‘Trung Quốc thử độ kiên nhẫn của Nhật Bản và Mỹ’

‘Trung Quốc thử độ kiên nhẫn của Nhật Bản và Mỹ’
TPO-Cả Mỹ và NB đang hướng sự quan tâm tới các hành động được dư luận quan tâm gần đây của TQ và cảnh báo rằng TQ đang gần tiến tới điểm mà sự khoan dung của Mỹ và NB sẽ không còn duy trì.
‘Trung Quốc thử độ kiên nhẫn của Nhật Bản và Mỹ’ ảnh 1

Tiền Phong Online lược đăng bài phân tích “China Tests Japanese and U.S. Patience” (‘Trung Quốc thử độ kiên nhẫn của Nhật Bản và Mỹ’) của Rodger Baker - chuyên gia nghiên cứu về Đông và Nam Á, thuộc Công ty nghiên cứu tình báo toàn cầu Stratfor (là một tổ chức theo kiểu Think-tank) trên trang mạng www.stratfor.com xuất bản ngày 26-2-2013.

Gần đây, Thủ tướng (TTg) Nhật Bản (NB) Shinzo Abe cảnh báo Trung Quốc (TQ) rằng, NB đang dần mất kiên nhẫn với những hành động hung hăng trên biển của TQ trên biển Hoa Đông và biển Đông, ngụ ý rằng TQ nên cân nhắc những hậu quả kinh tế, quân sự từ những hành động này.

Trong một cuộc phỏng vấn tờ Washington Post trước cuộc gặp của TTg Abe với Tổng thống (TT) Mỹ Obama tại Washington, ông Abe nói rằng những hành động của TQ xung quanh quần đảo đang tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư và việc TQ gia tăng các hoạt động quân sự đã dẫn đến việc NB phải tăng cường sức mạnh của quân đội nước này, nhất là lực lượng bảo vệ bờ biển.

Ông cũng tái khẳng định vai trò trung tâm của liên minh Mỹ-NB đối với an ninh châu Á và cảnh báo rằng, TQ có thể sẽ không nhận được nguồn đầu tư từ phía NB nếu tiếp tục sử dụng các biện pháp “ép buộc hoặc hăm dọa” đối với các nước láng giềng trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Mặc dù Mỹ duy trì quan điểm khá trung lập trong tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi gián tiếp kêu gọi NB không công bố bằng chứng về việc một tàu TQ đã nhắm ra-đa hỏa lực vào tàu của NB thời gian qua, nhưng rõ ràng Mỹ và NB đều có quan điểm chung cho rằng, những hành động của TQ đang tiến gần tới giới hạn của sự khoan dung.

Do gần TQ nên NB phải hướng sự chú ý vào những hoạt động hàng hải của TQ ngày gia tăng trong 2-3 năm gần đây trên biển Đông và Hoa Đông. Tới lượt mình, Mỹ lại quan tâm tới những hoạt động gián điệp và chiến tranh không gian mạng của TQ. Cả Mỹ và NB đang hướng sự quan tâm tới các hành động được dư luận quan tâm gần đây của TQ và cảnh báo rằng TQ đang gần tiến tới điểm mà sự khoan dung của Mỹ và NB sẽ không còn duy trì. Thông điệp là rõ ràng rằng: TQ phải thay đổi hành vi của mình hoặc sẽ phải đối mặt với các hậu quả từ phía Mỹ và NB.

Phản ứng của TQ

Với bài trả lời phỏng vấn của mình, TTg Abe đã tạo ra một phản ứng mạnh mẽ từ phía TQ, cho dù truyền thông chưa chắc đã chuyển tải đúng nội dung của nó, nhất là với nội dung “TQ có một nhu cầu “thâm căn cố đế” là cần chống lại NB và các quốc gia láng giềng châu Á khác về lãnh thổ vì ĐCS cầm quyền của nước này đang sử dụng các tranh chấp này để duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trong nước”.

‘Trung Quốc thử độ kiên nhẫn của Nhật Bản và Mỹ’ ảnh 2

NB đã đáp lại những chỉ trích của phía TQ bằng việc cho rằng tờ Washington Post đã trích sai nội dung trả lời phỏng vấn của ông Abe nhưng việc trả lời phỏng vấn của ông Abe là có thật. Cho dù đó là sự thực, nhưng việc sử dụng từ “thâm căn cố đế” TTg Abe không hàm ý đến bản chất các hành xử của TQ. Mà đối với NB, vấn đề trong quan hệ với TQ hiện nay là xu hướng chống NB phổ biến rộng rãi trong hệ thống giáo dục TQ và TQ sử dụng tâm lý chống NB làm cơ sở cho chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân TQ.

Với tâm lý phản ứng “bánh chè” (phản ứng tức thì khi ghõ vật cứng vào xương bánh chè của đầu gối) đối với bất kỳ bình luận khiếm nhã nào từ phía lãnh đạo nước ngoài, chính quyền và công luận TQ đáp lại bằng việc nỗ lực chuyển sự chú ý của dư luận đối với những hành động của TQ sang quan tâm tới tính “diều hâu” của TTg Abe và coi đây như là nguyên nhân cho các căng thẳng ở Đông Á.

Theo đó, một bài viết của Tân Hoa xã công bố sau cuộc gặp giữa TTg Abe và TT Obama đã cảnh báo Mỹ “cảnh giác với xu hướng hữu khuynh của NB”; và “các nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ hai thế giới là Mỹ và TQ sẽ có thể cùng làm việc để bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của khu vực CA-TBD, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu”.

Đe dọa kinh tế

TTg Abe hàm ý rằng quan hệ NB-TQ bị ảnh hưởng bởi những hành động không được tính trước của Đảnh Cộng sản TQ nhằm duy trì tính chính thống của mình. Việc TQ mở cửa kinh tế đã dẫn đến sự thịnh vượng bất cân xứng, đang làm xóa mờ trụ cột chính của ĐCS nước này đó là sự ủng hộ và bình đẳng.

Để đối phó lại điều đó, chính quyền TQ đã theo đuổi chiến lược hai cánh là tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa yêu nước. Tăng trưởng kinh tế buộc Bắc Kinh phải mở rộng nguồn cung ứng hàng hóa, đưa TQ tự nhiên tiến ra biển. Trong khi đó, chủ nghĩa yêu nước lại được thể hiện bằng việc giảng dạy tư tưởng chống Nhật đang lan rộng trong hệ thống giáo dục và xã hội TQ.

‘Trung Quốc thử độ kiên nhẫn của Nhật Bản và Mỹ’ ảnh 3

Ông Abe cho rằng, TQ đang theo đuổi các phương cách ứng xử mang tính chất ép buộc và đe dọa như một phần trong chiến lược tìm kiếm tài nguyên của mình, đặc biệt trên biển Hoa Đông và biển Đông. Tâm trạng chống Nhật ngấm ngầm trong xã hội được khắc sâu vào tinh thần yêu nước của người dân đang khiến cho chính quyền Bắc Kinh giành được sự ủng hộ của nhân dân trong nước đối với những hành động hung hăng của mình.

Nhưng điều này lại gây ra căng thẳng trong quan hệ kinh tế NB-TQ và theo đó làm hạ nhiệt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của TQ. Và nếu không có sự tăng trưởng kinh tế, ông Abe cảnh báo rằng, sự lãnh đạo độc đảng của TQ sẽ khó có thể kiểm soát được 1,3 tỷ người dân của mình.

TTg Abe cũng cảnh báo, những hành động gây căng thẳng của TQ sẽ dẫn đến các hậu quả kinh tế, nhất là trong hoàn cảnh các công ty NB đang chịu trách nhiệm cho khoảng 10 triệu việc làm tại TQ. Nếu rủi ro làm ăn tại TQ gia tăng, đầu tư của NB cũng sẽ giảm mạnh.

Trên mặt trận kinh tế, NB là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và là một đối tác thương mại chủ yếu của TQ. Mặc dù rất khó xác minh sự thật về lời cảnh báo của Abe rằng, đầu tư của NB quyết định tới 10 triệu việc làm của TQ, nhưng ảnh hưởng của những hành động của TQ đối với quan hệ kinh tế hai nước là điều rõ ràng. Năm 2012, căng thẳng tới cao điểm khi NB quyết định mua lại một số hòn đảo trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư từ những người dân nước này.

Theo đó các cuộc biểu tình chống NB lan rộng ở TQ, nhất là việc tẩy chay hàng hóa NB. Hậu quả là tổng giá trị thương mại giữa TQ-NB đã giảm 3,9%/năm - sự giảm sút đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, trong đó xuất khẩu giảm xuống hơn 10%. Đầu tư trực tiếp của NB mặc dù có tăng nhẹ trong cả năm nhưng đã được ghi nhận là giảm mạnh trong mùa hè năm 2012 khi căng thẳng hai nước lên tới đỉnh điểm.

Những yếu tố khác đóng vai trò đối với sự suy giảm thương mại và đầu tư của NB vào TQ là sự giảm tổng cầu của NB và sự chuyển dịch đối với các nhà cung cấp các nguồn nguyên liệu chủ yếu cho NB (gồm cả việc điều chỉnh thị trường xuất khẩu của NB). Theo đó, NB có thể cũng bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn trong quan hệ kinh tế giữa hai nước cho dù nước này có thể đang có các bước đi nhằm chống lại những hậu quả từ tranh chấp kinh tế với TQ.

Thực tế, các công ty NB đang bắt đầu quan tâm tới việc chuyển dịch một số cơ sở sản xuất của mình ra khỏi TQ cho dù các cuộc biểu tình và tẩy chay chống NB không còn gia tăng. Trong năm 2012, khoảng cách giữa TQ và Mỹ với tư cách là những thị trường hàng hóa hàng đầu của NB đã thu hẹp xuống còn 0,6%.

