Tính năng khiến tàu ngầm Kilo được gọi là 'hố đen đại dương'

Tàu ngầm lớp Kilo của Nga trong hành trình thử nghiệm. Ảnh: Sputnik.
Tàu ngầm lớp Kilo của Nga trong hành trình thử nghiệm. Ảnh: Sputnik.
Tàu ngầm Đề án 636 "Kilo" được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, giúp giảm thiểu độ ồn để tàu ngầm ẩn mình tốt hơn trong lòng biển.

Sáng 20/1, tàu ngầm 187 Bà Rịa - Vũng Tàu đã được tàu chở hàng Rolldock Storm chuyên chở về vịnh Cam Ranh. Đây là chiếc cuối cùng trong hợp đồng mua 6 tàu ngầm Đề án 636 Varshavyanka (NATO định danh: Kilo cải tiến) được Việt Nam ký kết với Nga hồi năm 2009. Lớp tàu ngầm này được hải quân Mỹ đặt biệt danh là "hố đen đại dương", theo National Interest.

Đề án 636 Varshavyanka được phát triển trên nền tảng tàu ngầm Đề án 877 Paltus (NATO định danh: Kilo) do Liên Xô hạ thủy năm 1980. Chiếc Kilo cải tiến đầu tiên được hạ thủy vào năm 1996, sau đó Viện thiết kế Rubin đưa ra phiên bản hiện đại hóa như 636M cho hải quân Nga, Trung Quốc, Việt Nam và Algeria.

Đây là lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel - điện, có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Tàu có độ sâu hoạt động khoảng 240 m và độ sâu lặn tối đa 300 m. Lớp tàu ngầm này vận hành rất tốt trong vùng biển nông, có khả năng di chuyển ở gần khu vực đáy biển hơn các loại tàu ngầm tấn công khác.

Viện thiết kế Rubin đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để giảm độ ồn cho lớp Kilo, giúp chúng có khả năng tàng hình trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại. Vỏ tàu được thiết kế theo hình giọt nước để làm giảm sức cản khi di chuyển trong lòng biển.

Tàu ngầm Kilo được gọi là "hố đen đại dương" bởi khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo của nó. Động cơ của tàu được đặt cách ly trên bệ đỡ cao su và không chạm vào thân tàu, làm giảm rung động và triệt tiêu tiếng ồn. Vỏ ngoài tàu ngầm được bọc kín bằng lớp cao su đặc biệt, có khả năng cách âm từ bên trong và hấp thụ sóng âm từ bên ngoài. Lớp vỏ cao su này giảm khả năng phát hiện mục tiêu từ sonar chủ động và thụ động của đối phương.

Hệ thống cung cấp khí trên tàu có thể cung cấp oxy trong vòng 260 tiếng liên tục, giúp tàu có thể lặn liên tục trong hai tuần liền mà không cần nổi lên. Động cơ chính có công suất 6.800 mã lực, cho phép tàu di chuyển với tốc độ tối đa 46 km/h và tầm hoạt động khoảng 13.900 km.

Thiết bị cảm biến trên tàu gồm tổ hợp sonar chủ động/thụ động MGK-400EM và một loạt cảm biến thủy âm thụ động trên vỏ tàu. Bên cạnh đó là sonar nhận dạng mục tiêu và cảnh báo mìn MG-519EM Arfa. Trong chế độ hành trình bình thường, tàu sử dụng radar MRK-50 Albatros để định vị và nhận dạng các tàu thuyền xung quanh.

Lớp Kilo cải tiến được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm. Cơ số vũ khí của tàu gồm 18 ngư lôi Type-53-65, TEST-71, ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval, tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr/Klub-S hoặc 24 quả mìn. Tổ hợp Kalibr có phiên bản chống hạm, chống ngầm và đối đất, tầm bắn tối đa 2.500 km cho bản nội địa và 300 km cho bản xuất khẩu. 

Đề án 877 Paltus và 636 Varshavyanka được chuyên gia phương Tây đánh giá rất cao cả về tính năng kỹ thuật và tiềm năng xuất khẩu. Các tính năng vũ khí hiện đại và khả năng tàng hình dưới lòng biển đã biến các phiên bản Kilo trở thành một huyền thoại, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG