Những người mẹ Quảng Nam của chúng tôi ngày ấy

TP - Đại tá Phạm Phú An, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ CHQS tỉnh Thái Bình (đã nghỉ hưu), nhập ngũ năm 1966, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt trong đội hình của Sư đoàn 312, Sư đoàn 2 có một câu chuyện ông đã kể với chúng tôi về những người mẹ ở vùng đất Quảng Nam, có lẽ là những kỷ niệm sâu đậm nhất của người lính già.
Những người mẹ Quảng Nam của chúng tôi ngày ấy ảnh 1

Đại tá Phạm Phú An (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội sau ngày 30/4/1975 ra giải phóng đảo Phú Quốc (ảnh chụp lại)

Những ngày đạn lửa

Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha mất sớm, mẹ ở vậy tần tảo nuôi dạy chúng tôi khôn lớn và lần lượt tiễn bốn anh em tôi lên đường vào Nam chiến đấu. Trong suốt quãng thời gian tôi phải tạm xa quê hương, xa người mẹ sinh thành ra mình để lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì tôi và các đồng đội của mình lại được những người mẹ ở mảnh đất Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” đã chở che, nuôi giấu chúng tôi đánh giặc.

Đó là vào những năm 1968 đến 1970, khi tôi được cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà trong đội hình của Sư đoàn 312.

Thời điểm ấy, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của quân và dân ta vừa kết thúc, địch điên cuồng phản kích, thực hiện chiến lược “tràn ngập lãnh thổ”, ráo riết bình định các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng giáp ranh.

Địch táo tợn đổ quân, luồn rừng chỉ điểm cho pháo binh, không quân đánh phá và tập kích sâu vào các hậu cứ của ta. Không chỉ có thế, địch còn tổ chức một lực lượng rất mạnh để chặn đường tiếp tế của ta từ đường Hồ Chí Minh xuống và bịt kín các đường giáp ranh.

Lúc này, bộ đội ta lâm vào tình cảnh thiếu lương thực trầm trọng, khẩu phần ăn 3 lạng gạo cho mỗi người/ngày chỉ để dành cho đơn vị khi bước vào từng chiến dịch, từng trận đánh; còn những ngày ở hậu cứ thì kiếm được thứ gì ở rừng là dùng thứ đó.

Và như vậy, anh em chúng tôi ở đơn vị đã được ăn đủ các “món” như: Róc, thục, tàu bay, tai voi, măng, đót, móng ngựa, củ nâu, củ chuối... thậm chí phải lấy cả lá rừng để nấu ăn thử, nếu không say thì hạ cả cành lớn xuống tuốt hết lá dự trữ.

Hơn hai tháng mới được gặp lại má Tư Thìn, má ôm chầm lấy từng đứa chúng tôi như những người con đi xa lâu ngày không gặp, rồi nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Các má, các thím trong này có tội với các mẹ ngoài Bắc lắm, vì đã để các con cơ cực thế này”.

Biết rằng, nếu đến được với dân ở các làng, ấp thì sẽ được cưu mang, nhưng không mấy khi làm được, bởi mỗi lần ra khỏi vị trí trú quân cũng phải “bày binh bố trận” chẳng khác gì trong một trận đánh. Vài lần, tôi và một số anh em đã vào làng, vào ấp mới vỡ lẽ ra bọn địch kìm kẹp bà con rất gắt gao.

Chẳng hạn, chúng phát cho mỗi gia đình một quyển sổ đong gạo, ghi rõ từng ngày một để bà con mình không có cơ hội tích trữ lương thực cho cách mạng. Nhưng nhân dân mình vẫn hướng về cách mạng, thương bộ đội, họ đã ăn sắn, ăn khoai và cả lá khoai lang trừ bữa để dành phần gạo tiết kiệm bí mật gửi cho bộ đội.

Biết nhiều anh em bộ đội bị đói khát, các bà, các má ở từng làng, ấp chẳng biết sợ hòn tên, mũi đạn của kẻ thù, vừa bí mật chở che, nuôi giấu bộ đội, vừa trở thành những chiến sỹ giao liên mà địch không hay biết.

Mẹ đã sinh ra tôi lần thứ hai

Tôi nhớ mãi trong một lần “tổ 3 người” trong đơn vị chúng tôi đã bí mật vào được làng Đại Phong thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Hơn hai tháng mới được gặp lại má Tư Thìn, má ôm chầm lấy từng đứa chúng tôi như những người con đi xa lâu ngày không gặp, rồi nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Các má, các thím trong này có tội với các mẹ ngoài Bắc lắm, vì đã để các con cơ cực thế này”.

Ngay sau đó, má gọi giật giọng: “Chúng bay đâu, đi theo má”. Má cùng các thím, các em dẫn chúng tôi ra ngoài cánh đồng lúa. Trời tối đen như mực, nhưng nhờ thi thoảng có những ánh đèn dù nên má và chúng tôi cũng biết được ruộng lúa nào đã “đỏ đuôi”.

Má sai các thím, các em vò đầu bông, đóng đủ 3 gùi chặt cho chúng tôi mang về đơn vị. Ở rừng làm gì có cối xay, cối giã, mà thóc thì cơ bản vẫn chưa chắc hạt, nên chúng tôi chỉ còn cách tìm những hốc đá làm cối mà giã, lựa lấy bột mà nấu cháo. Người khỏe thì chỉ dùng một phần nhỏ, còn chủ yếu vẫn để dành cho anh em đang điều trị vết thương và người ốm...

Đầu năm 1969, quân ta lại mở một chiến dịch lớn trên toàn mặt trận Quảng Đà. Lúc này, đơn vị chúng tôi cơ động từ Đại Lộc về đánh quân Mỹ ở Hòa Vang. Tại đây tôi bị thương khá nặng và đã được các má, các thím đưa về làng cất giấu ở trong hầm để nuôi dưỡng bí mật.

Những ngày ấy, bọn địch cũng thám thính biết được phong thanh các má, các thím giấu thương binh nhưng lùng sục ráo riết vẫn không tài nào phát hiện ra được. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các má, tôi không những lành được vết thương mà còn được trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu, tham gia các chiến dịch mới.

Từ sâu thẳm trái tim, tôi luôn biết ơn các má - những người mẹ Quảng Nam sinh ra tôi lần thứ hai trong đời.

(Ghi theo lời kể của Đại tá Phạm Phú An)
MỚI - NÓNG