Tiết lộ thất bại lớn nhất của tình báo Mỹ thời Chiến tranh Lạnh

Năm 1983, Tổng thống Reagan đã nhận được những đánh giá sai lầm của Tình báo Mỹ liên quan đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Liên Xô
Năm 1983, Tổng thống Reagan đã nhận được những đánh giá sai lầm của Tình báo Mỹ liên quan đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Liên Xô
Năm 1983, Mỹ có lẽ vô tình đặt mối quan hệ của họ với Liên Xô trong thế “đạn đã lên nòng” và với các nhà lãnh đạo Liên Xô, mối quan ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân là có thực.

Mới đây, chính phủ Mỹ đã công bố một trong những báo cáo đáng lo ngại nhất về nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và những mối nguy hiểm sau những phân tích sai lầm của tình báo Mỹ liên quan đến ý định của Liên Xô.

Tài liệu tuyệt mật này được công bố trong tháng 10/2015. Bản báo cáo do Ban Cố vấn Tình báo Đối ngoại của Tổng thống Mỹ - PFIAB) soạn thảo trong tháng 2/1990, đã chỉ trích về sự thiếu hiểu biết của cộng đồng tình báo Mỹ liên quan đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân năm 1983 với Liên Xô.

Năm 1983, một loạt cuộc khủng hoảng xuất hiện như: Việc Mỹ triển khai các vũ khí hạt nhân chiến trường Pershing II (Tên lửa đạn đạo hai tầng mang đầu đạn hạt nhân) ở châu Âu, vốn chỉ cần 5-6 phút là có thể bay đến Moskva; Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI hay Star Wars’) của Tổng thống Reagan; việc ông Reagan gọi Liên bang Xô-viết là “đế chế quỷ”; việc chiếc máy bay dân sự của Hàn Quốc bị bắn rơi; và trên tất cả là một cuộc tập trận quy mô lớn của NATO diễn ra vào tháng 11/1983, được gọi là “Able-Archer”, vốn bị Moskva coi như là một chiến dịch ngụy trang nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Theo đó, các cơ quan tình báo Liên Xô đã tăng cường thu thập tin tức tình báo chưa từng có tiền lệ trong một nỗ lực khẩn cấp nhằm phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo về sự chuẩn bị cho chiến tranh của NATO. Bên cạnh đó cũng đã có một sự tập trung chưa từng thấy về các cuộc diễn tập phòng thủ dân sự, tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu của những tàu ngầm tên lửa đạn đạo Liên Xô và tập trung vào các máy bay năng lực hạt nhân đã được triển khai, cùng với các cuộc diễn tập quân sự hàng loạt nhằm đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ của đối phương.

Trong tháng 5 và 8/1984, tình báo Mỹ đã đưa ra 2 bản báo cáo tuyệt mật, phân tích tỉ mỉ về các hoạt động quân sự mới nhất cũng như những tuyên bố chính trị của Liên Xô, nhưng – bất chấp bằng chứng mà CIA đã nhận được từ Oleg Gordievsky, một sĩ quan KGB (Cơ quan tình báo Liên Xô) ở London – họ đã tuyên bố rằng “các nhà lãnh đạo Liên Xô không nhận thấy một mối nguy hiểm thực sự nào về một cuộc xung đột sắp xảy ra hay một cuộc đối đầu với Mỹ”.

Báo của của PFIAB chỉ ra rằng các bằng chứng đã không ủng hộ cho những kết luận mang tính khẳng định trên. Theo báo cáo này, các hành động của Liên Xô cho thấy một cách mạnh mẽ rằng các nhà lãnh đạo quân sự Liên Xô có thể đã quan ngại sâu sắc về việc Mỹ sử dụng cuộc diễn tập Able-Archer như một hành động ngụy trang để tiến hành một cuộc tấn công thực sự và nỗi lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân là có thực, ít nhất trong suy nghĩ của một số nhà lãnh đạo Xô Viết và đặc biệt là Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Yuri Andropov, người từng là cựu sĩ quan KGB.

Báo cáo của PFIAB cũng cho biết tình hình có lẽ đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng khi, trong cuộc tập trận của NATO – có lẽ là do một loạt sự ngẫu nhiên không phải lúc hoặc là vì tin tức tình báo sai – Liên Xô đã nhận thức không đúng về các hành động của Mỹ, coi đó là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân thực.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ trích mạnh mẽ những đánh giá của tình báo Mỹ về sự quá lạc quan và tự tin. Báo cáo viết: “Tại thời điểm đó và trong nhiều năm tiếp theo, cộng đồng tình báo Mỹ đã không chú trọng đầy đủ đến khả năng rằng, nỗi lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân là có thật”.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ trích tình báo Mỹ trong việc thu thập thông tin về các nhà lãnh đạo Liên Xô khi cho rằng tài liệu phân tích tỉ mỉ vào thời điểm năm 1984 thể hiện “Mỹ biết rất ít về quyết định của điện Kremlin”, thậm chí các nhà phân tích tình báo cao cấp còn đưa ra những đánh giá đầy tự tin về “những ý định của các nhà lãnh đạo Liên Xô” trong khi có rất ít tin tức tình báo, nhân lực và kỹ thuật hỗ trợ cho những đánh giá đó.

Báo cáo của PFIAB kết luận rằng trong năm 1983, Mỹ có lẽ vô tình đặt mối quan hệ của họ với Liên Xô trong thế “đạn đã lên nòng” và với các nhà lãnh đạo Liên Xô, mối quan ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân là có thực, và rằng các phân tích tình báo của Mỹ đã không tập trung vào vấn đề này một cách nghiêm túc. Kết quả là, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đã được cung cấp những đánh giá không đúng sự thật về các nguy cơ đối với Mỹ liên quan đến những hành động và thái độ của Liên Xô.

Trong khi đó, theo đánh giá của tình báo Australia về Liên Xô năm 1983, Moskva “đã chiếm được ưu thế ở những khu vực triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trọng yếu và Mỹ nhận thấy rằng Liên Xô chỉ cần sử dụng một phần lực lượng hạt nhân của nước này cũng có khả năng phá hủy hầu như tất cả những tên lửa triển khai triên mặt đất của Mỹ, trong khi Washington không thể gây ra những thiệt hại tương tự đối với các lực lượng Liên Xô dù có sử dụng toàn bộ lực lượng ICBM của mình”.

Tóm lại, báo cáo của PFIAB năm 1990 nên trở thành một bài học bắt buộc đối với tất cả những tân binh tình báo như là một tài liệu nghiên cứu trong việc làm thế nào để phân tích thông tin tình báo về đối phương. Khi các nhà phân tích nỗ lực đưa ra một quyết định mạnh mẽ duy nhất, như trong năm 2003 với khẳng định có bằng chứng về việc Iraq sở hữu vũ khí hạt nhân, họ vẫn có nguy cơ mắc sai lầm nguy hiểm.

Theo Theo Báo Tin tức
MỚI - NÓNG