Tiềm lực quân sự Syria trước giờ ‘G’

Tiềm lực quân sự Syria trước giờ ‘G’
TPO–Một thời gian dài Syria được xem là có tiềm lực quân sự hùng hậu, tinh nhuệ nhất Trung Đông. Tuy nhiên, những biến cố chính trị dồn dập tại khu vực liên tiếp xảy ra, sức mạnh Syria mong manh hơn bao giờ hết.
Quân số Syria luôn là ẩn số
Quân số Syria luôn là ẩn số.

Trong suốt 29 tháng kể từ khi khủng hoảng Syria nổ ra, việc Mỹ và đồng minh tấn công lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã được dự đoán từ trước, tuy nhiên vấn đề chỉ là thời gian.

Do vậy, tiềm lực quốc phòng thực tế của Syria, và đâu là điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia Trung Đông này… luôn là ẩn số khiến không ít giới chức quân sự, trong đó có Mỹ, phải lao tâm khổ tứ, một khi Washington bảo lưu quan điểm tấn công Syria.

Ẩn số binh sỹ Syria

Theo các số liệu năm 2012 mà Business Insider có được, Syria có 220.000 quân thường trực, 280.000 quân dự bị và một chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với thanh niên trên 18 tuổi.

Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem nhấn mạnh: "Chúng tôi có hai lựa chọn, hoặc là đầu hàng, hoặc là tự vệ bằng tất cả những phương tiện sẵn có. Chúng tôi lựa chọn phương án tối nhất là sẽ tự bảo vệ mình. Syria sẽ chứng minh khả năng quân sự khiến cả thế giới sẽ phải ngạc nhiên. Chúng tôi có các phương tiện để làm điều này và tôi không muốn nói nhiều hơn nữa”.

Trong báo cáo Cán cân quân sự 2013 do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London (IISS) công bố tháng 3/2013 cho thấy, trên danh nghĩa, quân đội nước này có 178.000 binh sỹ, bao gồm 110.000 lính bộ, 5000 lính hải quân, 27.000 lính không quân và 36.000 lính phòng không.

Trong đó, lực lượng bộ binh được biến chế thành 7 sư đoàn thiết giáp, 3 sư đoàn pháo cơ giới, 2 sư đoàn đặc nhiệm và một lực lượng Vệ binh cộng hòa, ra đời năm 1976, chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia. Khả năng chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm và Vệ binh cộng hòa được cho là hơn hẳn bộ binh thông thường, và là “cánh tay phải” của chính quyền Bashar al-Assad.

Về lực lượng dự bị, bộ binh Syria có khoảng 314.000 lính. Hải quân có 4000 lính, không quân có 10.000 lính và phòng không có 20.000 lính.

Nhiều nguồn tin khác cho biết, Syria có khoảng 300.000 lính chính quy và 314.000 lính dự bị.

Tuy số liệu có khác nhau, nhưng các báo cáo đều thừa nhận, lòng trung thành - phẩm chất làm nên sức mạnh của quân đội Syria, đa phần là những người đến từ tộc Alawite của ông Assad - đã suy giảm nghiêm trọng bởi các nguyên nhân: đào ngũ, bỏ trốn và thương vong kể từ khi xung đột Syria nổ ra.

IISS còn khẳng định, một số lữ đoàn được cho là đã bị giải thể do thiếu sự tin cậy chính trị hoặc bị thương vong nặng.

Vũ khí chiến đấu thông thường

Syria từ lâu là đồng minh chủ chốt của Liên Xô trước kia cũng như Nga ngày nay ở khu vực Trung Đông, vì vậy từ trang thiết bị, khí tài đến học thuyết xây dựng lực lượng quân đội đều mang đậm ảnh hưởng của Moscow.

Trang bị chủ yếu của lực lượng quân đội Syria là vũ khí Nga
Trang bị chủ yếu của lực lượng quân đội Syria là vũ khí Nga.

Lực lượng quân đội Syria chủ yếu được trang bị vũ khí của Nga từ thời Liên Xô cũ như Makarov và AK-47s. Tuy nhiên cũng có cả súng trường FN FAL của Bỉ hay các phiên bản sản xuất tại Iran và Trung Quốc của loại M-16 (Mỹ).

