Nỗi niềm sỹ quan trẻ

Tìm “một nửa yêu thương” là nhu cầu của nhiều sỹ quan trẻ ở Quân đoàn 1. Ảnh: Nguyễn Minh
Tìm “một nửa yêu thương” là nhu cầu của nhiều sỹ quan trẻ ở Quân đoàn 1. Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Cống hiến và hưởng thụ, kinh nghiệm và kỹ năng sống, tương lai bản thân trong con đường binh nghiệp, chăm lo cho gia đình, khó tìm bạn gái … Đó là những vướng mắc, băn khoăn của nhiều người trong gần 1.500 sỹ quan trẻ ở Quân đoàn 1. 

Khó tìm “một nửa”


Ngoài một số thủ trưởng, lãnh đạo cấp trên, những hàng ghế ở Hội trường Quân đoàn 1 hôm ấy được lấp đầy bởi các chàng trai mang quân hàm cấp úy và một số ít mang cầu vai thiếu tá về dự buổi tọa đàm Sỹ quan trẻ do Quân đoàn tổ chưc.

Tại đây, đại úy Vũ Bá Trung (Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 368) cho biết, qua thực tiễn công tác từ năm 2008, anh nhận thấy tuy đơn vị có nhiều người còn trẻ, song đã được cấp trên ghi nhận trình độ, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức để sắp xếp, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị còn đặc biệt quan tâm, tạo nhiều cơ hội để những người trẻ bày tỏ quan điểm cởi mở về các vấn đề bất cập, khó khăn. 

Đại úy Trung cũng thẳng thắn chỉ ra một số “rào cản” như khi còn là học viên trong nhà trường quân đội, do phải chấp hành nghiêm các quy định giờ giấc, chế độ nên học viên không có nhiều cơ hội tìm hiểu, giao tiếp bạn bè. Khi ra trường nhận công tác tại đơn vị, cũng do đặc thù của môi trường nhà binh, nên các sỹ quan trẻ ít có thời gian quan tâm, chăm lo cho gia đình.

Đặc biệt với những người còn độc thân thì việc tìm hiểu bạn gái để tiến tới hôn nhân lại càng khó khăn hơn. Cho nên, anh Trung cho rằng cấp trên cần tạo điều kiện hơn về thời gian, chế độ tranh thủ ra ngoài doanh trại để những sỹ quan trẻ có điều kiện tìm kiếm “một nửa” của mình và chăm sóc gia đình.

Trung úy Lê Văn Cường (Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308) mang đến tọa đàm những quan điểm về tiền lương và vấn đề nhà ở của sỹ quan trẻ. 

Theo anh Cường, một sỹ quan quân hàm thiếu úy, sau khi trừ các khoản, hằng tháng sẽ có từ 4,5-5 triệu đồng, nếu biết chi tiêu tiết kiệm thì sẽ tích cóp được một khoản vốn nhỏ để tích lũy cho tương lai. “Sở dĩ chúng ta cảm thấy thiếu, thấy ít là do tất cả chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào kỳ lương hàng tháng mà không có bất kỳ thu nhập nào khác, nên đại đa số người thấy “thiếu” nhiều so với nhu cầu chi tiêu”, trung úy Cường nói.

Bên cạnh “nỗi niềm tiền lương”, áp lực công việc nặng nề thì nhà ở cũng là vấn đề nan giải đối với các sỹ quan trẻ, khi rất nhiều người trong số họ không có kinh tế gia đình vững chắc, vợ không có công ăn việc làm, cha mẹ già yếu, nhà công vụ quá xa đơn vị công tác… “Với mức thu nhập hiện nay thì rất khó để những sỹ quan trẻ như chúng tôi có thể tự mua đất hoặc nhà để ổn định cuộc sống”, một trung úy đến từ Lữ đoàn Công binh 299 nói.

Điểm tựa trên đường binh nghiệp

Với thượng úy Lê Đức Hiệp (Chính trị viên Đại đội 14, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312), quãng thời gian anh chi tiêu vượt quá khả năng cho phép dẫn đến phải đi vay nặng lãi là một sai lầm đáng tiếc. “Khoảng thời gian ấy khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Phải mất khá nhiều thời gian suy nghĩ, tôi mới quyết định báo cáo sự việc với cấp trên. 

Chính sự yêu thương chân thành, không nhìn khuyết điểm của tôi bằng ánh mắt kỳ thị, phán xét là điểm tựa giúp tôi tự tin hơn để sửa mình”, thượng úy Hiệp chia sẻ.

Cùng chung suy nghĩ với thượng úy Hiệp, đại úy Lê Đăng Mạnh (Lữ đoàn Phòng không 241) cho biết, một số sỹ quan trẻ do xác định mục đích, động cơ phấn đấu thiếu đúng đắn nên trong công tác còn có so đo, toan tính, phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Một số người đã trở thành sỹ quan nhưng do nôn nóng làm giàu đã sa vào các tệ nạn xã hội, vay nợ buộc phải bỏ trốn hoặc xin ra quân. 

“Trong điều kiện kinh tế thị trường, một số sỹ quan trẻ có sự so sánh với điều kiện xã hội bên ngoài là điều không tránh khỏi. Nhưng theo tôi, mỗi chúng ta đều phải xác định rõ mục tiêu, lý tưởng. Khi đã chọn lấy binh lập nghiệp thì phải hết lòng phấn đấu, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, anh Mạnh nói. 

Trước những trăn trở, băn khoăn này, thiếu tướng Trần Việt Khoa, Tư lệnh Quân đoàn 1 cho biết, lãnh đạo Quân đoàn luôn lắng nghe, chia sẻ và kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sỹ quan trẻ. Hình thức tọa đàm cởi mở, thẳng thắn đã được thực hiện nghiêm túc từ cấp cơ sở đến toàn Quân đoàn, với mục đích quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện học tập, sinh hoạt, công tác, nâng cao kỹ năng sống, chăm lo hậu phương, tạo sự gần gũi cán-binh… để sỹ quan trẻ yên tâm công tác và cống hiến.

Hiện nay, đội ngũ sỹ quan trẻ từ 35 tuổi trở xuống chiếm 54,75% tổng số sỹ quan của Quân đoàn 1, với đa số được đào tạo qua các trường cao đẳng, đại học trong quân đội, trong đó trình độ đại học chiếm 79,2%.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, có 81,6 % cán bộ, sỹ quan trẻ công tác xa nhà, chưa có điều kiện để hợp lý hóa gia đình, trong đó có 34% chưa xây dựng gia đình; số đã xây dựng gia đình chủ yếu con còn nhỏ, thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn, phần lớn đang ở cùng bố mẹ, hoặc phải thuê nhà ở, số người có nhà riêng chỉ chiếm 15,4%.

MỚI - NÓNG