo sẽ tập trung vào chủ đề “an ninh hàng hải”, các quan chức Nhật Bản sẽ trình bày vấn đề “máy bay và tàu Nhật Bản có thể hỗ trợ an ninh các quốc gia ASEAN như thế nào”. 

Nhật Bản nhận định, tình thế quốc phòng mới của nước này “sẽ được cải thiện nếu các nước ASEAN tăng cường khả năng ngăn ngừa trước thái độ ngày càng hung hăng trên biển của Trung Quốc”, The Diplomat viết. 

Luật mới về bán vũ khí của Nhật Bản đòi hỏi phải có thỏa thuận về chuyển giao trang thiết bị quân sự, trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào về trang bị quốc phòng hay công nghệ. Theo The Diplomat, một số nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Philppines có thể sẽ nhanh chóng ký thỏa thuận với Nhật Bản để bắt đầu nhập thiết bị quân sự, đặc biệt là tàu tuần tra.

Báo Nhật Bản Sankei Shimbun nhận định, Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự với ASEAN nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực và tăng cường hoạt động trên biển. Hãng tin Nhật Bản Jiji Press cho rằng, hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và các nước ASEAN đang từng bước thúc đẩy “chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản và quan điểm “trật tự hàng hải phải được kiểm soát bởi luật pháp quốc tế chứ không phải sức mạnh cưỡng bức”.

Bắt tay Úc, Anh, Mỹ

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc củng cố những lợi ích thiết thực của đạo luật mới cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quân sự, sau khi chính phủ của Thủ tướng Abe diễn giải lại quyền phòng vệ tập thể. Nhật Bản đặc biệt tận dụng cơ hội này để triển khai toàn diện việc sản xuất, phát triển các loại vũ khí của mình, tạo ra thị trường xuất khẩu khu vực hỗ trợ công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, rèn luyện lực lượng đổ bộ mới thành lập đủ năng lực bảo vệ những hòn đảo xa xôi, được hoạch định trong chính sách phòng vệ tập thể mới.

Tháng 7, Nhật Bản và Úc ký kết thỏa thuận về việc Nhật Bản sẽ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm lớp Soryu cho Úc. Nhật Bản đã phê chuẩn xuất khẩu linh kiện tên lửa cho doanh nghiệp Mỹ, hợp tác cùng Anh nghiên cứu phát triển tên lửa Meteor, trang bị cho máy bay chiếc đấu Eurofighter của châu Âu. Nhật Bản cũng đang tích cực đàm phán để đạt được hiệu quả thực chất việc xuất khẩu thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ, khi Thủ tướng Narendra Modi thăm Nhật Bản tháng 9 tới.

Theo The Diplomat, bên cạnh nỗ lực mở rộng thị trường cho vũ khí Nhật Bản, Bộ Quốc phòng nước này còn thông báo lập một quỹ tài trợ cho các trường đại học cùng nghiên cứu các dự án phát triển công nghệ quốc phòng mới. Quỹ này hoạt động từ năm 2015 và sẽ tăng lên 6 tỷ yên (40 triệu USD) trong 3 năm tới. Quỹ dựa trên mô hình các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Mỹ, nhằm phát triển các dự án hợp tác hàng không và công nghệ radar giám sát. 

Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 20/8 đưa tin, hải quân và không quân Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên trên biển Hoa Đông. Cuộc diễn tập có sự tham gia của hạm đội Đông Hải và một đơn vị máy bay chiến đấu tinh nhuệ của không quân Trung Quốc. 

Đợt tập trận nhằm rèn luyện chiến đấu thông qua các cuộc chạm trán thực tế, chứ không phải các kịch bản sắp đặt, để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh tranh chấp trên biển leo thang. 

Cuộc tập trận phản ánh chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Diễn tập sát hơn với thực tế chiến đấu. Theo nhà phân tích quân sự Antony Wong Dong, cuộc tập trận này rõ ràng cảnh báo Nhật Bản và Mỹ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.