Đối với các vụ tấn công từ mặt đất, quân đội Syria dùng súng máy PK của Liên Xô và súng không giật SPG-9. Ngoài ra, Syria còn có trong biên chế khoảng 1.000 súng cối, 7.000 vũ khí chống tăng.

Thống kê của các nước Trung Đông, Syria có khoảng 4950 xe tăng, từ 1.860-2.100 xe bọc thép, tuy cũ nhưng không thể bị súng ngắn đánh bại.

Tuy nhiên, một lượng đáng kể xe thiết giáp đã bị thiệt hại bởi các cuộc tấn công của lực lượng đối lập hơn 2 năm qua.

Không quân

Có số liệu cho rằng, Syria hiện có 365 máy bay, chủ yếu được sản xuất từ thời Xô Viết. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin năm 2009 khẳng định, số lượng chiến đấu cơ của nước này từng là 555 chiếc, chủ yếu là các máy bay đánh chặn MiG-21, MiG-25, máy bay tấn công mặt đất MiG-23, Su-22, Su-24, các tiêm kích hiện đại MiG-29.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Syria đang sở hữu nhiều chiến đấu cơ MiG-29 hiện đại do Nga sản xuất
Nhiều nguồn tin cho rằng, Syria đang sở hữu nhiều chiến đấu cơ MiG-29 hiện đại do Nga sản xuất.

Trước cuộc nội chiến, số máy bay này được tổ chức thành nhiều phi đội mà lòng cốt là 20 phi đội đóng vai trò đánh chặn và 7 phi đội cường kích, cùng với đó là 4 phi đội vận tải được trang bị các máy bay An-24, An-26, IL-76, Tu-143 và các phi đội tác chiến điện tử, đào tạo.

Trong đó, lực lượng tiêm kích đánh chặn gồm: khoảng 200 chiếc MiG-21PF/MF/bis đóng tại Hamah, Khalkalah, Tabqa, Deir ez Sor, Jirah và Quasayr; 6 phi đội trang bị MiG-25PD tại Tivas, Tiyas, Shayrat và Dumayr; 3 phi đội MiG-23MF/MS/ML ở Shayrat, Dumayr, Marj Ruhayyil và Abu ad Duhor và đặc biệt là 3 phi đội gồm 40 tiêm kích đánh chặn hiện đại nhất Syria MiG-29A/UB đóng tại Sayqal.

Về lực lượng cường kích trang bị 60 máy bay cánh cụp cánh xòe Su-20/22 đóng ở Dumayr, Shayrat, Tivas. Có khoảng 2 phi đội cường kích được trang bị máy bay MiG-23BN tại An Nasiriya, một phi đội máy bay ném bom Su-24MK được triển khai tại Tivas.

Lực lượng trực thăng chủ chốt là các trực thăng tấn công Mi-24/25 tại Marj Ruhayyil, Es Suweidaya và trực thăng Mi-8/17 tại Tabqa, Nayrab-Aleppo, Marj As Sultan, Afis và căn cứ không quân Damascus được phân thành 7 phi đội vận tải chiến thuật kiêm tấn công và 5 phi đội tấn công. Chúng được dùng chủ yếu cho 2 nhiệm vụ là phối hợp hỗ trợ tấn công và tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là xe tăng, xe thiết giáp.

Phòng không

Các đơn vị phòng không của Syria ít bị ảnh hưởng nhất bởi cuộc nội chiến tại Syria. Xét về mức đột tập trung lực lượng và phương tiện phòng không, Syria vượt hẳn tất cả các nước Arab còn lại và không thua kém đa số các cường quốc phát triển hơn về quân sự.

Lực lượng này được đầu tư một đến hai tỷ USD mỗi năm và gồm 25 lữ đoàn với 6 trạm SAM. Đây được coi là lực lượng nguy hiểm nhất đối với bất kỳ kẻ thù nào tiến đến gần không phận Syria.

Giao dịch hệ thống phòng không S-300 giữa Nga và Syria tới nay vẫn là ẩn số
Giao dịch hệ thống phòng không S-300 giữa Nga và Syria tới nay vẫn là ẩn số.

Phòng không Syria hiện có trong trang bị hơn 900 hệ thống tên lửa phòng không và hơn 4.000 pháo phòng không cỡ nòng từ 23-100 mm. Bao gồm: 320 bệ phóng tên lửa đất đối không S-75 Dvina (SA-2), loại có thể bay với tốc độ Mach 3,5; 148 bệ phóng tên lửa S-125 Pechora (SA-3) có tốc độ bay Mach 3 được thiết kế để tấn công mục tiêu di động; 48 bệ phóng tên lửa đất đối không tầm cao S-200 Angara (SA-5). SA-5 nặng 8 tấn và có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào đang bay ở tốc độ Mach 7.

