Trước 2020, TQ sẽ có tàu sân bay hạt nhân

Trước 2020, TQ sẽ có tàu sân bay hạt nhân
Công bố gần đây trên website của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc CSIC lần đầu đề cập đến chương trình thiết kế và xây dựng tại Trung Quốc nguyên mẫu lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm cho hạm tàu nổi.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Vấn đề được quan tâm nhất là mục tiêu chế tạo tàu sân bay hạt nhân và thời hạn có thể ra mắt nhóm hàng không mẫu hạm chiến đấu đầu tiên bao gồm những con tàu này. Việc xây dựng một tàu sân bay hạt nhân đánh dấu giai đoạn mới trong sự phát triển chiến lược hải quân Trung Quốc, chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Vasily Kashin nhận xét.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc tích cực phát triển Hạm đội của mình theo từng giai đoạn, từ khái niệm phòng thủ chủ động bờ biển đến khái niệm chiếm ưu thế trên biển trong chuỗi đảo thứ nhất (các đảo Nhật Bản - Đài Loan – Philippines).

Ranh giới nước ngoài kế tiếp mà hạm đội hướng đến là chiếm ưu thế thống trị trong khu vực chuỗi đảo thứ hai, bắt đầu từ bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản thông qua Quần đảo Bắc Mariana, Guam, Palau cho đến bờ biển tây bắc của New Guinea. Tàu sân bay hạt nhân rõ ràng là thừa thãi và quá đắt tiền để giải quyết những vấn đề này.

Việc xây dựng một tàu sân bay hạt nhân có ý nghĩa nếu như Trung Quốc muốn gửi những binh đoàn Hải quân hùng mạnh có khả năng tấn công độc lập đến khu vực biển xa. Bản thân sự xuất hiện của những lực lượng tương tự sẽ là một yếu tố quan trọng trong bàn cờ chính trị thế giới. Và vì những quyết định tương ứng đã được lãnh đạo Trung Quốc thông qua, chỉ còn phải tìm hiểu khi nào thì việc này sẽ xảy ra.

Theo tài liệu trên trang trực tuyến của công ty CSIC, việc tài trợ cho dự án xây dựng lò phản ứng thử nghiệm cho chiến hạm nổi mới được phân bổ cách đây không lâu và có vẻ như mới chỉ trong năm qua. Trung Quốc đã có đủ khả năng sản xuất tổ máy điện hạt nhân cho tàu ngầm, tàu sân bay, nhưng các động cơ của hàng không mẫu hạm có đặc điểm riêng của mình.

Chúng không phải đối mặt với các hạn chế nghiêm ngặt về kích thước, trọng lượng hay tiếng ồn, nhưng chúng phải có công suất cao hơn rất nhiều để bảo đảm cung cấp năng lượng cho tất cả hệ thống của một con tàu khổng lồ.

Như vậy, ở đây có thể nói về một dự án kỹ thuật phức tạp kéo dài trong nhiều năm và rất có thể sẽ được hoàn thành vào cuối thập kỷ này - chuyên gia Nga về các vấn đề quốc phòng Vasily Kashin cho biết.

Với sự gia tăng chú ý đến các vấn đề về an toàn hạt nhân của Trung Quốc trong những năm gần đây, tiếp theo việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm trên tàu sẽ là giai đoạn dài các quan sát, thử nghiệm và kiểm tra. Căn cứ vào điều này, hàng không mẫu hạm hạt nhân của Trung Quốc sẽ khó có thể gia nhập vào đơn vị chiến đấu của hạm đội trước năm 2020.

Cho đến nay, theo báo cáo, Trung quốc có kế hoạch đóng thêm ít nhất một tàu sân bay nữa với tổ máy điện thông thường. Con tàu này, mặc dù sẽ vay mượn một số yếu tố thiết kế từ hàng không mẫu hạm của Liên Xô cũ "Varyag" nhưng vẫn sẽ là một dự án độc lập của Trung Quốc. Việc đóng tàu đã hoặc sẽ bắt đầu trong năm 2013.

Hai tàu sân bay đầu tiên sẽ cho phép Trung Quốc thu thập kinh nghiệm cần thiết về hoạt động của những con tàu tương tự và tăng khả năng tấn công của Hải quân Trung Quốc trong những vùng biển gần. Vũ khí tấn công chính của chiến hạm sẽ là máy bay tiêm kích J-15, hiện sắp hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.

Có thể nói rằng những chiến hạm này sẽ là thế hệ đầu tiên của hạm đội hàng không mẫu hạm Trung Quốc trong tương lai, còn thế hệ thứ hai sẽ là những tàu sân bay nguyên tử.

Cho đến thời điểm xuất hiện thế hệ thứ hai của tàu sân bay Trung Quốc, không loại trừ khả năng sẵn sàng sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu tiềm năng thế hệ thứ năm J-31 của Trung Quốc, đã được bắt đầu bay thử nghiệm từ năm ngoái.

Như vậy, kịch bản lạc quan của Trung Quốc cho chiến đấu cơ J-31, được chế tạo dưới sự ảnh hưởng rõ ràng về thiết kế từ máy bay chiến đấu tiềm năng F-35 Lightning II của Mỹ, sẽ có thể gặp gỡ những nguyên mẫu Mỹ của mình trên biển chỉ sau 10 năm nữa.

Triển vọng trên đây đòi hỏi Mỹ sẽ phải tăng thêm đầu tư để hiện đại hóa hạm đội của mình nhằm duy trì ưu thế công nghệ đối với Trung Quốc.

Theo Voice of Russia

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG