Những người cha đỡ đầu miền biên viễn

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đến nhà kèm cặp em Hoàng Văn Truyền học bài.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đến nhà kèm cặp em Hoàng Văn Truyền học bài.
TP - Nhiều năm nay, những người lính biên phòng trên tuyến biên giới Cao Bằng và Hà Giang miệt mài xây đắp ước mơ tới trường học con chữ cho các em nhỏ. Công việc thầm lặng thấm đẫm tình quân dân của các anh đã góp phần không nhỏ trong công cuộc dựng xây cuộc sống ấm no nơi phên dậu Tổ quốc.

Trên đường đưa chúng tôi tới thăm Trường Tiểu học Nam Tuấn, đại úy Vũ Văn Dương (Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) “tranh thủ” giới thiệu: Chúng tôi đang  đỡ đầu 4 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đồn quản lý với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng. Đồng thời tiếp nhận kinh phí của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và Bộ tư lệnh BĐBP đỡ đầu thêm 12 cháu với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/cháu/năm…

Bước vào cổng trường, câu chuyện của đại úy Dương với chúng tôi bị ngắt quãng bởi những tiếng chào ríu rít nối nhau của các em nhỏ. Chỉ vào cậu bé có khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt to tròn đang chơi đùa cuối sân trường, đại úy Dương nói: “Con nuôi” của đồn chúng tôi đấy…

Hỏi ra mới biết, đây là một trong hai học sinh của trường được các anh đỡ đầu. Em là Hoàng Văn Truyền, người dân tộc Tày, đang học lớp 5. Vợ đầu mất sớm, anh Hoàng Văn Liếm đi bước nữa với một phụ nữ cùng bản rồi sinh ra Truyền. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, người vợ thứ hai cũng qua đời vì bạo bệnh cách đây 2 năm, khiến anh Liếm thêm một lần “gà trống nuôi con”, còn Truyền chịu cảnh thiệt thòi vì thiếu mẹ. Gia cảnh túng quẫn bởi chỉ có nghề bốc vác, không có đất canh tác nên việc phụng dưỡng mẹ già và nuôi 2 con nhỏ của anh Liếm càng trở nên vất vả.

Không để ước mơ học hành của Truyền dang dở, những người lính biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh đã nhận chăm sóc, đỡ đầu em như con ruột của mình. Số tiền dành để nuôi dưỡng em học hành, mua sắm quần áo và đồ dùng học tập được trích ra từ chính đồng lương của các anh và quỹ tăng gia của đơn vị. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi hay trên đường xuống địa bàn công tác, các anh lại phân công nhau đến trường học và gia đình các em để nắm tình hình và kèm cặp thêm việc học tập và dạy kỹ năng sống.

Cảm nhận được tình yêu thương của các chú bộ đội và các cô giáo, Truyền rất ham học và luôn là học sinh khá trong lớp. Nghe lời thầy cô và các chú bộ đội, sau mỗi buổi lên lớp, Truyền lại giúp bà, giúp bố việc nhà. Mới lớp 5 nhưng em đã thành thạo chuyện bếp núc như một người trưởng thành.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, cô Hứa Thị Tiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Tuấn nói: “Các anh BĐBP như người nhà của chúng tôi. Chương trình Nâng bước em tới trường của lực lượng biên phòng rất có ý nghĩa đối với gia đình các em và nhà trường trong việc hỗ trợ các em học hành và vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống”.

Những người cha đỡ đầu

Dưới nắng thu, Đồn Biên phòng Lũng Cú (BĐBP tỉnh Hà Giang) hiện ra khang trang vững chãi với những dãy nhà kiên cố, còn thơm mùi sơn mới. Trong đó, có một căn phòng thoáng đãng với công trình phụ khép kín mang tên “Nâng bước em đến trường”. Đây là phòng ở và sinh hoạt của ba chị em ruột Thò Thị Dính (SN 2005), Thò Mí Và (SN 2007) và Thò Thị Xúa (SN 2011) từ hơn nửa năm nay.

Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết, ba chị em Dính có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng Trung Quốc. Ba chị em về ở với gia đình người chú ruột được một thời gian thì chú cũng mất. Trước cảnh ngộ này, Đồn Biên phòng Lũng Cú nhận các em làm con nuôi và đón lên đơn vị
nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, thượng tá Thủy cũng chia sẻ việc vận động đưa các em trở thành con nuôi của đồn không hề đơn giản. “Bởi phong tục tập quán của người dân tộc Mông nên việc vận động các cháu ra đồn là cả một vấn đề. Không phải họ khó khăn mà mình muốn giúp đỡ là được. Bà nội các cháu còn sợ gửi vào đồn làm con nuôi thì các cháu sẽ không về nhà nữa. Chúng tôi phải cùng các thầy cô giáo, cấp ủy chính quyền và Đoàn thanh niên địa phương vào vận động nhiều lần mới thuyết phục được gia đình yên tâm, tin tưởng”, thượng tá Thủy nói.

Là người trực tiếp chăm sóc các em, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Lũng Cú Vừ Mí Chứ chia sẻ, cùng là người dân tộc và có hai con nhỏ tầm tuổi các em nên anh rất thương ba chị em Dính. Ban đầu lúc mới về đồn, các em chưa quen và còn khóc vì nhớ nhà nên các anh phải luôn quan tâm động viên, thậm chí phải nhờ bà nội các em lên đồn ngủ cùng các cháu những ngày đầu. Đến khi các em quen nếp sinh hoạt ở đồn và “chịu” đi học thì đơn vị lại cắt cử người dùng xe máy đưa đón các em đến trường. Việc ăn uống, vệ sinh, lo căng màn cho các em không bị muỗi khi ngủ cũng được các anh chăm lo chu đáo hàng ngày. Quãng đường từ đồn về nhà các em chỉ chừng 7-8 cây số nhưng đường đi rất khó khăn, nếu gặp trời mưa chưa chắc đã đến được. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần và thời tiết tạnh ráo, các anh lại đưa ba chị em về thăm nhà.   

Được biết, với mô hình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú đang hàng tháng hỗ trợ, đỡ đầu 12 em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong đó có ba chị em Dính. Việc làm đầy tình người của các anh đã và đang được được chính quyền địa phương và đồng bào ghi nhận, ủng hộ.

“Chúng tôi thấy ấm lòng hơn khi được làm những người cha đỡ đầu của các cháu. Mong rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng thiện nguyện của xã hội cùng chung tay đến với những địa bàn khó khăn trên biên giới, để có thêm nhiều hơn nữa các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được tới trường và nuôi dưỡng ước mơ tương lai”, thượng tá Thủy tâm sự.

Được triển khai từ năm 2014, đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng nhận đỡ đầu 62 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi các em học hết lớp 12 (với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng). Tính đến tháng 9/2016, các đơn vị thuộc BĐBP Cao Bằng đã trao tặng 494 triệu đồng hỗ trợ các em. Ngoài ra, các đơn vị còn đóng góp hỗ trợ mua xe đạp, dụng cụ học tập, quần áo mới dịp đầu năm học cho các em. Đồng thời, năm học 2016-2017, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng hỗ trợ 50 suất học bổng “Nâng bước em đến trường” cho các em học sinh nghèo trên địa bàn biên giới Cao Bằng với tổng trị giá 300 triệu đồng.

Tại Hà Giang, đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP và lực lượng biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu 151 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.