Trung Quốc ngày càng lộ tham vọng thống trị trên biển

Trung Quốc tuyên bố hoàn thành căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới tại Biển Đông - Ảnh: Reuters
Trung Quốc tuyên bố hoàn thành căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới tại Biển Đông - Ảnh: Reuters
TPO - Đóng tàu sân bay, tạo các đường băng lớn để máy bay B52 có thể cất cánh trên biển, đầu tư các hệ thống tàu chiến, tàu ngầm...Trung Quốc đang thể hiện khát vọng thống trị quân sự trên biển.

Hoàn thành căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới


Ngày 31.7, The National Interest cho hay, bến dùng làm nơi đỗ cho tàu sân bay này có chiều dài 700 m, được xây dựng ở căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam.

Căn cứ neo đậu mới có khả năng tiếp nhận các tàu ra vào ở cả hai phía, cùng lúc có thể chứa được 2 tàu sân bay hoặc nhiều tàu lớn khác.

Như vậy nó trở thành căn cứ neo đậu tàu sân bay lớn nhất thế giới hiện nay. Vì thực tế các khu neo đậu tàu sân bay của Mỹ tại Norfolk, bang Virginia cũng như tại căn cứ tàu sân bay khác ở Nhật cũng chỉ dài từ 400-430m.

Trong khi đó, nước này cũng đang hoàn thành 2 tàu sân bay tự đóng trong nước cùng nhiều tàu chiến cỡ lớn khác.

Ồ ạt xây dựng trái phép trên Biển Đông

Các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 18.7 trên đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa cho thấy, Trung Quốc đang ồ ạt chuẩn bị địa hình để xây dựng đường băng dài 3km, rộng 250m đủ để máy bay lớn như B-52 tác chiến. 

Họ đã hoàn thành việc nạo vét cát và san hô trên đá Xu Bi, chuẩn bị đổ bêtông cho đường băng.

Trung Quốc ngày càng lộ tham vọng thống trị trên biển ảnh 1 Hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 18.7 chụp rìa phía bắc của đá Xu Bi. Ảnh: VICTOR ROBERT LEE.

Hiện ở Xu Bi có khoảng 48 cần trục loại lớn đang hoạt động ở khu vực có thể xây đường băng, nén cát và san hô để tăng cường sự ổn định cho nền đường băng. Số xe tải vận chuyển bêtông trên đá Xu Bi đã tăng từ 20 chiếc theo ảnh vệ tinh chụp ngày 5.6.2015 lên 34 chiếc trong ảnh chụp hôm 18.7. 

Trong khi đó, đường băng dài hơn 3km trên bãi Đá Chữ Thập được Trung Quốc xây dựng trái phép sẽ phục vụ hoạt động cất cánh và hạ cánh của mọi loại máy bay bao gồm máy bay chiến đấu chiến thuật.  "Đường băng dài hơn 3km này đủ rộng để chứa máy bay ném bom B-52 cũng như tàu vũ trụ và Boeing 747", Đô đốc Harris Mỹ nhận định.

Lộ kế hoạch kiểm soát vùng trời Tây Thái Bình Dương

Kyodo đưa tin, theo một bản báo cáo của Học viện Chỉ huy Không quân Trung Quốc về chiến lược trên không mà hãng tin Kyodo có được ngày 2/8,

Bản báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển và nâng cấp 9 loại "trang thiết bị chiến lược," trong đó có máy bay ném bom chiến lược mới và một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm một phần đối phó với Mỹ, nước đang chú trọng xoay trục sang châu Á.

Các thiết bị chiến lược còn lại bao gồm tên lửa hành trình tốc độ cao phóng từ trên không, máy bay vận tải cỡ lớn, khinh khí cầu bay trên tầng khí quyển cao, máy bay tiêm kích thế hệ mới, máy bay tấn công không người lái, các vệ tinh của không quân và bom có điều khiển.

Trong khi Trung Quốc mở rộng quy mô lực lượng Hải quân và chế tạo một tàu sân bay thứ hai đang gây chú ý, bản báo cáo trên cho thấy Không quân nước này cũng đã bắt đầu phát triển một chiến lược mở rộng tương tự.

Báo cáo được Học viện chuẩn bị hồi tháng 11/2014 này liệt kê Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam vào danh sách "những mối đe dọa" với không phận quân sự Trung Quốc cho tới năm 2030.

Trung Quốc ngày càng lộ tham vọng thống trị trên biển ảnh 2 Sức mạnh quân sự Trung Quốc muốn phô diễn trên Biển Đông

Lộ khát vọng thống trị trên biển

Tại Hội thảo An ninh Aspen hồi tuần trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông để phục vụ mục đích quân sự.

Theo tạp chí National Interest, đầu tiên, các tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chắc chắn sẽ được trang bị radar và thiết bị nghe trộm điện tử, để tăng cường khả năng tình báo, trinh thám và giám sát trên biển.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể triển khai các máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay giám sát, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu và chiến đấu cơ. Phụ thuộc vào hệ thống và quy mô triển khai tại mỗi tiền đồn, Trung Quốc có thể kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông với tần suất 24/7.

Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không trên toàn bộ khu vực Biển Đông hoặc trong phạm vi mà tấm bản đồ phi lý "đường chín đoạn" đã vạch ra. Để hiện thực hóa âm mưu này, Trung Quốc sẽ cần xây dựng thêm một số sân bay tại nhiều vị trí trên Biển Đông.

Điển hình, Trung Quốc đã cho mở rộng đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ 2,2 m thành hơn 3 m. 

Trước đó, vào tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ, ông Michael McDevitt, cũng là nhà nghiên cứu lâu năm của Trung tâm phân tích hải quân (CNA) có trụ sở tại Washington đã nhận định, trong vòng 5 năm tới, khả năng của hải quân Trung Quốc có thể vượt qua nhiều nước khác trên thế giới. 

Theo ông McDeveitt, Trung Quốc có thể sẽ sở hữu 2 tàu sân bay, bằng với số lượng của Anh và Ấn Độ, cùng với đó là 6 hoặc 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân và khoảng 20 đến 22 tàu khu trục giống với Aegis của hải quân Mỹ.

Vào năm 2020, các tàu chiến của Trung Quốc cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn ở Ấn Độ Dương và thậm chí là Địa Trung Hải, điều khiến một vài đối tác và đồng minh của Mỹ phải dè chừng.

"Vào năm 2020, hải quân Trung Quốc có khả năng trở thành sức mạnh trên biển lớn thứ 2 thế giới", Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ, ông Michael McDevitt nhận định.

MỚI - NÓNG