Những chiến đấu cơ vô cùng uy lực của Mỹ

F-4 Phantom. Ảnh: Washington Times
F-4 Phantom. Ảnh: Washington Times
Mang tên theo một loài chim săn mồi, máy bay tấn công mặt đất AV-8B Harrier II của Mỹ có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn.

F-4 Phantom

McDonnell Douglas F-4 Phantom II là máy bay phản lực đánh chặn, ném bom, siêu thanh tầm xa, 2 động cơ, 2 chỗ ngồi, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, do công ty McDonnell Aircraft chế tạo. F-4 bắt đầu hoạt động trong Hải quân Mỹ từ năm 1960, theo Washington Times.

Với khả năng thích ứng cao, nó cũng được lực lượng Thủy quân Lục chiến và Không quân Mỹ sử dụng, và đến giữa những năm 1960, F-4 trở thành lực lượng quan trọng trong các phi đội bay của Lầu Năm Góc.

Phantom là máy bay chiến đấu cỡ lớn với tốc độ tối đa hơn Mach 2,2. Phi cơ có thể mang theo 8,4 tấn vũ khí trên 9 giá treo bên ngoài, bao gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất cùng các loại bom khác.

Giống những máy bay đánh chặn khác cùng thời, F-4 không được trang bị pháo. Những biến thể sau mới được tích hợp một khẩu pháo M61 Vulcan.

Năm 1959, F-4 thiết lập 15 kỷ lục thế giới về hiệu suất bay, trong đó có kỷ lục về tốc độ và bay ở độ cao tuyệt đối. Phi cơ này từng được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam.

F-4 góp phần tạo nên sức mạnh của Không quân Mỹ trong suốt thập niên 70 và 80. Sau đó, chúng dần bị thay thế bằng các máy bay hiện đại hơn như F-15 Eagle, F-16, Grumman F-14 Tomcat và Hornet F/A-18.

F-14 Tomcat

Grumman F-14 Tomcat là chiến đấu cơ siêu âm, 2 động cơ, 2 chỗ ngồi, cánh cụp cánh xòe. F-14 cất cánh lần đầu tháng 12/1970.

Trong suốt thời gian phục vụ trong Hải quân Mỹ (1972-2006), nó là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trong nhiệm vụ trinh sát chiến thuật, ném bom và đánh chặn.

Những chiến đấu cơ vô cùng uy lực của Mỹ ảnh 1

F-14 Tomcat. Ảnh: AP.

F-14 từng được xuất khẩu cho Vương quốc Iran năm 1976, khi đó vẫn là đồng minh của Mỹ. Về sau, số máy bay này được Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran tiếp quản và sử dụng đến năm 2006. Tuy nhiên, lúc đó chúng đều đã cũ và không có phụ tùng thay thế.

Trong cuộc chiến Iraq - Iran (1980-1988), các máy bay F-14 của quân đội Iran bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của quân đội Iraq.

Trong 30 năm qua, F-14 Tomcat góp phần duy trì ưu thế trên không của Mỹ.

A/V-8B Harrier II

McDonnell Douglas (nay là Boeing) AV-8B Harrier II là máy bay tấn công mặt đất một động cơ. Được thiết kế vào cuối những năm 1970, loại máy bay này có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn (V/STOL).

Những chiến đấu cơ vô cùng uy lực của Mỹ ảnh 2

A/V-8B Harrier II. Ảnh: Washington Times.

Mang tên theo một loài chim săn mồi, AV-8B Harrier II chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công hạng nhẹ hoặc đa nhiệm, từ hỗ trợ trên không cho các lực lượng mặt đất tới trinh sát vũ trang.

AV-8B được Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC), Hải quân Tây Ban Nha và Hải quân Italy sử dụng.

A-10 Thunderbolt

A-10 Thunderbolt II là máy bay phản lực cánh thẳng, 2 động cơ do Fairchild-Republic phát triển đầu những năm 1970.