TTg Abe còn hàm ý mạnh mẽ rằng, NB cuối cùng đã quyết định theo đuổi đàm phán với Mỹ về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) – một khối thương mại được hình thành (không chính thức) nhằm loại trừ TQ.

Cảnh báo quân sự

Những đe dọa quân sự là vấn đề gây lo quan ngại tức thì đối với Bắc Kinh. Cả NB và Mỹ đang tiến tới giới hạn của sự khoan dung đối với các hành động hung hăng của TQ. Mỹ đang thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á và được TQ coi đây một hành động kiềm chế TQ. Bên cạnh đó, việc NB tăng cường quan hệ với Nga, Úc, Ấn Độ và Đông Nam Á cũng được TQ ghi nhận như một sự kiềm chế TQ.

‘Trung Quốc thử độ kiên nhẫn của Nhật Bản và Mỹ’ ảnh 4

Đối với NB, hoạt động hàng hải xung quanh các quần đảo tranh chấp có thể được quản lý miễn sao nó vẫn nằm trong lĩnh vực dân sự, nhưng việc TQ sử dụng ra-đa kiểm soát hỏa lực nhằm vào các tàu và máy bay NB là không thể chấp nhận (trong một báo cáo gần đây, một máy bay do thám Y-8 của TQ và máy bay F-15 của NB đã đến gần nhau trong khoảng 5m, tạo ra một nguy cơ cho một vụ va chạm như giữa các máy bay của Mỹ và TQ hồi năm 2001).

Cả Mỹ và NB đều coi liên minh quân sự của mình như một hòn đá tảng cho chính sách và quan hệ của hai nước trong khu vực. NB tiếp tục khắc phục những hạn chế trong Hiến pháp của mình trong lĩnh vực quân sự và cam kết với Mỹ để đóng một vai trò lớn hơn trong đảm bảo an ninh khu vực. Sự leo thang các hành động gây căng thẳng trên biển của TQthể hiện rằng nước này đang tự tin và có đủ khả năng để thay đổi cán cân hải quân trong khu vực.

TQ đang xây dựng hình tượng về một lực lượng hải quân mạnh, hiện đại được hỗ trợ bởi các tên lửa đất đối không, các tàu chiến và công ghệ hiện đại ngang tầm quốc tế đang được hình thành. Chiến lược Khu vực từ chối/Chống truy cập (A2/AD) (Anti-access/area denial) của TQ là một yếu tố thách thức đối với NB và Mỹ. Với những tiềm năng như vậy, TQ từng cảnh báo rằng, Hải quân nước này sẽ sớm vượt qua Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, hạn chế khả năng hàng hải của Mỹ bằng các tên lửa hiện đại, hạm đội vượt trội về số lượng.

Hải quân TQ đã trải qua một chương trình hiện đại hóa mạnh mẽ trong thập kỷ trước. Tuy nhiên, Hải quân TQ chưa thể đối đầu với Hải quân NB và còn kém xa Hải quân Mỹ. Những nỗ lực hiện đại hóa và chương trình xây dựng hạm đội vẫn chưa thể tạo ra một lực lượng hải quân siêu việt cho TQ. Một lực lượng hải quân siêu việt cần có tổ chức, học thuyết, nguyên tắc và kinh nghiệm.

Vấn đề chính hạn chế Hải quân TQ không phải là việc xây dựng tàu chiến hoặc tuyển mộ quân nhân mà là khả năng hạn chế tác chiến binh chủng hợp thành trong chiến tranh và sự hạn chế trong hoạt động của các hạm đội. Để khắc phục các vấn đề này cần có một nền tri thức đáng kể, việc huấn luyện hậu cần, phòng không liên hợp và vô số các yếu tố phức tạp khác.

Tiêu chí để xác định khả năng của một lực lượng hải quân chính là khả năng chiến thắng trước các kẻ thù lớn nhất của nó. Ngoài ra, để đánh giá khả năng của một lực lượng hải quân còn tính đến các yếu tố như: khoa học công nghệ, học thuyết, trong đó một phần không thể thiếu đó là kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Hải quân TQ có rất ít kinh nghiệm trong thực tế chiến tranh, kể cả trong quá khứ. Hải quân TQ có thể có các công nghệ mới và đang xây dựng hướng tới ưu số nhưng vẫn phải đối mặt với hải quân Mỹ với kinh nghiệm trong nhiều thế kỷ và các thế hệ chỉ huy hải quân đã trải qua thực tế chiến trường.

Ngay cả hải quân NB cũng có hơn một thế kỷ kinh nghiệm và có truyền thống tác chiến trên biển. Việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu rõ ràng đang hạn chế khả năng của hải quân TQ.

Quế Sơn
theo stratfor

Theo Dịch
MỚI - NÓNG