Quan hệ Nga – Ukraine và ‘bão tố’ nổi lên ở Crimea

Nga tăng quân trên biên giới Crimea. Ảnh: Tass
Nga tăng quân trên biên giới Crimea. Ảnh: Tass
TPO - Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine âm ỉ suốt 2 năm qua, bỗng bùng phát trở lại sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đập tan âm mưu khủng bố nhằm gây bất ổn về chính trị và xã hội ở bán đảo Crimea.

Đáng chú ý, kết quả điều tra ban đầu của Nga cho thấy, âm mưu khủng bố ở bán đảo Crimea có sự can dự của cơ quan tình báo Ukraine.

Giọt nước tràn ly

Bán đảo Crimea và thủ phủ Sevastopol đã trở thành một phần của Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 3/2014.

Theo đó, 96,77% người dân Crimea và 95,6% người dân thủ phủ Sevastopol bỏ phiếu thông qua việc tách ra khỏi Ukraine để gia nhập vào Liên bang Nga.

Ukraine và các chính phủ phương Tây từ chối công nhận cuộc trưng cầu dân ý này và áp đặt lệnh hàng loạt lệnh trừng phạt chống lại nước Nga.

Song song với việc vận động cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và phương Tây, nhằm gây sức ép buộc Nga phải trao trả bán đảo Crimea, chính quyền Kiev cũng không giấu giếm tham vọng “giành lại quyền kiểm soát Crimea bằng mọi giá”,

Bằng chứng là, Ukraine liên tục tăng cường binh lực, khí tài quân sự tới sát bán đảo Crimea; củng cố lực lượng hải quân; đăng cai tổ chức và mời Mỹ cùng các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia vào những cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đen, giáp ranh với Crimea…

“Giọt nước tràn ly”, ngày 10/8, cơ quan an ninh Nga thông báo phá thành công âm mưu của tình báo Ukraine về việc đưa những kẻ phá hoại xâm nhập vào bán đảo Crimea.

Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã cáo buộc Kiev sử dụng các chiến lược khủng bố hòng gây ra một cuộc xung đột mới và gây bất ổn bán đảo này.

Nga – Ukraine tăng quân tới biên giới

Tổng thống Petro Poroshenko ngày 11/8 đã ra lệnh cho quân đội của nước này đang đóng quân trên vùng biên với bán đảo Crimea và phía Đông – Nam Ukraine sẵn sàng chiến đấu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau ngày 12/8 cho biết, nước này hết sức quan ngại về căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi cả 2 bên giảm căng thẳng cũng như các tuyên bố khoa trương.

Chia sẻ trên Twitter cá nhân, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết quyết định được đưa ra sau một cuộc họp với các lãnh đạo cơ quan an ninh và Bộ Ngoại giao nước này.

Người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine Vladyslav Seleznev ngày 11/8 khẳng định: “Chúng tôi thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống”

Ngay lập tức, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng triệu tập một cuộc họp khẩn, nhằm thảo luận với các thành viên Hội đồng An ninh Liên bang Nga về biện pháp bổ sung bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng của Crimea.

“Tổng thống Putin đã tiến hành cuộc họp thảo luận với các thành viên Hội đồng An ninh về những biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo an toàn cho công dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng của Crimea sau khi cơ quan an ninh Nga ngăn chặn tấn công khủng bố trên bán đảo.

Các kịch bản biện pháp an ninh chống khủng bố trên biên giới đất liền, trong vùng biển và không phận của Crimea được xem xét chi tiết”, hãng RIA Novosti dẫn thông báo của điện Kremlin cho biết.

Theo một số nguồn tin khu vực, chỉ riêng chiều tối ngày 11/8, khoảng 100 binh sỹ Nga cùng 8 xe bọc thép đã có mặt tại làng Kalachak, cách ranh giới với Ukraine chỉ 500-1.000 m, sau đó số binh sỹ này rút đi, song khoảng một đại đội đến tiếp quản và đóng quân tại đó. 

Ngoài đào giao thông hào, các dàn hỏa lực Grad cũng được triển khai tới khu vực này.

Nếu xung đột, Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân?

Ngày 11/8, đại diện Cơ quan Tình báo quân đội thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Vadym Skibitskiy cho biết, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Crimea.

“Phương tiện phóng vũ khí hạt nhân hiện đang nằm trên lãnh thổ Crimea - trên đất liền và trong các căn cứ hải quân ở Sevastopol. Có thể hiện diện trong tàu chiến và tàu ngầm”, ông Vadym Skibitskiy nhấn mạnh.