Được thiết kế dành riêng cho Không quân Mỹ để hỗ trợ lực lượng mặt đất ở cự ly gần, A-10 có khả năng tấn công xe tăng, xe bọc thép và mục tiêu mặt đất khác trong điều kiện phòng không bị giới hạn.

Khi nghiên cứu và chế tạo phi cơ mới chuyên thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cận chiến từ trên không, Không quân Mỹ đặt ra tiêu chí máy bay phải có trọng tải vũ khí lớn, buồng lái bọc thép, có khả năng bay chậm và thấp để đạt độ chính xác cao nhất, và thời gian bay bao vùng lâu.

Đặc biệt, phi cơ này được chế tạo riêng để sử dụng loại súng mới GAU-8 Avenger. Đây là súng máy kiểu Gatling 7 nòng, bắn đạn 30 mm với tốc độ lên đến 4.200 viên một phút (tức trong một giây bắn 70 viên đạn).

GAU-8 Avenger cũng là hỏa lực chính để chống xe tăng của A-10, thay bom hay hỏa tiễn vì nó đơn giản, nhanh, mạnh và rẻ.

Những chiến đấu cơ vô cùng uy lực của Mỹ ảnh 3

A-10 Thunderbolt. Ảnh: Washington Times.

Mỹ đang có kế hoạch thay thế loại máy bay này trước hạn để tiết kiệm chi phí và dựa vào những máy bay chiến đấu hiện có như F-15 Strike Eagle và F-16 Fighting Falcon để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất.

F/A-18 Hornet

McDonnell Douglas (hiện tại là Boeing) F/A-18 Hornet là máy bay phản lực chiến đấu đa nhiệm, siêu thanh, 2 động cơ có khả năng hoạt động trên tàu sân bay trong mọi điều kiện thời tiết. Ngoài ra, nó có khả năng chiến đấu và tấn công các mục tiêu mặt đất.

Do McDonnell Douglas và Northrop thiết kế, F/A-18 xuất xứ từ mẫu YF-17 của Northrop trong thập niên 70 và được sản xuất cho Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.

Hornet cũng được sử dụng trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia khác. F/A-18 góp mặt trong Phi đội Trình diễn Bay của Hải quân Mỹ, Blue Angels, từ năm 1986.

Những chiến đấu cơ vô cùng uy lực của Mỹ ảnh 4

F/A-18 Hornet chuẩn bị tiếp nhiên liệu. Ảnh: Washington Times.

F/A-18 có tốc độ tối đa Mach 1,8. Nó có thể mang nhiều loại bom và tên lửa, gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất cùng một khẩu pháo M61 Vulcan 20 mm.

Máy bay sử dụng 2 động cơ turbin cánh quạt General Electric F404, giúp nó có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao. F/A-18 có những tính năng khí động lực xuất sắc, chủ yếu nhờ các cánh nâng phía trước (LEX).

Nhiệm vụ chủ yếu của loại máy bay này là hộ tống, bảo vệ hạm đội, chế áp lực lượng phòng không đối phương, ngăn chặn tiếp tế trên không và trinh sát.

Độ tin cậy và linh hoạt khiến F/A-18 trở thành loại vũ khí quan trọng trên tàu sân bay, dù từng bị chỉ trích vì có tầm hoạt động và tải trọng kém hơn những phi cơ cùng thời, như Grumman F-14 Tomcat trong vai trò máy bay chiến đấu và tấn công, và Grumman A-6 Intruder cùng LTV A-7 Corsair II trong nhiệm vụ tấn công.

Hornet lần đầu tiên tham chiến năm 1986 trong Chiến dịch El Dorado Canyon, sau đó là Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 và Iraq Tự do năm 2003. F/A-18 Hornet có giá từ 30-50 triệu USD tùy phiên bản. Các phiên bản mới (F/A-18 E/F) trị giá khoảng 80 triệu USD (năm 2013).

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG