Ra trận từ tuổi 13

Ra trận từ tuổi 13
TP - Thắp nén nhang lên bia tưởng niệm 85 đồng đội nằm lại chiến trường sau trận đánh ác liệt ở Rừng Tre, người thương binh Lê Văn Sưa rơm rớm nước mắt. Cứ mỗi tuần hai lần, người em út còn sống của Tiểu đoàn 7 năm xưa vào đây nhang khói cho đồng đội.

> Lần đầu tiên xuất bản sách tri ân anh hùng liệt sỹ
> Trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho cựu Thanh niên xung phong
> Công an và Quân đội tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ QP-AN
> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp mặt Ban liên lạc Trung đoàn Thủ đô

Ác liệt Rừng Tre

Ngồi trầm tư bên Đài Tưởng niệm các đồng đội ở Rừng Tre (thuộc ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), ông Sưa hồi tưởng ngày mình và các anh lên đường nhập ngũ.

Lật lại tờ giấy nhàu nát, ông Sưa chỉ vào dòng chữ ghi: "Ngày 5-1-1967". Khi ấy, ông 13 tuổi, trẻ nhất Tiểu đoàn 7.

Gần một năm sau ngày nhập ngũ, Lê Văn Sưa trải qua trận đánh ác liệt đầu tiên mà đến giờ mỗi đêm “tôi vẫn gặp ác mộng” như lời ông nói. “Sau khi tôi cùng đồng đội tham gia trận đánh Vườn Trầu ở Phước Thạnh, huyện Củ Chi, Sài Gòn, cả tiểu đoàn được lệnh rút về Trảng Bàng dưỡng thương. Nhưng rạng sáng 15-5-1968, lúc mới hành quân tới Rừng Tre, chưa ổn định đội hình, bất chợt máy bay Mỹ gầm rú. Ở phía xa, hơn 100 xe tăng tiến tới.

Quân Mỹ được hỗ trợ xe tăng và máy bay tấn công căn cứ của ta một cách điên dại. “Dưới làn mưa đạn, chúng tôi tiến lên bất chấp xe tăng địch dàn hàng ngang càn căn cứ. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, nhiều xe tăng địch bị tiêu diệt”- ông Sưa kể.

Trận chiến vào hồi quyết liệt, Trung đội Trinh sát chỉ còn 2 khẩu B40 và mỗi khẩu chỉ còn hai quả đạn. Thế nên, khi địch dồn quân ta vào công sự, các chiến sĩ trèo lên xe tăng đánh thẳng lựu đạn vào thùng xe.

“Xe tăng Mỹ càn nhanh đến nỗi khi khẩu B40 vừa bắn xong, chưa kịp lắp quả đạn thứ hai chiếc khác càn tới. Có người bắn cháy xe tăng địch khi chỉ cách mình 3m. Bắn xong thì hy sinh", ông kể.

Như được sinh ra lần thứ hai

Ông Lê Văn Sưa
Ông Sưa và ân nhân - bà Nhạo.
 

 Khi tôi rút lựu đạn quăng vào xe tăng địch, một lính Mỹ chĩa thẳng súng vào thái dương bóp cò. Tôi bất tỉnh. Rất may, đạn chỉ xuyên thủng một phần sọ” 

Dưới mái tóc lấm tấm bạc, một vết sẹo dài chạy từ mang tai ra sau cổ và một phần sọ gần như bị mất. Ông Sưa chỉ tay vào vết thương: “Trở trời, đau nhức lắm”. Ông lại nhớ về cuộc chiến: “Khi tôi rút lựu đạn quăng vào xe tăng địch, một lính Mỹ chĩa thẳng súng vào thái dương bóp cò. Tôi bất tỉnh. Rất may, đạn chỉ xuyên thủng một phần sọ”.

Trận đánh ác liệt diễn ra đến 17 giờ chiều 15-5, lực lượng của ta đã bắn cháy 25 xe tăng địch, diệt 100 lính Mỹ, bắn rơi 1 máy bay cá rô OH63, 1 máy bay HU1A. “Mặc dù chiến đấu anh dũng, hạ được một phần lớn lực lượng địch, nhưng vẫn có 85 anh em hy sinh. Đây là trận đánh mà tiểu đoàn bị tổn thất nặng nề nhất từ ngày thành lập”, ông Sưa bùi ngùi.

Sau trận đánh này, tiểu đoàn hành quân về An Phú, huyện Củ Chi để dưỡng quân và củng cố đơn vị. Ông Sưa nhớ lại, sau khi bị địch bắn, ông nằm bất tỉnh đến 2 hôm sau thì tỉnh dậy với vết thương trên đầu, máu me khắp người.

Còn chút sức lực, ông Sưa lê đến một hố bom cách chỗ mình nằm 100m tìm nước uống, sau đó lết mình vào được bụi cây để nằm. May mắn cho ông, lúc đó, một phụ nữ đi qua thấy đã cứu ông khỏi vùng nguy hiểm.

Hôm chúng tôi đến Đài tưởng niệm Rừng Tre, gặp lại bà Nguyễn Thị Nhạo, 71 tuổi, mà ông Sưa nói “đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Ông kể: Sau khi lần tìm được nơi ẩn náu, mặc dù trên tay còn khẩu súng AK và mấy viên đạn, nhưng không dám nổ súng bởi lúc ấy địch vẫn rảo quanh khu Rừng Tre truy sát các chiến sĩ còn sống sót.

Cuối cùng, ông gặp được bà Nhạo. Bà Nhạo kể, khi phát hiện có người vẫy tay cầu cứu, đã cùng mẹ chồng đưa cáng ra khiêng người bị thương về nhà băng bó. “Lúc ấy, đầu chú ấy toàn máu, tay chân tê lạnh, bất tỉnh”, bà Nhạo nhớ lại.

Sau khi được cứu sống, ông Sưa được đưa trở lại đơn vị. Nhưng điều mà ông không bao giờ quên là sau trận đánh ác liệt ở Rừng Tre có tin ông hy sinh nên gia đình đã lập bàn thờ ông.

“Hôm về nhà, tôi vẫn thấy mẹ để ảnh tôi trên bàn thờ, còn cúng cả cơm nữa”, ông Sưa nói.

Ông Sưa cho biết, đến hết năm 1968, ông được đưa về lực lượng du kích xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Ngày 14-4-1975, Lê Văn Sưa giữ vị trí Tiểu đội phó trinh sát, Đại đội 2 của huyện Trảng Bàng. Ngày 30-12-1976, Lê Văn Sưa xin rời quân ngũ vì lý do sức khỏe.

Rời quân ngũ trở về với 2 bàn tay trắng, để có được gia sản đủ sống và nuôi hai con học hành đến nay, hai vợ chồng ông đi đào giếng thuê, nhặt nhạnh đồ phế liệu đem bán.

Căn nhà cấp 4 sát Quốc lộ 25 giờ quá rộng đối với vợ chồng già khi con cái đã lớn và ra ở riêng. Nơi đây, giờ là không gian để ông và những đồng đội năm xưa thi thoảng gặp nhau, ôn kỷ niệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG