Trung Quốc sẽ bắt chước mô hình quân đội của Mỹ

Ông Tập Cận Bình theo dõi một cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình theo dõi một cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc
TP - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tuyên bố, đến năm 2020, nước này sẽ đạt được bước đột phá trong cải cách quân đội. Giới quan sát cho rằng, cuộc “đại tu” này sẽ phát triển quân đội Trung Quốc theo mô hình của Mỹ.

Trong một cuộc họp với Hội đồng quân sự trung ương, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thúc đẩy liên kết giữa các vấn đề quân sự và dân sự, mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng cho khu vực tư nhân. Một ủy ban kỷ luật và cơ quan kiểm soát quân sự thuộc quân đội sẽ được thành lập để chống tham nhũng, và các biện pháp sẽ được triển khai để cải thiện hệ thống luật pháp quân đội. Một ủy viên luật pháp và chính trị cho quân đội sẽ được bổ nhiệm, ông Tập nói. Ông Tập đã chủ trì cuộc họp kéo dài 3 ngày về vấn đề này, với sự tham dự của khoảng 200 quan chức quân đội cấp cao nhất, Xinhua đưa tin.

Những lĩnh vực cải cách chính trong quân đội Trung Quốc gồm: tái cấu trúc các trụ sở; thay đổi 7 bộ chỉ huy quân sự; lập các vùng chiến lược mới và các hệ thống chỉ huy chiến dịch chung; tăng cường cấu trúc chỉ huy của Hội đồng quân sự trung ương; thúc đẩy đổi mới; đổi mới hệ thống quản lý nhân sự; tăng cường phối hợp giữa xây dựng quốc phòng và phát triển kinh tế.

Báo Hong Kong South China Morning Post hồi đầu tháng 9 đưa tin, quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ bỏ cấu trúc chỉ huy kiểu Liên Xô để theo mô hình của Mỹ. Bảy vùng chỉ huy quân sự của PLA sẽ được hợp nhất thành bốn trong một cuộc chấn chỉnh lớn nhằm đưa quân đội lớn nhất thế giới trở thành lực lượng hiện đại và có khả năng phản ứng mau lẹ như quân đội tốt nhất của phương Tây. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ làm giống như Mỹ khi thực hiện đạo luật Goldwater-Nichols (GNA) để cải cách Bộ Quốc phòng Mỹ hồi cuối những năm 1980.

Ngoài vấn đề lực lượng mặt đất, Mỹ đối mặt những vấn đề tương tự Trung Quốc ngày nay trước khi đạo luật này được triển khai. Cho đến năm 1985, mỗi quân khu của Mỹ có hệ thống hậu cần, học thuyết, bộ máy lập kế hoạch riêng, gây ra lãng phí và trùng lặp. Lệnh triển khai chiến dịch do tổng thống đưa ra, thông qua bộ trưởng quốc phòng, xuống đến các quân khu rồi mới xuống các đơn vị chiến đấu, dẫn tới bộ máy cồng kềnh và quan liêu. GNA xóa bỏ hết khác biệt giữa các quân khu và trao quyền chỉ huy chiến dịch quốc gia cho tổng thống và bộ trưởng quốc phòng. Để thực hiện cải cách này, GNA sa thải hết những nhân sự trung niên, đơn giản hóa quy trình chỉ huy và tạo ra cấu trúc hậu cần, mua bán tập trung hơn.

Các học giả PLA lâu nay kêu gọi cải tổ theo kiểu GNA, và họ cũng tranh luận công khai về về hiệu quả của bộ chỉ huy chiến dịch chung theo kiểu của Mỹ và GNA. Không có gì ngạc nhiên khi các học giả PLA coi GNA này là mục tiêu cuối cùng vì mô hình đó đã chứng tỏ hiệu quả qua 3 cuộc chiến tranh, vô số chiến dịch trợ giúp nhân đạo và trong những hoạt động thể hiện sức mạnh và ngăn ngừa, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".