Năm 2007, Nga cũng đã ký hợp đồng cung cấp cho Syria các hệ thống tên lửa phòng không Buk-М2, điều này đã cho phép mở rộng đáng kể tiềm lực của phòng không Syria.

Ngoài ra, phòng không Syria còn sở hữu 48 hệ thống tên lửa phòng không S-200 thuộc các đời đầu (theo Jane’s và nhiều nguồn khác) sản xuất từ thời Liên Xô, phỏng đoán là do Belarus cung cấp cho Syria và 50 hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1.

Syria sẽ "gây ngạc nhiên cho những kẻ xâm lược như đã làm trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973, khi lực lượng Arab bất ngờ đánh úp Israel, và trở thành mồ chôn những kẻ xâm lăng", Thủ tướng Wael al-Halqi nói trên truyền hình quốc gia. "Mối đe dọa thực dân của các cường quốc phương Tây không thể làm chúng tôi lo sợ, những người Syria sẽ không chấp nhận bị làm nhục".

S-200 được xem là “át chủ bài” của lưới lửa phòng không Syria với tầm bắn cực xa. Hệ thống sử dụng đạn tên lửa có kích thước rất lớn, đạt tầm bắn xa tới 160km hoặc 250-300km với biến thể cải tiến, độ cao diệt mục tiêu 20-40km tùy biến thể.

Tên lửa sử dụng hệ chiếu vô tuyến pha giữa để hiệu chỉnh đường bay, pha cuối dùng dầu tự dẫn radar bán chủ động tấn công mục tiêu.

Mạng lưới phòng thủ tầm gần và cực gần của Syria gồm: hệ thống pháo – tên lửa phòng không Pantsir-S1; tên lửa phòng không tầm thấp 9K33 OSA và hơn 4.000 khẩu pháo phòng không đủ kích cỡ từ 23 đến 100 mm, trong số đó có gần 300 tổ hợp pháo tự hành ZSU-23-4.

Đáng lưu ý, Pantsir-S1 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tầm thấp hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó rất hữu hiệu trong tác chiến chống mục tiêu bay thấp như: máy bay cánh cố định, trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, vũ khí dẫn đường chính xác, máy bay không người lái và thậm chí là cả mục tiêu trên bộ.

Hệ thống Pantsir-S1 thiết kế với 2 pháo cao tốc 2A38M 30mm và 12 tên lửa phòng không tầm thấp 57E6. Trong đó pháo 2A38M có tốc độ bắn tối đa 2.500 phát/phút, tầm bắn tối đa 4km, tầm cao tối đa 3km. Còn tên lửa đối không tầm ngắn 57E6 đạt tầm bắn 20km và diệt mục tiêu độ cao 15km.

Về hệ thống radar cảnh báo sớm, giám sát, theo dõi, Syria có 22 đài đóng vai trò cảnh báo sớm. Một trong số đó được trang bị hệ thống radar 36D6 tương đối hiện đại. Nó làm nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) nhỏ bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và nhiễu bị động mạnh.

Trước cuộc tấn công tiềm năng bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ, Syria có thể sử dụng 36D6 để trinh sát, bám bắt Tomahawk, qua đó thông báo tới các tổ hợp phòng không tầm thấp như Pantsir-S1 để đánh chặn.

Nói trong chương trình PBS NewsHour hôm qua, 28/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ đã đưa ra kết luận về việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học làm hơn 300 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương hôm 21/8. Tuy nhiên, “việc tham chiến trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Syria sẽ không giúp giải quyết gì cho tình hình”.

Các cuộc không kích trừng phạt của Mỹ vào Syria sẽ được giới hạn trong một phạm vi nhất định và không nhằm gây ảnh hưởng đến cán cân giữa lực lượng của ông Assad và phe đối lập. Sau cuộc không kích của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, chính quyền Syria “sẽ nhận ra thông điệp mạnh mẽ rằng tốt hơn hết là không nên lặp lại điều đó (sử dụng vũ khí hóa học) một lần nữa”, theo PBS NewsHour.

Tùng Dương tổng hợp

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.