Phóng tên lửa triệu đô để bắn hạ UAV rẻ tiền

PAC-3 được tối ưu để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ảnh: Lockheed Martin.
PAC-3 được tối ưu để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ảnh: Lockheed Martin.
Tướng Mỹ tỏ ra hoài nghi về hiệu quả kinh tế khi một quốc gia đồng minh dùng tên lửa Patriot PAC-3 đắt tiền chỉ để tiêu diệt một chiếc UAV cỡ nhỏ.

Đại tướng David Perkins, tư lệnh Bộ chỉ huy Huấn luyện Lục quân Mỹ, hôm 13/3 tiết lộ rằng quân đội một nước đồng minh đã khai hỏa quả tên lửa phòng không Patriot PAC-3 trị giá tới 3 triệu USD chỉ để bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ giá khoảng 200 USD, Independent đưa tin.

"Họ đã bắn hạ nó bằng một quả Patriot. Nó hoạt động tốt và đã tiêu diệt mục tiêu, chúng ta đều yêu thích tên lửa Patriot. Chiếc UAV giá 200 USD hoàn toàn không có cơ hội nào trước Patriot", tướng Perkins tuyên bố.

MIM-104 Patriot là dòng tên lửa phòng không do Mỹ phát triển, đưa vào biên chế từ năm 1984. Phiên bản MIM-104F (PAC-3) được thiết kế tối ưu cho nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo, có tầm bắn tối đa 40 km, tầm cao 20 km và tốc độ hơn 5.000 km/h, gấp 4 lần vận tốc âm thanh.

Tuy nhiên, tướng Perkins cũng tỏ ý hoài nghi về hiệu quả kinh tế của chiến thuật này. "Tôi không chắc đó là tỷ lệ trao đổi có lợi về mặt kinh tế. Nếu là đối phương, tôi sẽ nghĩ tới việc mua thật nhiều UAV giá rẻ và khiến kẻ địch dùng hết kho tên lửa Patriot của họ", ông Perkins cho biết.

Dù không nêu tên quốc gia đồng minh trong vụ việc này, tướng Perkins khẳng định họ đang phải đối phó với một đối thủ thù địch và đây không phải một đợt thử nghiệm tên lửa.

Mỹ đang phát triển nhiều phương pháp để chống lại mối đe dọa từ UAV giá rẻ, nhưng chưa tìm ra cách nào thật sự hiệu quả. Chúng có kích thước nhỏ, khó bị phát hiện và có khả năng mang chất nổ để tấn công đối phương từ xa. Hồi tháng 2, quân đội Mỹ phải chi hàng chục triệu USD để mua hệ thống định vị và gây nhiễu UAV từ Israel.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.