Theo quan chức tình báo Ukraine, đầu đạn hạt nhân do quân khu phía Nam đảm trách.

“Các đầu đạn có thể được chuyển một cách nhanh chóng vào lãnh thổ Crimea trong trường hợp họ (Nga) đưa ra một quyết định như vậy. Các đầu đạn hạt nhân có thể được chuyển đến Crimea bằng máy bay, và sẵn sàng được sử dụng để chiến đấu”, ông Vadym Skibitskiy nói.

Nghi ngại của Kiev càng có cơ sở, khi mà Bộ Ngoại giao Nga ngày 12/8 ra tuyên bố, cảnh báo cái chết của một quân nhân nước này trong cuộc đụng độ vũ trang trên biên giới giữa Crimea với Ukraine “sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”.

Bộ trên khẳng định các âm mưu gây bất ổn tình hình Crimea sẽ thất bại, đồng thời hối thúc các quốc gia khác gây sức ép lên Ukraine để nước này không có những bước đi nguy hiểm.

Nga biến Crimea thành pháo đài như thế nào?

“Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, không thể có bất cứ cuộc thương lượng nào với bất cứ ai về tương lai của bán đảo này”, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ, đồng thời khẳng định Moscow sẽ “hành động phù hợp với học thuyết an ninh quốc gia” trong trường hợp một cuộc xâm lược vào lãnh thổ đất nước”, trong đó bao hàm cả bán đảo Crimea.

Năm 2014, sau khi bán đảo Crimea trở thành một chủ thể của Liên bang, Nga nâng cấp tất cả các sân bay quân sự ở Crimea đạt “tầm cao mới” và tất cả các sân bay đã được hiện đại hóa trước khi kết thúc năm 2014.

“Trên lãnh thổ Liên bang Nga, chúng tôi có quyền sử dụng tất cả các sân bay ở khắp mọi nơi, chúng tôi sẽ đưa các sân bay Crimea lên cấp độ thứ nhất và sẽ vận hành những phi trường này”, Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev tuyên bố.

Đầu năm 2015, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, Phó Đô đốc Alexander Vitko, cho biết đến năm 2020, Chính phủ Nga sẽ tăng cường cho Hạm đội Biển Đen thêm 80 tàu chiến mới và sẽ hoàn thành căn cứ hải quân thứ hai cho Hạm đội này tại vùng biển gần thành phố Novorossiysk vào cuối năm 2016.

Phó Đô đốc Alexander Vitko cho biết căn cứ thứ hai cho Hạm đội Biển Đen là rất cần thiết và nó sẽ cùng với căn cứ chính của Hạm đội này ở bán đảo Crimea góp phần bảo đảm an ninh cho Liên bang Nga trước những mối đe dọa của việc NATO đang mở rộng về phía Đông. 

Phó Đô đốc Vitko nhấn mạnh, những tàu chiến mới sẽ cập cảng Novorossiysk trước năm 2020 và tới khi đó, Hạm đội Biển Đen sẽ có tổng cộng 206 tàu chiến các loại. Ngoài ra, căn cứ mới ở Novorossiysk sẽ được trang bị bảy tàu ngầm mang tên lửa có cánh với tầm bắn tới 1.500km.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Nga cũng đã triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu tới bán đảo Crimea, bao gồm Su-27SM và Su-30 thế hệ thứ tư.

Đáng chú ý là sự xuất hiện của hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU trên báo đảo Crimea. Theo giới chức quân sự phương Tây, với việc trang bị S-300PMU, có thể khẳng định rằng, bán đảo Crimea đã tạo ra một hệ thống phòng thủ đầy đủ, giúp cho việc đảm bảo an ninh, cũng như bảo vệ phương tiện của Hạm đội Biển Đen từ trên không.

Hệ thống S-300PMU được cho là giúp lực lượng vũ trang Nga tại Crimea đối phó những cuộc tập kích ồ ạt của các loại máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật, ban ngày cũng như ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Đêm 11/8, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp kín bất thường về căng thẳng tại Crimea theo đề xuất của Đại diện Thường trực Ukraine. Đại diện Thường trực Ukraine tại Liên hợp quốc cho biết, Kiev muốn công khai đề nghị Moscow cung cấp bằng chứng về cáo buộc của mình. 

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.