Tiêm kích Nga có khả năng bắn hạ cả vệ tinh

Phi công Nga cho biết tên lửa tầm xa R-33 trang bị trên tiêm kích MiG-31 có thể bắn hạ các vệ tinh ở quỹ đạo thấp gần Trái Đất.

MiG-31 là dòng tiêm kích đánh chặn tầm xa chủ lực của không quân Nga, có nhiệm vụ duy nhất là tiêu diệt các mục tiêu trên không có nguy cơ xâm phạm không phận và đe dọa nước Nga. Phi công vận hành MiG-31 cho biết loại máy bay này có thể bắn hạ cả vệ tinh trinh sát và thông tin liên lạc ở quỹ đạo thấp, Tv Zvezda ngày 17/2 đưa tin.

Chỉ huy Trung đoàn tiêm kích số 790 của Nga cho biết MiG-31 có thể mang tối đa 4 tên lửa tầm xa R-33 hoặc R-37M, cùng 4 tên lửa tầm trung R-77-1 hoặc tầm gần R-73.

Player Loading...

Tiêm kích MiG-31 phóng tên lửa tầm xa R-33

Tên lửa Vympel R-33 (NATO định danh: AA-9 Amos) là vũ khí chính của MiG-31, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay nhanh và có độ cao lớn của Mỹ như máy bay trinh sát SR-71 Blackbird, oanh tạc cơ B-1 Lancer và B-52. Tên lửa nặng 493 kg, có tầm bắn tối đa tới 304 km.

R-33 được trang bị đầu dò radar bán chủ động (SARH), có khả năng cập nhật dữ liệu mục tiêu sau khi rời máy bay, đồng thời có hệ thống dẫn đường quán tính để bay tới các mục tiêu ở khoảng cách xa. Radar mảng pha quét điện tử Zaslon của MiG-31 có thể dẫn bắn đồng thời 4 tên lửa R-33 đến 4 mục tiêu khác nhau.

Nhờ khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách lớn, kết hợp với tầm bắn xa của tên lửa R-33, phi công tiêm kích MiG-31 có thể khóa mục tiêu và bắn hạ vệ tinh của đối phương.

MiG-31 (NATO định danh: Foxhound) là tiêm kích đầu tiên trên thế giới được trang bị radar mảng pha vào năm 1981. Hệ thống radar hiện đại này cho phép nó phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 200 km, bám bắt và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc mà không cần sự can thiệp của sĩ quan điều khiển hỏa lực.

Nga từng phát triển phiên bản MiG-31D chuyên diệt vệ tinh với nhiều cải tiến khác biệt với mẫu MiG-31B thông thường, tuy nhiên dự án này đã bị ngừng trước năm 2000.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG