Nữ biệt động 'thép' giữa địa ngục trần gian

Nhiều lần bị địch bắt, nếm đủ mọi đòn tra tấn tàn độc của kẻ thù, người nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai vẫn một lòng với Tổ quốc. Những “địa ngục trần gian” mà địch đưa bà vào, vô tình trở thành lò tôi luyện cho tinh thần thép của bà.

Nữ biệt động 'thép' giữa địa ngục trần gian ảnh 1 Bán bánh giò, công việc hàng ngày hiện tại của nữ biệt động Nguyễn Thị Mai.

Thép đã tôi

Tôi gặp người nữ biệt động thép tại nhà riêng (đường Bàu Cát, Q.Tân Bình, TPHCM). Khuôn mặt phúc hậu, năm nay đã ngoài 70, bà vẫn tỏ ra rất nhanh nhẹn, hoạt bát. 

Năm 1964, lãnh đạo Biệt động Sài Gòn - Gia Định quyết định gia tăng lực lượng. Đơn vị biệt động 90C cử người về tận Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) để tuyển quân. Cô gái Nguyễn Thị Mai (khi ấy 22 tuổi) trúng tuyển trong đợt này. 

Vào hoạt động chưa được một năm thì Mai bị bắt. Bà kể: “Vào khoảng giữa năm 1965, tôi đang trên đường chuyển 30 kíp nổ và một tập truyền đơn từ Củ Chi vào nội thành thì bị phát hiện tại cầu Xáng (Củ Chi). Địch đưa tôi về bốt Hàng Keo để tra khảo. Bọn chúng dùng mọi đòn roi, tra tấn dã man bắt tôi khai. Chúng đánh, kìm kẹp chỗ hiểm, chích điện, dùng đèn pha rọi vào mắt. Đau nhất là màn mà chúng gọi là “đi tàu bay”. Chúng treo tôi lên xà nhà rồi thả tôi rơi tự do xuống nền nhà. Thấy không cạy tôi được lời nào, chúng dùng trò bỉ ổi nhất là trò cho lươn chui vào chỗ kín”.

Đau đớn đến tột cùng, nhưng người con gái đất Quảng vẫn không hé nửa lời. Những màn tra khảo ác ôn khiến Mai bị nứt sọ, nhưng bọn chúng chẳng thu thập được thông tin nào. Hết cách, chúng phải ghi vào hồ sơ “án mù”. 

Mai được đưa vào Bệnh viện Chợ Quán. Bác sĩ khám cho Mai lắc đầu: “Các ông hành hạ người ta tàn tạ thế này thì chúng tôi bó tay rồi”. Mai được đưa qua Bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định) để chữa trị.

Vài ngày sau, Mai tháo còng trốn viện trở về với đồng đội. Những di chứng của đòn tra khảo khiến Mai thường xuyên bị co giật. Nằm trong Bệnh viện của Quân khu ở căn cứ A51, Mai lén tìm đến lớp tập huấn ở gần bệnh viện học bắn súng ngắn hai tay, học cách sử dụng các loại vũ khí.

Rời khỏi bệnh viện, Mai được tổ chức giao nhiệm vụ khử tên chỉ điểm Ba “xe ngựa”. Mai cầm súng tới tận nhà tên này nã đạn. Hắn bị thương thoát chết, nhưng từ đó bỏ xứ đi không còn dám làm tay sai cho địch. Mai cùng đồng đội tham gia vào những trận đánh rực lửa của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và bà đã lập nhiều chiến công vang dội.

Đến năm 1972, một lần đưa tân binh về căn cứ thì Mai bị lộ và bị địch bắt. Bọn chúng giải Mai về Biệt khu thủ đô - một “địa ngục trần gian” thứ hai. “Tại đây, chúng trói chặt tôi rồi dùng nước xà bông đổ vào miệng. Tôi vẫn lắc đầu không nói lời nào. Tên cai ngục đổ nước xà bông vào miệng cho đến khi bụng tôi căng phình lên. Tôi đau, xót, toàn thân như cào xé. Tên cai thấy bụng tôi trương lên thì dồn sức tung một đạp. Nước trong bụng bắn ra ngoài, tôi lịm đi. Bọn chúng dội nước lạnh cho tôi tỉnh dậy và tiếp tục tra khảo. Chúng bắt tôi đứng dòm đèn pha cả giờ làm mắt và đầu tôi muốn nổ tung”. 

Thấy chẳng lay chuyển được người con gái kiên cường, cuối cùng chúng quấn giẻ vào chân cô rồi tẩm xăng đốt. Tên cảnh sát chỉ vào 2 can xăng 10 lít để ở góc phòng dọa: “Mày không khai tao đốt mày cháy thành tro”. Tên này châm lửa đốt chân Mai bùng lên. Mai giả vờ yếu ớt: “Ông mở còng đi, tôi sẽ khai ngay”. Hắn cười khoái trá lao đến mở còng. Nhanh như cắt, Mai đưa chân phải chích vào chân trái cho lửa cháy to hơn và lao đến bê can xăng tạt về phía hắn. Can còn lại Mai tưới lên người mình để cả hai cùng chết... cháy. Đâu ngờ, đó là hai can nước lạnh chúng mang ra để dọa. Mai bị một trận đòn chí tử trước khi về lại Trại giam Thủ Đức. Hai chân Mai bị bỏng nặng, lột da và lòi xương. Một lần nữa, ý chí sắt đá của Mai đã buộc chúng phải kết thúc hồ sơ tại Bộ tổng tham mưu với “án mù” (không thể kết án).

Nữ biệt động 'thép' giữa địa ngục trần gian ảnh 2 Đại gia đình người nữ biệt động kiên trung.

Tình yêu trong lửa đạn

Sau lần trở về từ “địa ngục trần gian” Hàng Keo, Mai chết đi sống lại. Trong nỗi đau thể xác tột cùng đó, tình yêu của người đồng đội Mười Kiều (Huỳnh Kiều) trở thành nguồn động viên mạnh mẽ đối với Mai.  Khâm phục trước người đồng đội gan dạ, ông Mười Kiều ngỏ lời yêu Mai.

Kể lại kỷ niệm này, bà Mai cười hiền không giấu được niềm hạnh phúc: “Mấy chục năm rồi mà tôi vẫn nhớ từng câu, từng từ ông ấy ngỏ lời. Tôi ưng Mai, Mai có chịu tôi không? Đơn giản thế thôi mà lồng ngực tôi khi đó nó đập bùng bùng. Giấu niềm hạnh phúc của mình, tôi nói thật với ổng: Anh biết tôi bị gì rồi mà, sao còn ngỏ lời. Nói vậy thôi chứ sau đó ông nhà tôi báo cáo đơn vị, rồi còn viết cam kết không bao giờ bỏ tôi”. 

Nhắc lại chuyện cũ, ông Mười Kiều ngồi bên cũng tủm tỉm cười theo: “Khi quyết định đến với Mai tôi biết khả năng bà ấy không có con. Tôi thương và phục vì cái tâm, cái lòng và cái chí của bà ấy. Thế mà ông trời lại thương. Lấy nhau không lâu thì bà ấy có thai. Không một ai trên căn cứ tin đó là sự thật, vì trước đó bác sĩ tuyên bố tử cung của bà bị hư bởi đòn tra tấn dùng lươn của địch. Cả đơn vị đều hạnh phúc và chia sẻ với vợ chồng tôi”. 

Cậu con trai đầu lòng ra đời trong chiến tranh nặng 1,7kg. Bà ngậm ngùi: “Lúc bấy giờ trên chiến khu ăn uống kham khổ, tôi không đủ chất nên tắt sữa. Thằng nhỏ chủ yếu uống nước cơm pha đường mà lớn. Đồng đội thương gom góp mỗi người ít gạo, ít đường cho thằng nhỏ ăn”.

Điều kỳ diệu một lần nữa lại đến với gia đình ông bà. Khi đất nước đang hưởng trọn niềm vui thống nhất, bà Mai sinh thêm một cậu con trai. Đến nay người chiến sĩ biệt động năm nào đã có cháu nội. Một mái nhà ba thế hệ sống hạnh phúc vẹn tròn.

Theo Theo Công an TP. Hồ Chí Minh
MỚI - NÓNG