Súng bộ binh 'tàng hình' có thể giúp Mỹ thay đổi chiến trường

Ống giảm thanh lắp trên súng M4 của lính Mỹ. Ảnh: Military Times.
Ống giảm thanh lắp trên súng M4 của lính Mỹ. Ảnh: Military Times.
Quân đội Mỹ hy vọng việc trang bị ống giảm thanh đại trà có thể giúp bộ binh chiếm ưu thế dễ dàng hơn trên chiến trường.

Lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ đang tìm cách tăng cường trang bị ống giảm thanh cho các súng bộ binh, kể cả súng máy cỡ nòng 12,7 mm, nhằm biến chúng thành những "vũ khí tàng hình" trên chiến trường, Military Times ngày 26/6 đưa tin.

Quân đội Mỹ cho rằng ống giảm thanh sẽ mang lại nhiều lợi thế trong chiến đấu và có thể góp phần thay đổi cục diện chiến trường. Chúng có thể che lửa đầu nòng, khiến đối phương khó phát hiện vị trí xạ thủ trong đêm tối, đồng thời giúp binh sĩ hạn chế tổn thương thính lực. Tuy nhiên, nhược điểm của ống giảm thanh là chi phí đắt đỏ, mất nhiều công bảo dưỡng và tuổi thọ ngắn.

"Việc lắp ống giảm thanh là giúp giao tiếp tốt hơn trong quá trình huấn luyện chiến đấu, bởi trước đây giáo viên luôn phải nói to khi chỉ dẫn học viên", Matt Walker, cựu sĩ quan lục quân Mỹ cho hay.

Chuyên gia quân sự Todd South cho biết thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) bắt đầu thử nghiệm trang bị đại trà ống giảm thanh cho cấp tiểu đội súng trường từ tháng 10/2016. Hiện nay, súng trường M4 và M27 IAR của hai đại đội thử nghiệm thuộc USMC đều được lắp ống giảm thanh.

Một tiểu đội khác đang sử dụng ống giảm thanh, ốp bảo vệ tai, áo giáp, kính nhìn đêm thế hệ mới, hệ thống liên lạc cá nhân cải tiến và súng phóng lựu M320. Ống giảm thanh hiện nay chỉ được lắp cho súng có cỡ nòng 5,56 mm, nhưng thời gian tới nó sẽ xuất hiện với số lượng lớn trên súng máy M240 cỡ nòng 7,62 mm.

Ống giảm thanh không phải là công nghệ mới. Loại trang bị này được chế tạo từ đầu thập niên 1900, chủ yếu được lính bắn tỉa và đặc nhiệm sử dụng nhờ khả năng che giấu tung tích của họ trong các nhiệm vụ bí mật.

Các chuyên gia quân sự cho rằng điểm hạn chế của ống giảm thanh là tăng chiều dài và khối lượng súng, đồng thời giảm tầm bắn hiệu quả và độ chính xác. Tuy nhiên, công nghệ vật liệu mới giúp giảm khối lượng của ống giảm thanh, trong khi thay đổi trong thiết kế vũ khí và độ dài nòng đã khắc phục được một số hạn chế.

Dù vậy, nỗi lo về chi phí, thời gian bảo dưỡng và tuổi thọ ống giảm thanh vẫn còn. Với mức giá cơ bản hiện nay khoảng 700 USD/chiếc, việc trang bị ống giảm thanh cho một tiểu đoàn có thể tiêu tốn tới 700.000 USD, quá đắt mà lại không bảo đảm hiệu quả trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị thắt chặt, chuyên gia Todd South nhận định.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG