Tình báo Việt Nam nói về tướng Phạm Xuân Ẩn

Tình báo Việt Nam nói về tướng Phạm Xuân Ẩn
Tại buổi công bố phát hành chính thức cuốn sách Điệp viên hoàn hảo X6 của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, những nhà tình báo hàng đầu của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã cùng có mặt và chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động về vị tướng tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn.
Giáo sư Larry Berman kể lại niềm tự hào với những dịp gặp tướng Phạm Xuân Ẩn
Giáo sư Larry Berman kể lại niềm tự hào với những dịp gặp tướng Phạm Xuân Ẩn.

Dù năm nay đã 100 tuổi, sức đã yếu, cất lời nói khó khăn, thế nhưng ông Trần Quốc Hương - Chỉ huy trưởng Mạng lưới Tình báo chiến lược chống Mỹ đã rất xúc động khi được hỏi về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn.

"Chỉ sau vài lần gặp gỡ, trò chuyện, tôi và Phạm Xuân Ẩn đã thân nhau. Bức ảnh cầm băngrôn đi đầu trong đám tang học sinh Trần Văn Ơn đã để lại một ấn tượng sâu sắc về một thanh niên nhiệt thành yêu nước trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định” - ông Hương nhớ lại.

Qua lời kể của người đồng đội, Phạm Xuân Ẩn từng tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và đã qua học lớp công tác tuyên truyền của Việt Minh. Ông từng được giao nhiệm vụ điệp báo và được kết nạp vào Đảng từ năm 1953.

Năm 1954, Phạm Xuân Ẩn bị chính quyền miền Nam gọi nhập ngũ và được trưng dụng làm Bí thư Phòng Chiến tranh tâm lý trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp. Nơi ấy, ông đã kết thân với đại tá Edward Lansdale - Trưởng Phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), thực chất là CIA ở Đông Dương dưới vỏ bọc Trưởng Phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) tại Sài Gòn.

"Tôi chọn Phạm Xuân Ẩn cho mục tiêu lâu dài vì hội đủ các yếu tố và điều kiện lý tưởng cho những hoạt động tình báo chiến lược. Tôi thường tới nhà Ẩn chơi và cha mẹ Ẩn cũng coi tôi như con cái trong gia đình. Sau 3 năm thử thách và cân nhắc mọi khả năng, năm 1957, tôi vạch kế hoạch đưa Ẩn sang Mỹ du học. Trước hết, để Ẩn nắm tình hình nước Mỹ, sau là tạo bình phong thuận lợi cho hoạt động tình báo chiến lược về lâu dài” - ông Hương kể.

Nói về chi tiết Chỉ huy trưởng Mạng lưới Tình báo chiến lược bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt vào năm 1958, với nguy cơ rất lớn là gây tâm lý hoang mang trong toàn lực lượng, khi đó Phạm Xuân Ẩn còn đang học ở Mỹ, ông Hương tâm sự: "Cảm xúc của tôi là rất hoang mang, lo lắng về khả năng Ẩn có chịu về Việt Nam hay không khi nghe tin này. Nhưng tôi vẫn đặt trọn niềm tin nơi Ẩn. Sau ngày giải phóng, gặp lại nhau, tôi hỏi: "Khi nghe tin tôi bị bắt, sao cậu vẫn về Việt Nam”. Ẩn trả lời: "Bên nhà báo sang nói anh Hai mệt nên không đến, em biết là anh đã bị bắt. Nhưng em tin anh sẽ không khai ra em, nên em về”.

Câu trả lời của Phạm Xuân Ẩn đã khiến người thủ trưởng của ông rưng rưng xúc động trong nhiều năm, kể cả đến bây giờ. Có lẽ giữa những con người cùng chung chí hướng, một khi đã hiểu lòng nhau thì niềm tin có sức mạnh ghê gớm như thế.

Đánh giá về khả năng che mắt kẻ thù của Phạm Xuân Ẩn, đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) - nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63 hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ nhớ lại: "Lúc tôi về Sài Gòn để giao hoạt động cho Ẩn, anh ăn mặc sang trọng lái chiếc Renault-4, tôi ngồi bên cạnh, súng ngắn trong túi, con chó bécgiê to tướng ngồi chễm chệ băng ghế sau.

Thời kỳ đó, ở Sài Gòn phổ biến thú chơi chim, chơi chó. Thấy hai người ăn mặc đàng hoàng có dáng vẻ công chức bậc cao, ngồi ô tô, sau lưng lại có chó bécgiê to lớn, có ai nghĩ rằng đó là hai cán bộ tình báo của cộng sản”. Theo lời ông Tư Cang, sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, ông và ông Phạm Xuân Ẩn thường xuyên gặp nhau.

Ông nhớ mãi lần Phạm Xuân Ẩn đạp xe từ nhà mình ở đường Lý Chính Thắng, Q.3 vào nhà ông ở tận khu vực Thanh Đa để xin một trái đu đủ xanh về làm thuốc cho chị. "Thấy một con người hào hoa, trước đi mây về gió, thường vào những nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, nay đạp xe đi thăm bạn, khi về đèo theo những quả đu đủ xanh, thương làm sao cái nghĩa, cái tình và tấm lòng trong sáng của một người đồng đội” - ông Tư Cang xúc động.

Có mặt tại buổi giao lưu, phát hành cuốn sách viết về người đồng đội của mình, đại tá Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho) - nguyên Trưởng Phòng Điệp báo Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) cũng chia sẻ: Ông luôn tự hào về đồng đội của mình, đồng thời cũng tự hào về bí danh X6 mà chính ông đã đặt cho Phạm Xuân Ẩn.

Đại tá Mạnh cho biết: Nói về Phạm Xuân Ẩn không thể không nhắc tới những đồng đội thông minh, dũng cảm của ông trong cụm H63. Đó là các chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Thị Ba - những điệp báo viên, bà giao liên tài giỏi, hay Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, người cùng có mặt tại buổi giao lưu) - một chỉ huy gan dạ, xuất sắc của Cụm.

Bà Tám Thảo (tức Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Thành viên Cụm tình báo Chiến lược H.63) dù đã ở vào tuổi xưa nay hiếm cũng có mặt tại buổi giao lưu. Bà chia sẻ: Quãng đời hoạt động sát cánh cùng Phạm Xuân Ẩn đã giúp cho bà trưởng thành rất nhiều về mặt nhân cách, tinh thần và vững vàng hơn trong nghề tình báo.

"Hôm nay, đọc những trang viết cuốn sách của giáo sư sử học người Mỹ về anh, tôi như được gặp lại anh, gặp lại chính mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Càng vui mừng hơn, khi một người từng ở bên kia chiến tuyến, ngày hôm nay đã nhận ra triết lý của một cuộc chiến, đã quay lại ủng hộ một lịch sử vệ quốc hào hùng có thiện cảm về những người hùng của đất nước Việt Nam” - bà Tám Thảo xúc động nói.

Theo Đại đoàn kết

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG