Triều Tiên xây nhiều boong-ke quân sự ở biên giới biển

Đảo Galdo
Đảo Galdo
TP - CHDCND Triều Tiên đang xây nhiều boong-ke quân sự trên hòn đảo biên giới với Hàn Quốc và Seoul coi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng”. Trong khi đó, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thúc giục Trung Quốc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.  

Đảo Galdo, cách 2,5km đường biên giới biển trên thực tế với Hàn Quốc, được trang bị các bệ phóng đa tên lửa 122mm và các trạm gác để giám sát hoạt động của hải quân và tàu tuần tra Hàn Quốc, báo Hàn Quốc Korea Herald đưa tin. Phía Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên bắt đầu đào bới ở khu vực này hồi tháng 3 và từ đó đã xây ít nhất 5 trại.

Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc Kim Min-seok hôm qua nói rằng, Triều Tiên đang đào nhiều hầm trên đảo Galdo. Nếu hai nước xảy ra xung đột, Galdo sẽ là căn cứ gần nhất để tấn công vào các đảo gần biên giới của Hàn Quốc. Căn cứ gần nhất của Hàn Quốc là trên đảo Jangjaedo, cách đảo Yeonpyeongdo 7km. Quân đội Hàn Quốc đã đưa các tên lửa Spike với tầm xa 20km đến hai đảo Yeonpyeongdo và Baengnyeongdo để bảo vệ khu vực, theo Korea Herald.

Những boong-ke này được phát hiện trong bối cảnh tình hình bán đảo trở nên căng thẳng hơn sau khi Triều Tiên gần đây tuyên bố thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, dọa tấn công các tàu hải quân Hàn Quốc ở vùng biển tiếp giáp, đồng thời khẳng định đã đạt đến khả năng “thu nhỏ và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân”. Vì thế, Hàn Quốc và Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc gia tăng áp lực với Triều Tiên.

Các quan chức phụ trách vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đang họp tại Bắc Kinh từ hôm qua đến hôm nay. Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc muốn duy trì quan hệ tốt với đồng minh truyền thống Triều Tiên nhằm ngăn Mỹ nắm quyền lãnh đạo ở Đông Á hơn là giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng, phía Trung Quốc sẽ vẫn duy trì quan điểm vấn đề hạt nhân Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại, cho dù Bắc Kinh thừa nhận tính nghiêm trọng của những mối đe dọa này. Reuters dẫn lời ông Chang Yong-seok, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu thống nhất và hòa bình thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nói: “Bạn chỉ có thể chờ đợi nghe phản ứng cho có lệ từ phía Trung Quốc”.

MỚI - NÓNG